Hòa Bình: Phá những vụ bán hoa lan đột biến giả hàng tỷ đồng, hoa lan đột biến có là giấc mơ đổi đời?!

Thứ năm, ngày 15/04/2021 18:45 PM (GMT+7)
Những ngày qua, chủ đề về hoa lan đột biến là chủ đề được nhiều người quan tâm. Những giao dịch lên đến cả chục, thậm chí trăm tỷ đồng khiến nhiều người mỗi khi nhắc đến giá trị của hoa lan đột biến lại cảm thấy đột quỵ...
Bình luận 0

"Đau tim” với hoa lan đột biến

Câu hỏi đặt ra hoa lan đột biến là gì mà nó lại đắt như thế?! Đi tìm câu trả lời, chúng tôi cũng chỉ nhận những thông tin chung chung rằng hoa lan đột biến  là loại lan nó không giống như hoa lan bình thường. 

Hòa Bình: Hoa lan đột biến có phải là giấc đổi đời?! - Ảnh 1.

Đối tượng Đặng Văn Tâm lợi dụng nhu cầu mua bán hoa lan đột biến tăng cao đã chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng bằng cách lừa bán hoa lan đột biến giả.

Đột biến này do tự nhiên sinh ra chứ không phải có sự tác động của con người. Ở tỉnh Hòa Bình, thời gian vừa qua, hoạt động mua bán hoa lan đột biến cũng trở nên sôi động với một cơn "sốt” làm nhiều người đứng ngồi không yên khi trên mạng xã hội cũng như trong dư luận xã hội lan truyền thông tin về những giò lan đột biến có giá hàng tỷ, chục tỷ thậm chí lên tới cả trăm tỷ đồng.


Trò chuyện với chúng tôi, B.V.M một người chơi hoa lan đột biến ở huyện Lạc Sơn cho biết: Em mới "vào” lan được gần 2 năm nay. Hiện giờ cũng có được một vài giò lan đột biến có giá trị lên tới tiền tỷ. Tuy nhiên, chơi như thế này cũng không đơn giản như mọi người nghĩ là mỗi giao dịch thành công là có thể đổi đời. 

Bởi để có một cây hoa lan đột biến, mình cũng phải "vào” một số tiền không hề nhỏ, được tính bằng cả gia sản có người phải tích cóp cả đời. Thế nên cũng "đau tim” với giá lan đột biến vì nó lên xuống bất thường. 

Lúc "sốt”, cây hoa lan đột biến giá cao ngất ngưởng, bình thường thì hàng chục triệu đồng đến cả trăm thậm chí cả tỷ đồng/kie, còn khi nó hạ cũng không biết thế nào mà lần. Thêm nữa, toàn bộ giá trị của cây lan đột biến mình chỉ nhìn thấy được ở trên cây, ở nhà vườn chứ có được thấy thực tế như thế nào đâu.

Việc giao dịch, mua bán cây hoa lan đột biến cũng phải theo hội, theo nhóm, nhà vườn với những người trong "giới” chứ không phải cứ bê ra rao bán như cây rau ngoài chợ. Nếu mình không tham gia hội, nhóm hay nhờ nhà vườn có uy tín chăm sóc, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng thì dù cây hoa lan đột biến có quý, độc, đẹp đến mấy cũng chẳng ai dám "xuống" tiền mua.

 

Còn anh B.V.Đ, một chủ vườn lan ở huyện Yên Thủy bật mí: Hiện nay, giá lan đột biến được rao bán không có cơ quan nào kiểm soát. Nhiều khi các chủ vườn tự định giá với nhau để giao dịch. Do vậy, việc giao dịch mua bán hoa lan đột biến với số tiền lớn thì mức độ rủi ro là rất cao.

 

Giao dịch lan đột biến tiền tỷ: "thổi” giá hay giao dịch ảo?!

