Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài 2): Muốn chủ động nguyên liệu cũng… khó
Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài 2): Muốn chủ động nguyên liệu cũng… khó
Khánh Nguyên
Thứ năm, ngày 22/07/2021 19:00 PM (GMT+7)
Ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây, vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á. Tuy nhiên, những tồn tại trong công nghệ chế biến, nguồn nguyên liệu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu khiến giá thức ăn chăn nuôi đến nay nông dân vẫn cao ngất.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), số lượng cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp của Việt Nam ngày càng tăng cao.
Năm 2011, cả nước có 233 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất thiết kế 16,1 triệu tấn thì đến năm 2020 đã tăng lên 265 cơ sở với tổng công suất thiết kế 41,4 triệu tấn.
Đáng chú ý, dù số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trong giai đoạn 2011 - 2020 chỉ tăng 13,7% nhưng công suất thiết kế đã tăng 157,1%.
Năm 2011, công suất thiết kế trung bình của một cơ sở là 69.100 tấn/năm nhưng đến 2020 đã tăng lên 156.300 tấn/năm.
Trong số 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh, có 89 nhà máy thuộc sở hữu của các doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, dù số lượng nhà máy của các doanh nghiệp trong nước nhiều gấp 1,98 lần so với các doanh nghiệp FDI nhưng công suất thiết kế lại thấp hơn 2,01 lần so với nhà máy của doanh nghiệp FDI.
"Quan điểm của Bộ NNPTNT là chủ động nguồn thức ăn, như vậy mới đảm bảo được giá thành, chứ phải nhập khẩu nhiều thế này thì không ổn".
Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Hoàng Hiệp
Điều đáng ghi nhận là, công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi ngày càng phát triển, dây chuyền và thiết bị chế biến không ngừng được cải tiến và hiện đại hóa.
Thậm chí trình độ công nghệ của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta được đánh giá đang ở mức khá cao so với các nước trên thế giới.
Trong số 265 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh, có khoảng 60% số cơ sở đã đầu tư công nghệ đạt trình độ tiên tiến và dây chuyền sản xuất tự động; 20% cơ sở đạt trình độ bán tự động và khoảng 20% cơ sở sản xuất thủ công với công suất thiết kế chỉ đạt dưới 30.000 tấn/năm.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, sản lượng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam liên tục tăng, tốc độ trung bình 8,5%/năm, đưa sản lượng thức ăn chăn nuôi từ 11,5 triệu tấn năm 2011 lên 20,3 triệu tấn năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 trong khu vực ASEAN về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.
Mặc dù chịu sự biến động nhiều của giá nguyên liệu thế giới nhưng giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2019 luôn ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực.
Giá thành phẩm thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 12,1 - 14,6% trong khi giá nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng từ 35,1 - 46%.
Bao giờ hết phụ thuộc?
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành chế biến thức ăn chăn nuôi vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, trong đó có việc chủ động nguồn nguyên liệu, khai thác tốt các phụ phẩm nông nghiệp trong chế biến thức ăn chăn nuôi.
Công nghệ sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi vẫn thiếu đồng bộ, tự động hóa chưa cao, nhất là ở các cơ sở sản xuất nhỏ.
Hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa các nhà máy về trình độ quản lý và dây chuyền đầu tư; chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cao, nhất là tín dụng, logistics.
So với các công ty đầu tư công nghệ tiên tiến hiện đại, phân khúc đầu tư ở các cơ sở này chỉ dừng lại ở mức bán tự động (chưa có silo dự trữ nguyên liệu, dây chuyền sản xuất vẫn còn công đoạn thủ công…).
Những nguyên nhân này làm tăng tỷ lệ hao hụt nguyên liệu có thể lên đến 3%, trong khi công nghệ hiện đại là khoảng 1%, giảm chất lượng và tăng giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là ngành chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Đến năm 2030, ước tính tổng nhu cầu nguyên liệu nguồn gốc động vật, thực vật là 40 triệu tấn thì sản lượng trong nước chỉ đáp ứng ở mức 10 - 12 triệu tấn, số lượng còn lại phải nhập khẩu.
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, về lâu dài, việc chúng ta mong muốn tự chủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn, gia cầm cũng là điều hết sức khó khăn, bởi Việt Nam thực sự không có thế mạnh so với các nước về sản xuất ngô hay đậu tương.
Bằng chứng, ngô của Việt Nam bao năm qua năng suất chỉ loanh quanh 5 - 6 tấn/ha trong khi ngô của Mỹ năng suất trên 10 tấn/ha, thu hoạch bằng máy, bảo quản trong silo lạnh 10 hạt như 1, nên ngô của Việt Nam gần như không cạnh tranh được về giá và chất lượng.
Tương tự, với đậu tương, sản lượng hàng năm của Việt Nam không đủ đáp ứng nhu cầu làm đậu phụ.
Với mặt hàng lúa gạo, các nghiên cứu gần đây cho thấy, hầu hết các giống lúa của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chí về dinh dưỡng để làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện chỉ có cám gạo và sắn có thể dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, song cũng rất hạn chế về công nghệ chế biến nên nguồn sắn lát vẫn chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Trong khi đó, một số loại nguyên liệu như bột máu, bột thịt xương, chế phẩm vi sinh, thảo dược trong nước đã sản xuất được nhưng sản lượng, chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước.
Cụ thể, sản lượng nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước hiện chỉ đạt khoảng 120.000 tấn trong khi số lượng nhập khẩu lên đến 650.000 tấn.
Do phụ thuộc vào nhập khẩu, nên ông Tống Xuân Chinh thừa nhận một thực tế, giá thức ăn chăn nuôi trong nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá nguyên liệu nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NNPTNT đang tham mưu cho Chính phủ về việc xây dựng các chiến lược cho ngành nông nghiệp, trong chiến lược này, thức ăn chăn nuôi sẽ là một nhánh rất quan trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.