Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài 4): Nhà nông tự làm thức ăn, cho lợn ăn dược liệu
Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài 4): Nhà nông tự làm thức ăn, cho lợn ăn dược liệu
Hải Đăng
Thứ bảy, ngày 24/07/2021 18:31 PM (GMT+7)
Dùng thảo dược trộn làm cám, mua máy về chế biến thức ăn, áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi... là cách mà nhiều nông dân, doanh nghiệp đang áp dụng để giảm chi phí chăn nuôi giữa thời điểm giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã.
Thời gian gần đây, anh Trần Văn Đây và anh Vũ Văn Mong (ở xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) khiến nhiều người bất ngờ khi hai anh đầu tư trên 500 triệu đồng mua máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để phục vụ đàn vịt, cá của mình và cung cấp sản phẩm cám giá mềm cho người dân ở địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trần Văn Đây - cán bộ kỹ thuật của HTX Sông Đằng cho biết, hiện tại đơn vị của anh nuôi 1ha cá trắm, chép và đàn vịt, ngan trên 2.000 con.
"Từ ngày chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, HTX tiết kiệm được khoảng trên dưới 60.000 đồng/bao cám 25kg. Tính ra, chúng tôi không chỉ tiết kiệm được chi phí đầu vào tương đối lớn mà giá thành chăn nuôi cá, vịt sẽ giảm nhiều so trước đây" - anh Đây khẳng định.
Đi vào hoạt động được khoảng 2 tháng, hiện trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi của HTX Sông Đằng có thể sản xuất được 1,5 tạ sản phẩm.
Bên cạnh việc cung cấp cám cho trang trại của đơn vị, HTX Sông Đằng còn bán sản phẩm với giá rẻ khoảng trên 300.000 đồng/bao 25kg cho bà con chăn nuôi trên địa bàn.
"Theo khảo sát trên thực tế, so với giá thành phẩm và giá bán vẫn có lãi nếu bà con làm tốt chăn nuôi an toàn sinh học đặc biệt là quản lý an toàn dịch bệnh".
Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Để người dân tin tưởng, HTX Sông Đằng đã gửi mẫu sản phẩm đi kiểm định tại các cơ quan chuyên môn của Nhà nước và đến nay các sản phẩm thức ăn chăn nuôi của đơn vị đều có hàm lượng các chất đảm bảo và đạt chất lượng tốt.
"Qua kiểm tra, theo dõi, chúng tôi thấy sản phẩm cám mới sản xuất phục vụ đàn cá, vịt ở trang trại và các hộ lân cận khá hiệu quả, đàn vật nuôi tại ao, chuồng nuôi đều phát triển tốt. Sắp tới, nếu người dân có nhu cầu nhiều chúng tối sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cấp dây chuyền sản xuất để phục vụ bà con" - anh Đây nói.
Không đầu tư làm lớn như HTX Sông Đằng nhưng ông Phạm Văn Thục ở Trực Ninh (Nam Định) lại có cách làm thức ăn chăn nuôi rất độc đáo.
Chủ trang trại lợn hữu cơ này cho biết, thức ăn phục vụ đàn lợn tại gia đình ông đều là những nguyên liệu tự nhiên và các loại thảo dược, trong đó có sâm, thảo quả và nhiều loại dược liệu khác được ông phối trộn theo công thức đặc biệt.
Ngoài cám ngô, cám gạo, đậu tương, cá khô (cung cấp năng lượng, protein và đạm tự nhiên thiết yếu cho vật nuôi), ông Thục bổ sung thêm nhiều loại thảo dược thiên nhiên trong khẩu phần ăn hàng ngày của đàn lợn như: Đẳng sâm, khổ sâm, kim ngân, quế chi, thảo quả...
Theo ông Thục, loại thức ăn đặc biệt này có tác dụng phòng chống các bệnh về đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, trợ tim và tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
"Nhờ vậy, suốt hơn 20 năm qua, đàn lợn của gia đình tôi không phải sử dụng bất cứ liều thuốc kháng sinh nào mà vẫn khoẻ mạnh, lớn đều, cho chất lượng thịt thơm ngon và đặc biệt luôn bán được giá cao hơn so với lợn nuôi thông thường hoặc lợn nuôi công nghiệp" - ông Thục chia sẻ.
Hiện tại thịt lợn sạch nuôi bằng thảo dược của gia đình ông Thục bán ra thị trường có giá cao hơn khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với lợn thường.
Nhận xét về mô hình chăn nuôi lợn của ông Thục, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho hay: Đây là mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược đầu tiên của tỉnh. Mô hình chăn nuôi của ông Thục rất hiệu quả, lợn được cho ăn bằng thực phẩm sạch, không sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học
Trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến giá vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi ở một số nơi lại giảm khiến người chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn, thua lỗ.
Để gỡ khó cho bà con trong thời điểm này, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho rằng, các hộ cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tốt thì sẽ giảm chi phí về phòng, chống dịch bệnh, chi phí các khâu trung gian vừa đảm bảo có lãi.
"Theo khảo sát trên thực tế, so với giá thành phẩm thì giá bán vẫn có lãi nếu làm tốt chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là quản lý an toàn dịch bệnh" - bà Hạ Thúy Hạnh nói.
Là tập đoàn chăn nuôi lớn ở Việt Nam, Mavin cũng đang có nhiều hoạt động để giảm giá thành trong chăn nuôi.
Ông Đào Mạnh Lương - Tổng Giám đốc cho biết, Mavin đang triển khai các hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín, qua đó tối ưu các chi phí trong chăn nuôi như: Con giống, thức ăn, thuốc thú y, vật tư chăn nuôi do chính các công ty thành viên của hệ thống cung cấp.
Cụ thể, Mavin đã áp dụng công nghệ silo, xe bồn nhằm giảm chi phí bao bì, nhân công, kho bãi, bảo quản; công nghệ cho ăn/uống tự động nhằm giảm chi phí nhân công, hạn chế rơi vãi cám; sử dụng hệ thống máy bột thịt xương, giảm tải việc tiêu hủy lợn chết và cung cấp nguồn nguyên liệu cho hệ thống thức ăn chăn nuôi...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.