 

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trước thực tế đó, sau khi nắm bắt thông tin về giao dịch mua bán cây hoa lan đột biến Ngọc Sơn Cước với giá trị 250 tỷ đồng trên mạng xã hội tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an thị xã Đông Triều triệu tập cả người bán và người mua về trụ sở cơ quan Công an để làm rõ. 

Quá trình làm việc và theo biên bản làm việc những người có liên quan, cơ quan Công an xác nhận không có giao dịch tiền mặt. Thực tế, đây chỉ là hoạt động ký kết việc nhân giống lan đột biến từ cây mẹ thành 5.000 cây lan đột biến con khác để bán ra thị trường cho những người chơi lan.

Mới đây nhất, thông tin trên báo chí, Công an huyện Lak, tỉnh Đắk Lắk có thông tin về một giao dịch mua bán 1 cây hoa lan đột biến tại địa phương này có giá trị lên tới 31 tỷ đồng. Kết quả xác minh là giao dịch giả. Mục tiêu cuối cùng là câu like để lừa bán hoa lan đột biến cho người mới chơi. 

Còn ở tỉnh Hòa Bình, từ năm 2020, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ lừa đảo lan đột biến lên đến hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Hành vi của các đối tượng chủ yếu thông qua việc bán hoa lan đột biến giả trên các trang mạng xã hội. 

Điển hình như đối tượng Đặng Văn Tâm, trú ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lợi dụng nhu cầu giao dịch mua bán hoa lan đột biến đang lên cao, cuối tháng 11/2020, Tâm lên mạng xã hội vào trang Facebook Hoàng Nấm độc - chủ một vườn lan chuyên mua bán lan uy tín ở TP Hòa Bình để lấy hình ảnh làm đại diện ảnh giả mạo zalo để lừa bán hoa lan đột biến giả chiếm đoạt tài sản với số tiền 500 triệu đồng của nhiều người.

Hay như việc thông qua nguồn tin tố giác tội phạm, Phòng CSHS (Công an tỉnh Hòa Bình) phối hợp với Công an huyện Yên Thủy điều tra, bắt giữ đối tượng Tạ Thị Suối Vân (SN 1992), trú tại xã Bảo Hiệu có hành vi lừa bán hoa lan đột biến với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.

Thị trường cây cảnh nói chung và hoa nói riêng không có giá chung cố định. Pháp luật cũng không có quy định về giá. Bởi vậy, cơ quan Nhà nước không thể áp đặt về mức giá giao dịch. 

Đây là chỗ hở để các đối tượng lợi dụng "thổi giá” lan đột biến để trục lợi. Trước thực tế đó, theo đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Hòa Bình thì: Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, thận trọng trong các giao dịch và nắm tình hình, kịp thời phát hiện các vi phạm trong giao dịch mua bán hoa lan đột biến báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, phần lớn các giao dịch mua bán hoa lan đột biến là những chiêu trò mua bán giả để nhằm mục đích thổi giá. Một số vụ việc có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, người kinh doanh trước với mục đích chiếm đoạt tiền của người kinh doanh sau mà không quan tâm đến giá trị của hàng hóa. 

Cơn sốt hoa lan đột biến này do một nhóm người tạo ra. Sau khi đã chiếm được một khoản tiền lớn họ sẽ rút. Khi đó cơn "sốt” sẽ vỡ bong bóng hoa lan đột biến. Lúc này, nhiều người đầu tư không chuyên nghiệp không có tiềm lực về tài chính, không có kiến thức về kinh doanh, không nắm chắc luật pháp, mất cảnh giác và quá tham lam sẽ lĩnh hậu quả.

 

Có quản lý được hoạt động, giao dịch mua bán hoa lan đột biến?!

 

Với việc có thể làm cho người ta đổi đời trong chốc lát, việc mua bán hoa lan đột biến đã và đang thu hút hàng nghìn người đầu tư vào lan. Trước thực tế trên, nhiều người đang đặt câu hỏi liệu có quản lý được hoạt động giao dịch, mua bán hoa lan đột biến tiền tỷ; cơ quan chức năng quản lý thị trường mua bán để không còn những cơn "sốt” lan như thời gian vừa qua?! 

