“Suy cho cùng thì về hay không, không quan trọng bằng tâm thế người ở trong hay bên rìa. Ai cũng có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh và ai cũng có thể vượt lên hoàn cảnh để đeo đuổi đam mê…” - Hoa hậu Việt Nam 1994 góp thêm một tiếng nói vào câu chuyện “Du học sinh có nên về nước” vừa làm nóng dư luận.
Chị vừa có chuyến đi làm phim về người Việt tại Châu Âu kéo dài ba tháng và cũng là một người đọc có sở thích đặc biệt với những cuốn sách nói về đề tài “đi - ở”, như trong một bài viết mới đây của chị về Milan Kundera...
“Tôi tin mình có thể viết văn”
Chuyến đi đã đưa chị tới đâu và gặp được ai?
- Hoa hậu Thu Thủy: Trong 3 tháng, từ trung tuần tháng 9 đến tháng 12.2015, đoàn làm phim chúng tôi đi được gần 10 nước Châu Âu gồm: Italia, Hungary, Áo, Ba Lan, Đức, Pháp, Czech, Slovakia… để thực hiện bộ phim dài kỳ về người Việt tại Châu Âu.
Trong đó vai trò của tôi là tổ chức sản xuất, biên tập, biên kịch. Tuy vậy, chuyến đi không chỉ gói gọn trong những cuộc gặp với những người Việt thành danh tại Châu Âu như nghệ sĩ Nguyên Lê, nhà văn Linda Lê, nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu…, mà còn cả những người Việt bình dị khác như anh chàng bán đồ uống dạo ở khu chợ Sa Pa tại Praha, hay Khánh Ly, cô gái mê nấu ăn vừa giành giải Quán quân Master Chef France 2015… Ngoài ra, là một người mê văn chương, tôi cũng không quên tận dụng cơ hội quý giá này để xin gặp bằng được Milan Kundera - nhà tiểu thuyết lừng danh (được dịch rất nhiều nhưng rất ít được đọc ở Việt Nam) mà tôi vô cùng yêu mến…
Chị thường hỏi họ những gì?
- Phải rất khó khăn, chúng tôi mới có được cơ hội diện kiến Milan Kundera, người từ rất nhiều năm nay không trả lời phỏng vấn báo chí, một năm chỉ ở Paris vài tháng và hầu như không giao du trong văn đàn Pháp... Thế nhưng, khi gặp chúng tôi, ông lại mới chính là người đưa ra nhiều câu hỏi nhất. Nhà văn Pháp gốc Czech này hóa ra có một mối cảm tình và quan tâm đặc biệt tới Việt Nam, ông hỏi rất nhiều về cộng đồng người Việt tại Czech, tỏ ra thích thú khi biết cộng đồng người Việt tại Czech đã được chính quyền nước Cộng hòa Czech công nhận là một sắc tộc thiểu số…
Còn với nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê, tôi hỏi về những người thân đã mất của bà, những mối quan hệ đã bị cắt đứt, văn chương trong mối tương quan với các giải thưởng, kể cả về giai đoạn bà suy sụp tinh thần sau khi viết xong một cuốn tiểu thuyết lớn… Với cô gái mê nấu ăn đã giành giải Quán quân Master Chef France 2015, tôi lại hỏi về cách làm sao người ta có thể sống vui bằng những lựa chọn giản dị nhất…
Và khi trở về thì chị bỗng muốn “sống vui” bằng một lựa chọn “rắc rối”: Viết văn? Lần này, thay vì truyện ngắn, sẽ là tiểu thuyết?
- Tôi từng “lén khoe” với bạn là tôi đã viết xong một cuốn tiểu thuyết nhưng chẳng dám in, đúng không? Vì kiểu viết của tôi nó không giống… ngôn tình - thứ người ta hay đọc bây giờ. Nhưng sau khi gặp những con người lớn như nhà văn Linda Lê hay Milan Kundera…, tôi lại bỗng muốn làm một việc nhỏ, đó là thử in một quyển sách mang tên mình, hơn là để nó ngủ quên trong bóng tối. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một thành phố với bề dày lịch sử và những ký ức thế hệ trùng trùng, tôi tin tôi có thể trở thành một nhà văn chỉ viết về một thành phố nơi mình sinh sống và những con người ở thành phố đó một cách cảm động và có ý nghĩa…
“Ngoài rìa” mới là bất cập!
