Vài năm gần đây, khi các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một, Bộ VHTTDL đã có ý “mượn” cuộc thi nhan sắc để giới thiệu văn hóa vùng miền. Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam ra đời, qua 3 lần tổ chức đã góp phần quảng bá văn hóa và các nét đẹp trong đời sống của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước.
Hình ảnh các thiếu nữ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, Kinh… dự một cuộc thi sắc đẹp quốc gia, với mục đích gắn kết tinh thần dân tộc đã gây ấn tượng với công chúng, là cơ hội các người đẹp quảng bá nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc mình.
Phần trình diễn bản “Dạ cổ hoài lang” của Phạm Hương được đánh giá là một trong những bất ngờ lớn trong phần thi Tài năng của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 đang diễn ra tại Mỹ.
Mới đây, góp phần tìm kiếm người đại diện quảng bá Năm Du lịch Quốc gia - Thanh Hóa 2015, cuộc thi Người đẹp xứ Thanh cũng được tổ chức, với trọng tâm quảng bá Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận.
Cũng trong năm 2015, cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế được Bộ VHTTDL cấp phép để nhân rộng việc quảng bá du lịch và di sản tới bạn bè quốc tế. Nhiều cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ trong nước được tổ chức và đều được gắn với mục đích góp phần gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc - như một phương thức mới được các nhà quản lý văn hóa sử dụng để đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng.
Hoa hậu trở thành “đại sứ văn hóa”
Ngày 14.12, dư luận cộng đồng mạng trong nước đồng loạt đưa tin đại diện Việt Nam - Hoa hậu Phạm Hương ghi điểm với ban giám khảo và bạn bè quốc tế. Phần trình diễn bản “Dạ cổ hoài lang” của cô được đánh giá là một trong những bất ngờ lớn trong phần thi Tài năng của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 đang diễn ra tại Mỹ.
Khác với nhiều đại diện Việt Nam khi dự thi đấu trường nhan sắc quốc tế thường chọn múa hay vẽ tranh để dự thi tài năng, Phạm Hương thử thách mình bằng việc trình diễn bản đờn ca tài tử nổi tiếng. Cô tự làm... khó mình, vì Phạm Hương là người Hải Phòng, không có lợi thế sở hữu chất giọng ngọt đặc trưng của người Nam Bộ. Phần trình diễn của Phạm Hương cũng chưa thật hoàn hảo, nhưng việc dám nghĩ, dám làm, vượt qua thử thách bản thân - một điều đáng ghi nhận!
NSND Ngọc Giàu không giấu được giọt nước mắt khi người bà tận tâm truyền dạy hết kỹ năng của đờn ca tài tử đã có phần trình diễn thành công tại một cuộc thi sắc đẹp lớn. Phạm Hương đã trải qua gần 2 tháng tập luyện vất vả. Dù biết khó, biết khổ nhưng cô vẫn quyết tâm. Vì đơn giản, “đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, các nghệ nhân trong nước đang phải tìm mọi cách bảo tồn và truyền dạy cho lớp trẻ mai sau” - Phạm Hương lý giải.
“Nước ta có nhiều làng nghề truyền thống, nhiều “báu vật”, nhiều làn điệu dân ca có bản sắc riêng, nhưng dường như chúng ta chưa quảng bá được những giá trị, di sản đó ra thế giới. Tôi đã từng chứng kiến những nghệ nhân có tâm với nghề phải sống khó khăn trên những di sản đó. Họ không được trân quý, trọng dụng” - Hoa hậu Ngọc Hân băn khoăn. Cô ý thức việc quảng bá di sản văn hóa, ngành nghề truyền thống là nhiệm vụ của mình và thể hiện nó bằng cách lồng ghép vào các bộ sưu tập thời trang để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Ngọc Hân, hay Phạm Hương, không thực hiện việc quảng bá di sản văn hóa bởi vì họ là hoa hậu, mà trước hết với tư cách một công dân Việt Nam, dù khi họ là hoa hậu, chung tay bảo tồn văn hóa sẽ có nhiều hiệu ứng và truyền đi nhanh hơn những thông điệp nhân văn. Nếu có nhiều hoa hậu như vậy và mỗi người dân đều ý thức việc giới thiệu và quảng bá văn hóa dân tộc là trách nhiệm, ai cũng có thể trở thành những “đại sứ du lịch”, giúp những báu vật văn hóa của Việt Nam, không chỉ ở dạng tiềm ẩn mà còn bay xa và tỏa ra thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.