Trao đổi với báo chí, đồng chí Phạm Văn Phong, Phó Chi cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cho biết: Đối với hoa phong lan được chia làm 2 nhóm. Gồm nhóm do người dân tự trồng, trực tiếp sản xuất thì đây thuộc nhóm của đối tượng sản xuất nông nghiệp nên không phải kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. 

Còn đối với hoạt động kinh doanh thương mại, cây lan được mua đi bán lại thì nhóm đối tượng này thuộc diện phải kê khai, chịu nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Theo Thông tư số 92/2015/BTC của Bộ Tài chính, khi có những giao dịch như thế này, người mua bán sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân là 1% và thuế VAT là 0,5%.

 Lan đột biến liệu có phải đang bị thổi giá hay không khi 1 kie lan lên tới cả tiền tỷ. Làm cách nào để có thể ngăn chặn được sự thổi giá đó? 

Theo Luật sư Trần Dũng Tiến, Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình thì: Trên thực tế, cái này chỉ có Nhà nước mới có thể can thiệp được. Lan cũng giống như chứng khoán. Để mọi thứ được giao dịch trơn chu, buôn bán lan thành một nghề chuyên nghiệp kinh doanh đóng thuế đàng hoàng thúc đẩy nền kinh tế thì cách tốt nhất là chỉ có lập sàn hoa. 

Lợi ích đầu tiên là người mua hoa không bị mua phải hàng giả. Hàng được lên sàn là hàng đã được kiểm định rất kỹ lưỡng. Hơn nữa, cây hoa sẽ được đưa về đúng giá trị thực của nó, không có chuyện bị thổi giá. 

Bởi khi lên "sàn” đối với những cây hoa có giá trị, nhiều người quan tâm muốn mua thì có thể được giao dịch theo hình thức đấu giá, ai trả cao nhất người đó có được thứ mình muốn. Như vậy, Nhà nước vừa quản lý được hoạt động mua bán, vừa có thể nắm bắt các giao dịch để thực hiện việc thu thuế dễ dàng.

 Trên thực tế, cây hoa lan đột biến không thể xuất khẩu, không tạo ra giá trị (trừ việc ngắm cho đẹp). Số tiền người chơi lan đang "ném” vào thị trường là rất lớn. Vì thế, một người bán mà lãi thì có nghĩa là tiền từ túi người này chuyển sang túi người khác. 

Xuất phát từ thực tế đó, nếu thị trường "vỡ”, chắc chắn có người giàu lên nhưng cũng có người sẽ phá sản. "Chơi” hoa lan đột biến, chẳng khác nào liều mình với một canh bạc. Theo quan sát thì hiện nay đang có nhiều người bắt đầu bán gỡ vốn chỉ để lại phần lãi. 

Như vậy chẳng bao lâu nữa người chơi rút hết tiền thì thị trường hoa lan đột biến sẽ sập. Lúc đó, ai lãi tiền, ai lãi bài học thì sẽ biết. Nhưng chắc chắn những người vào sau cùng là những người phải lĩnh chịu hậu quả nặng nề nhất. Khi đó, một lượng tiền khổng lồ sẽ trôi theo "bong bóng hoa lan” gây ra tình trạng vỡ nợ dây truyền, nảy sinh các hệ lụy gây bất ổn xã hội.

Từ thực tế này, Tỉnh ủy Hòa Bình vừa mới ban hành Công văn số 555-CV/VPTU về việc nắm bắt thông tin, lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, cảnh báo cán bộ, đảng viên và Nhân dân về những rủi ro liên quan đến hoạt động giao dịch hoa lan đột biến.