Những quan sát và những cuộc trò chuyện liệu đã đủ để giúp chị trả lời câu hỏi, có thể nằm ngoài trang sách: Điều gì đang xảy ra ở Châu Âu? Và chúng ta có thể học được gì?
- Tôi có may mắn được chứng kiến Châu Âu đang ở một giai đoạn thay đổi đặc biệt, từ cơ cấu kinh tế chính trị đến cấu trúc xã hội, nhận thức của con người và tất nhiên cả văn hoá nữa. Châu Âu lãng mạn, Châu Âu cũng đã từng ngạo mạn. Châu Âu già cỗi với nỗi đau của hai cuộc chiến tranh từ thế kỷ trước vẫn chưa nguôi ngoai, khác với Châu Á hay Việt Nam, nỗi đau chiến tranh không còn hiện diện ở các thế hệ đang sống, không còn phân ly và mất mát, nhưng nó lại ẩn hiện dập dờn trong tư tưởng, trong ý niệm và trong cách thức người ta nhìn nhận quá khứ và gốc gác.
Tôi cảm thấy người Châu Âu hết sức thận trọng với quá khứ. Chưa nói đến chuyện họ lưu giữ bất kỳ cái gì có thể lưu giữ, mà riêng thái độ của họ cũng đã rất đáng lưu tâm rồi. Tôi đã đến trại tập trung Auschwitz gần cố đô Krakow, Ba Lan. Tôi cũng đã đến công trình tưởng niệm nạn nhân Do Thái trong Thế chiến thứ hai ở Berlin, Đức. Ở Auschwitz, tôi có tiếp xúc với những người quản lý và nhận ra rằng họ suy nghĩ rất chu đáo trước mọi điều liên quan đến khu trại, đặc biệt những gì liên quan đến “sự tổn thương đối với ký ức về các nạn nhân”. Người Đức trong cảm nhận của tôi hết sức can đảm trong việc nhìn lại quá khứ. Còn ở Ba Lan thì tôi nhận ra không dễ đề cập vấn đề Do Thái với rất nhiều người…
Trở về từ mảnh đất gắn liền với những cuộc di cư, chị nghĩ sao về những cuộc tranh cãi “về hay không về” với du học sinh Việt Nam gần đây?
- Tôi mới chỉ có đủ thời gian để đọc lướt, thì thấy “phe” nào cũng có lý. Đối với cá nhân tôi thì quan trọng không phải việc về hay không, môi trường công tác và cơ chế như thế nào, mà là cách mỗi cá nhân lựa chọn và trung thực đến đâu trong việc theo đuổi những lựa chọn đó. Ai cũng có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh và ai cũng có thể vượt lên hoàn cảnh để đeo đuổi đam mê.
Chảy máu chất xám, người tài không được trọng dụng và nhìn nhận đúng, môi trường làm việc còn nhiều bất cập… là vấn đề của mọi xã hội, dù phát triển hay đang phát triển. Người này nhận ra nơi kia tốt hơn là vì họ chưa đến mức độ phức tạp đủ để va chạm phải những bất cập đó mà thôi.
Về điều này, tôi nhớ Linda Lê từng có một bài viết rất hay, tên là “Những người xa lạ lạ kỳ”. Trong đó, có đoạn bà viết: “Tôi, với những mối liên hệ với nước Việt Nam còn lỏng lẻo, tôi không có tham vọng đứng lên phất cờ cho những người xa xứ bị giằng xé giữa tiếc nuối quê hương và ham muốn khám phá ra những vùng miền mới, giữa sự cần thiết không thuộc về một cộng đồng nào, để bảo vệ bản sắc của mình và ham muốn sống cộng sinh với bộ tộc mà họ là thành viên. Tôi tránh làm sứ giả của những người lưu đày, bởi lẽ tôi là một kẻ bội phản đã quên đi tiếng mẹ đẻ của mình và đã lấy tiếng Pháp để kể lại những nỗi gian truân của những nhân vật mơ hồ, hai mặt, luôn ở giữa dòng, bị xô đẩy chỗ này chỗ khác, quay về với quá khứ nhưng lại lo phải gạt bỏ những mối hiểm nguy của sự hoài niệm…”.
Đọc nó, tôi mới hiểu được cảm giác là người ngoài rìa, luôn luôn là ngoài rìa, không thể nào vào bên trong được. Suy cho cùng thì về hay không không quan trọng bằng tâm thế người ở trong hay bên rìa, đúng không?...
Thủy Nguyên (Báo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.