Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Người phụ nữ truyền cảm hứng trong phim

Thứ ba, ngày 15/05/2018 07:10 AM (GMT+7)
Hành trình bắt đầu từ “Con đường gốm sứ” kéo dài dọc bờ đê sông Hồng, đến nay, họa sĩ Thu Thủy đã thực hiện được nhiều công trình nghệ thuật cộng đồng như: Lá cờ Việt Nam bằng gốm ở Trường Sa, Ngôi nhà gương, Trái tim tình yêu Hà Nội bên hồ Trúc Bạch, Đài phun nước bộ ấm trà tri kỷ trên đồi chè Tân Cương (Thái Nguyên), Đài phun nước Bông Sen Vàng... 
Bình luận 0

Đó là hành trình sáng tạo miệt mài của một họa sĩ tiên phong trên con đường khai phá Public Art (nghệ thuật công cộng). Mới đây nhất, bộ phim ngắn về chị đã giành giải thưởng tại một Liên hoan phim ngắn quốc tế và họa sĩ Thu Thủy trở thành người phụ nữ truyền cảm hứng. 

Chúc mừng bộ phim ngắn về chị “Thu Thủy- những giấc mơ gốm” đã giành cú đúp giải thưởng rất ấn tượng tại liên hoan phim ngắn Top Short: Giải thưởng Best Trailer (Giới thiệu phim hay nhất) dành cho đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan - và Inspiring Woman in a film (Người phụ nữ truyền cảm hứng trong phim) cho họa sĩ Nguyễn Thu Thủy. Chị có bất ngờ về giải thưởng này?

-Trong cuộc cách mạng số 4.0, đây là liên hoan phim được thiết kế tiêu chuẩn kết nối toàn cầu và đứng thứ 8 trên tổng số 4.000 liên hoan phim được tổ chức trên toàn thế giới. Tôi cũng khá bất ngờ. Nhưng điều tôi thấy vui và ý nghĩa là bộ phim đã tạo cơ hội cho hình ảnh và những vẻ đẹp Việt Nam lan tỏa ra thế giới. Đó không còn là câu chuyện của một cá nhân mà là câu chuyện của văn hóa, của cộng đồng.

img

Họa sĩ Thu Thủy

Tôi rất ấn tượng với giải thưởng “Người phụ nữ truyền cảm hứng trong phim”, về sự dấn thân, về tình yêu và đam mê công việc, về những đóng góp cho cộng đồng của chị. Còn chị, điều gì đã truyền cảm hứng cho chị để giữ được tình yêu bền bỉ đó?

-Tình yêu với gốm, tình yêu với Hà Nội là nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo nghệ thuật của tôi, để tôi luôn thấy mình tràn đầy năng lượng trong các dự án mới, những ý tưởng mới. Đam mê đã tạo cho tôi sức mạnh sáng tạo. Gốm, một nét đặc trưng của văn hóa Việt đã cho tôi cơ hội được kể câu chuyện của văn hóa, lịch sử đất nước mình. Và tôi muốn những vẻ đẹp đó lan tỏa đến cộng đồng.

Điều gì có ý nghĩa nhất với chị khi bộ phim giành giải thưởng tại một liên hoan phim quốc tế?

-Nó không còn là câu chuyện của một cá nhân mà là câu chuyện của văn hóa, của cộng đồng. Hình ảnh lá cờ Tổ quốc Việt Nam bằng gốm rộng 312m2 trên nóc tòa hội trường đảo Trường Sa Lớn là một trong những cảnh rất tâm đắc của chúng tôi khi gửi được thông điệp về chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra thế giới. 

img

Giải thưởng được BGK LHP Top Shorts trao cho họa sĩ Thu Thủy

Đó là những hình ảnh về các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế cùng tham gia đóng góp công sức trên Con đường gốm sứ, hình ảnh các em thiếu nhi thi vẽ thiết kế cho đoạn tranh gốm thiếu nhi, quang cảnh hoành tráng của lễ khánh thành và nhận bằng kỷ lục Guinness cho Con đường gốm sứ… Tất cả đều có ý nghĩa không chỉ đối với tôi mà với chúng ta, những người Việt Nam yêu hòa bình, yêu văn hóa.

Hành trình của chị gắn liền với nhiều công trình lớn như “Con đường gốm sứ”, “Lá cờ Việt Nam bằng gốm” ở Trường Sa và mới đây nhất công trình Nhà Gương, bức tranh gốm kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris... Vì sao tất cả các công trình của chị đều sử dụng chất liệu gốm?

-Gốm là một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Với gốm, tôi thỏa sức biến tấu các ý tưởng của mình để nó vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Đến nay tôi đã thực hiện khá nhiều công trình, trong đó có những khối điêu khắc gắn gốm “Trái tim tình yêu Hà Nội” bên hồ Trúc Bạch, “Đài phun nước bộ ấm trà tri kỷ” trên đồi chè Tân Cương (Thái Nguyên), “Đài phun nước Bông Sen Vàng” tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội), hai bức tranh gốm hoành tráng “Hà Nội mùa Xuân và Hà Nội mùa Thu” trên tầng 9 và tầng 38 tòa nhà Lotte, tranh tường trang trí sân bay Quốc tế Đà Nẵng dành Huy chương đồng tại cuộc thi Thiết kế Quốc tế (International Design Awards –IDA) lần thứ 10 tại thành phố Los Angeles (Mỹ). 

Ngoài ra, có một tác phẩm gắn gốm nghệ thuật đỉnh cao: Nhà Gương trong Công viên Thống Nhất vừa đoạt Huy chương bạc của cuộc thi Thiết kế Quốc tế ADesign Award & Competition (Italy) với hình ảnh nổi bật của tranh gốm biển Hạ Long và sóng Trường Sa phủ toàn bộ mặt ngoài công trình. Đó không chỉ là câu chuyện của gốm mà còn là câu chuyện của văn hóa Việt, của vẻ đẹp Việt đang lan tỏa trong cộng đồng và ra cả thế giới.