Công văn nêu rõ: Việc góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến bất bình thường như hiện nay có thể sẽ mang nhiều rủi ro cho các hộ gia đình góp vốn có nguy cơ để lại nhiều hậu quả xấu khó lường cho xã hội, đảo lộn đời sống của người dân và mất ANTT.  

Trước tình hình trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, có giải pháp phù hợp tuyên truyền, phổ biến, cảnh tỉnh để người dân hiểu đúng bản chất kinh doanh hoa lan đột biến gen, hạn chế rủi ro cho người dân khi góp vốn kinh doanh, xử lý những hành vi kinh doanh, mua bán không hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo, rửa tiền liên quan đến hoa lan đột biến. 

Nắm bắt, tuyên truyền tới đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức đúng, đầy đủ về hoạt động kinh doanh, mua bán hoa lan đột biến; người dân góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến phải gánh chịu những hậu quả xấu nếu hoa lan đột biến mất giá trị, "vỡ trận” để hạn chế những hậu quả xấu xảy ra.

 

Điều này có thể thấy, hoa lan đột biến không phải là một giấc mơ đổi đời như nhiều người vẫn ảo tưởng. Đó là một thực tế nhãn tiền mà ai cũng có thể nhìn rõ, thấy rõ!

 

Tăng cường phối hợp thực hiện thu thuế giao dịch lan đột biến

 

 Nguyễn Hương Tân
Trưởng Phòng Quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác (Cục Thuế tỉnh Hòa Bình)

 

Các quy định của pháp luật về quản lý thuế hiện hành và Công văn số 833/TCT-DNNCN của Tổng Cục thuế về việc quản lý thuế đối với giao dịch hoa phong lan đã chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể về việc quản lý thu thuế đối với giao dịch hoa phong lan. Từ văn bản này, Cục Thuế tỉnh Hòa Bình đã lập tức triển khai  đến các Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành Thuế sẽ tiến hành nắm tình hình về giao dịch mua bán hoa phong lan phát sinh trên địa bàn quản lý, nhất là những giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch được đăng tải, chia sẻ trên phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook… để tiến hành thu thuế. Ngành Thuế phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin về giao dịch lan. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, cần có sự vào cuộc phối hợp của các ngành chức năng liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an và Quản lý thị trường.

 

 Không để dòng vốn đầu tư vào lan đột biến

 

 Đỗ Tuấn Hải
Trưởng Phòng khách hàng, hộ sản xuất và cá nhân – Agribank Hòa Bình 

 

Ngay từ cuối năm 2020, khi cơn sốt lan đột biến lên cao, nhiều cá nhân, thậm chí cả công chức lao vào đầu tư lan, Ban Giám đốc Ngân hàng Agribank tỉnh đã chỉ đạo sát sao việc quản lý đầu tư tín dụng, quản lý nợ xấu, đã xác định hoạt động kinh doanh hoa lan đọt biến theo trào lưu và cá giao dịch mua bán, chuyển nhượng lan là hoạt động kinh doanh trái quy luật kinh tế, có nhiều điểm tương đồng với các loại hình kinh doanh đa cấp rủi ro là hiện hữu.

Vì vậy, Agribank xác định không cho vay đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh lan. Đồng thời, kiểm tra, thẩm định chặt đối với các khoản vay tiêu dùng, vay đầu tư, nhất là những khoản vay không đảm bảo theo Nghị định số 55/2015 của Chính phủ tránh tình trạng khách hàng lợi dụng các khoản vay để đầu tư vào lan. 

Đồng thời, thường xuyên giám sát từ xa, thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề, phân tích nợ định kỳ, tăng cường kiểm tra đối với các khoản vay trên 300 triệu của khách hàng cá nhân, xác minh dòng tiền giải ngân, nội dung, hồ sơ cho vay và kịp thời có phương án xử lý đối với khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đầu tư lan -  tiềm ẩn rủi ro cao.     


Nhóm PV Phòng BĐ-TL (Báo Hòa Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem