Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Quyết định 167?
- Chính sách nhà ở là chính sách thiết thực, hỗ trợ trực tiếp cho việc cải thiện điều kiện sống cho người dân, giúp dân an cư, lạc nghiệp. Nhìn chung, quá trình giám sát ở các địa phương đều cho thấy vấn đề giảm nghèo, trong đó có vấn đề hỗ trợ nhà ở rất là rõ ràng và có sự quyết tâm rất cao nên việc triển khai thực hiện tương đối tốt.
Vẫn còn rất nhiều hộ nghèo cần được hỗ trợ xây nhà (ảnh chụp tại Như Thanh, Thanh Hóa).
Thực tế, ghi nhận của phóng viên NTNN tại Quảng Ngãi và một số tỉnh khác cho thấy nguồn vốn tín dụng đang bị “mắc” chưa được giải ngân. Quá trình giám sát, ông có ghi nhận thực tế này? - Đúng là thực tế việc thực hiện chính sách tín dụng ở các địa phương cũng có nhiều bất cập, mỗi nơi thực hiện khác nhau. Có những địa phương thực hiện chính sách 8+ 8+8 (tức là 8 triệu Nhà nước hỗ trợ, 8 triệu huy động từ xã hội và 8 triệu nguồn tín dụng ngân hàng) thì lúc đó mới giải ngân. Thế nhưng, với lý do huy động xã hội chưa đảm bảo nên ngân hàng chính sách cũng chưa giải ngân, địa phương chưa hỗ trợ. Quá trình giám sát ở Quảng Ngãi đúng là chúng tôi có ghi nhận được thực tế này. Do hôm giám sát tại Quảng Ngãi thì gặp bão nên Ủy ban cũng đang lên kế hoạch trao đổi kỹ lại với địa phương và ngân hành chính sách để làm việc lại. Tại sao các địa phương khác không “vướng” mà ở Quảng Ngãi lại vướng.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Một bộ phận không nhỏ hộ nghèo không dám nhận hỗ trợ xây nhà vì số tiền hỗ trợ thấp, phải đi vay thêm nên sợ không có tiền trả nợ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đúng là có thực tế này. Điều này do tâm lý dễ thỏa mãn, ngại vay vốn của người dân với những lý do cũng rất thật thà, chân thành là sợ không có tiền trả nợ nên nhiều hộ nghèo cũng chưa được tiếp cận với nguồn vốn này.
1 trong 3 nguồn vốn góp phần hỗ trợ xây nhà ở cho người nghèo chính là nguồn xã hội hóa, thế nhưng tới nay tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tài trợ như cam kết?
Ngày 23.11 tới đây, Quốc hội sẽ chất vấn Chính phủ về vấn đề giảm nghèo, trong đó có nhà ở theo Quyết định 167, những vấn đề còn tồn tại sẽ được bàn thảo, khắc phục. Dự kiến, bắt đầu từ đầu năm 2014, Ủy ban sẽ tiến hành giám sát về vấn đề giảm nghèo ở tất cả các địa phương một cách toàn diện”. Ông Đỗ Mạnh Hùng
|
- Theo thông tin mà chúng tôi ghi nhận được từ Đảng ủy của khối doanh nghiệp trung ương, tới thời điểm này tổng số vốn huy động làm nhà cho người nghèo ở các doanh nghiệp này cũng rất ấn tượng, đạt trên 10.000 tỷ đồng. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn có những vùng, có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh. Vì thế mức độ thực hiện cũng có thể không đạt như mong muốn và cam kết ban đầu. Về vấn đề này cũng cần làm rõ nguyên nhân.
Đánh giá thực hiện ở nhiều địa phương cho rằng việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo còn cứng nhắc, chưa phù hợp với phong tục tập quán của người dân. Điều này có đúng?
- Đúng là một số địa phương có ý kiến xem lại một số tiêu chí, chẳng hạn như tiêu chí “3 cứng” (tường cứng, nền cứng, mái cứng). Họ cho rằng, nên để địa phương tự thực hiện, người nghèo tự lựa chọn và sử dụng nguồn vốn đó thì hiệu quả sẽ cao hơn. Hơn nữa, vấn đề nhà ở còn liên quan tới phong tục tập quán, ví dụ, như người Hà Nhì lâu nay vốn ở nhà tường trình, tường đất, mái lợp tranh. Nếu cứ yêu cầu “3 cứng” thì người dân sẽ không làm, hoặc làm xong cũng không muốn ở. Hay như Gia Lai thì yêu cầu, nếu thực hiện 3 cứng cần phải có hệ số về vận chuyển vật liệu xây dựng về từng vùng.
Theo ông, thời gian tới cần làm gì để đối tượng người nghèo được tiếp cận với chính sách nhân văn này? - Thời gian tới, cơ quan triển khai Quyết định 167 cần quan tâm hơn tới vấn đề giải ngân vốn, chính sách tín dụng cần phải mềm mại linh hoạt hơn. Bản thân các địa phương cũng cần phải có sự chủ động dự phòng nhất định về kinh phí, để bù trừ.
Theo kinh nghiệm thực tế thì với cách làm hiện nay nếu chúng ta huy động đóng góp vừa phải trên diện rộng thì người dân vẫn sẵn sàng tham gia. Như vậy, cơ quan triển khai cũng cần có cách khuyến khích người dân để họ hiểu về quyền lợi và nỗ lực để có chỗ ở tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Minh Nguyệt (thực hiện) (Minh Nguyệt (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.