Chị là người tiên phong theo đuổi Public Art (nghệ thuật công cộng) ở Việt Nam. Con đường đó hẳn nhiều chông gai?

-Những ngày đầu rất gian nan vì loại hình nghệ thuật này còn quá mới mẻ ở Việt Nam. Đó là những năm đầu tiên khi tôi bắt tay vào làm “Con đường gốm sứ” ở Hà Nội và khánh thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Những công trình cộng đồng này cần sự ủng hộ từ phía cộng đồng. 

Lúc đầu việc kêu gọi khá khó khăn nhưng dần dần mọi người đều nhận thức được giá trị của nghệ thuật công cộng nên tôi nhận được sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ. Ở các nuớc phát triển, nghệ thuật công cộng của họ phát triển từ rất lâu rồi. 

img

Hoa sĩ Thu Thủy và con đường gốm sứ

Điều khác biệt ở đây là tôi muốn xây dựng nghệ thuật cộng đồng vừa dân tộc, vừa hiện đại. Tháng 7-2011, tôi đã ấp ủ ý tưởng xây dựng và gắn gốm lá cờ Tổ quốc Việt Nam lớn nhất ở đảo Trường Sa. Từ trên không trung (máy bay, vệ tinh hay Google Earth, Google Map) mọi người đều có thể nhìn thấy lá cờ sao vàng đỏ thắm của Việt Nam trên nền xanh cây cối xanh tươi. 

Bắt đầu từ tháng 2-2012, 94 kiện gốm đã được vận chuyển bằng tàu hoả, xe tải vào Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và theo các chuyến tàu biển ra đảo Trường Sa Lớn. Lá cờ bằng gốm được gắn trên mái toà nhà hội trường ở trung tâm đảo Trường Sa có kích thước 12,4m x 25m (diện tích 310m2) được ghép từ 310.000 viên gốm mosaic nhỏ cỡ 3 x 3 cm, nặng 3,5 tấn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam.

Đạo diễn Nghiêm Nhan gọi chị là “Người đàn bà nước”; người đàn bà ngụp lặn trong những giấc mơ của mình”. Đến bây giờ, chị thấy mình đã đi đến đâu trong hành trình đó?

-Tôi là Nguyễn Thu Thủy. Có nghĩa là dòng nước mùa thu. Cái tên mẹ cha đặt cho tôi dường như đã trở thành một định mệnh khiến cho cuộc đời nghệ thuật của tôi sau này luôn sáng tạo ra những biểu tượng nước gắn bó với môi trường nước. Tôi vẫn đang đi trên hành trình. Nước biển, mặt trời và gió đem lại cho tôi một cảm hứng bao la, bất tận. 

Có lúc tôi cảm tưởng mình đã chạm đến độ lớn của sáng tạo với những ý tưởng kỳ vĩ. Với người nghệ sỹ sáng tạo, những đỉnh cao luôn ở phía trước khiến tôi phải luôn nỗ lực, luôn vận động. Nghệ thuật là đại dương và họa sỹ cứ bơi, cứ lặn ngụp trong dòng chảy bao la bất tận ấy để khám phá những bờ bến mới. Có những bến bờ thật gần lại có những bến bờ xa lắc…

Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị. Chúc chị thành công với những dự án mới của mình.

Liên hoan Phim ngắn quốc tế Top Shorts là liên hoan phim online hàng đầu thế giới được tổ chức hằng năm tại Los Angeles (Mỹ), thu hút các bộ phim ngắn dưới 40 phút trên toàn thế giới tham dự với nhiều thể loại khác nhau. 

Mỗi tháng liên hoan sẽ trao giải cho các bộ phim xuất sắc ở nhiều hạng mục khác nhau: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hấp dẫn nhất, Âm nhạc hay nhất, Diễn viên truyền cảm hứng nhất… 

BGK của Liên hoan phim Top Shorts gồm 15 nhà điện ảnh uy tín của Mỹ như: Jeff Melman - đạo diễn điện ảnh từng 6 lần đoạt giải Emmy, Melissa Jo Peltier - nhà biên kịch từng 2 lần đoạt giải Emmy, Mark DeCarlo - giải Emmy nam diễn viên xuất sắc, Casey Ruggieri – nhà văn và nữ diễn viên điện ảnh…

Bộ phim tài liệu “Thu Thủy - những giấc mơ gốm” do đạo diễn truyền hình Nguyễn Nghiêm Nhan (VTV1) thực hiện ở nhiều thời điểm khác nhau, từ năm 2006 đến nay. 

Đạo diễn đã song hành cùng các công trình nghệ thuật công cộng của nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, xuất phát từ Con đường gốm sứ ven sông Hồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội đến các công trình mang ý nghĩa chính trị lịch sử ở Trường Sa hay TP Choisy le Roi (Pháp). 

Bộ phim với nhiều cảnh quay đẹp và tư liệu quý đã làm nổi bật vẻ đẹp của nghệ thuật gốm Việt Nam thông qua các tác phẩm nghệ thuật đầy tính sáng tạo và mới mẻ của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và các cộng sự. 

Mary Jane Elliott, người bạn thân của họa sĩ chia sẻ: “Đây là một bộ phim ngợi ca sức mạnh của nghệ thuật công cộng với nhiều hình ảnh tuyệt đẹp đáng chú ý về nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - người luôn chủ động trong sáng tạo nghệ thuật ghép gốm, mang đến nét hấp dẫn đầy cuốn hút cho loại hình nghệ thuật công cộng”.

Lan Tường  (CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem