Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo

Thanh Hà Chủ nhật, ngày 15/05/2022 15:24 PM (GMT+7)
Cách thị trấn huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) khoảng 20 km, xóm Hoài Khao nằm nép mình dưới một thung lũng nhỏ. Hoài Khao được biết đến là xóm cổ của đồng bào Dao Tiền, nơi còn giữ được bản sắc văn hóa từ kiến trúc, nghề chạm bạc tinh xảo, nghề dệt truyền thống, thêu hoa văn váy áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong…
Bình luận 0

Vẻ đẹp thuần khiết

Xóm Hoài Khao nằm bên cung đường chừng 1 cây số, trên độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, lọt trong một thung lũng được bao quanh bởi ngút ngàn cây rừng của vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén. Chính vì cái địa thế vùng đệm của vườn quốc gia nên xóm nhỏ này sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ quyến rũ không đâu có, cảm giác như chưa hề có sự can thiệp dù nhỏ của bàn tay con người.

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 1.

Những ngôi nhà lợp ngói âm dương nằm nép mình bên những cây rừng. Ảnh: Thanh Hà

Buổi sáng ở Hoài Khao, những dải mây trắng tinh khôi hờ hững bay trên ngọn núi đầu xóm, sà xuống bảng lảng ngay trước cửa những homestay duyên dáng. Tiếng mõ khua xa xa nhắc chúng ta chú ý tới đàn trâu đang thong dong gặp cỏ dưới thung lũng. Rồi tiếng trẻ con í ới gọi nhau đi học, tiếng những người phụ nữ Dao Tiền lanh lảnh nhắc nhau chuẩn bị công việc cho một ngày mới…

Lần đầu tiên đặt chân tới Hoài Khao, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thuần khiết nơi đây. Ngay khi ô tô chồm lên đỉnh con đèo để bắt đầu vào Hoài Khao, chúng tôi bắt gặp một thung lũng xanh ngắt, một con đường nhựa uốn lượn như dải lụa nổi bật giữa màu xanh của bạt ngàn cây rừng. Phóng tầm mắt xa hơn là ruộng bậc thang với một màu xanh non của lúa, xa hơn nữa là màu nâu đỏ trên những ngôi nhà lợp ngói âm dương đặc trưng của đồng bào Dao Tiền. Một khung cảnh thơ mộng và bình yên đến lạ!

Không chỉ mang nét đẹp thơ mộng, hoài cổ từ những mái ngói âm dương, từ kiến trúc nguyên bản, đồ dùng sinh hoạt xưa cũ của người dân nơi đây, Hoài Khao còn có những trải nghiệm tuyệt vời trên cung đường bê tông nhỏ xuyên qua xóm, men theo bìa vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén, đi qua những vách đá, những hàng cây cổ thụ, qua con suối róc rách đang hòa ca cùng tiếng chim hót để đến với Nà Rẻo (một địa danh khác của huyện Nguyên Bình) với những ngôi nhà trình tường độc đáo. Cùng đó là khám phá hang ong Khoái, dự nghi lễ cấp sắc và trải nghiệm in sáp ong tạo hoa văn trên thổ cẩm, mát xa, ngâm chân bằng thuốc của người Dao…

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 2.

Trâu Trắng đứng đón du khách đến với Hoài Khao

Không những thế, Hoài Khao cũng đang sở hữu vẻ đẹp của giá trị bản sắc văn hóa lâu đời, những tập quán chưa hề bị mai một của đồng bào Dao Tiền, là sự hiếu khách chân tình của người dân nơi đây. Một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Dao Tiền là dùng sáp ong để tạo hoa văn, họa tiết trên những bộ trang phục truyền thống. 

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 3.

Chiếc váy của phụ nữ Dao Tiền với những hoa văn được tạo bằng in sáp ong Khoái.

Để có được sáp ong, người dân Hoài Khao đã canh giữ và bảo vệ gần 100 tổ ong ở hang ong Khoái. Cứ đến đầu năm vào tháng 2, tháng 3 ong về làm tổ và đến tháng 9, tháng 10 ong bay đi tránh rét, lúc đó cả xóm sẽ tổ chức lễ hội lấy sáp ong, sau đó về chia đều cho mỗi hộ. Từ sáp ong này, những người phụ nữ Dao Tiền với bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, lấy thanh tre in những sáp ong lên mặt vải với nhiều họa tiết hình quả trám đến hình tròn, gạch chéo, cỏ cây, hoa lá…

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 4.

Những ngôi nhà trước đó lợp fibro xi măng đã được lãnh đạo huyện Nguyên Bình vận động bà con thay bằng ngói âm dương. Đồng bào Dao Tiền ở xóm Hoài Khao có tập tục xây kho lương thực riêng ở ngoài cổng để tránh phòng khi nhà gặp hỏa hoạn vẫn có lương thực ăn hàng ngày.

Khát khao làm giàu

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 5.

Một trong những điểm dừng chân ngắm mây trên cung đường đi từ xóm Hoài Khao sang Nà Rẻo thăm những ngôi nhà trình tường của đồng bào Dao Tiền.

Hoài Khao là tên đã được đồng bào Dao Tiền gọi trại đi cho dễ nhớ, dễ đọc, đúng theo tên từ thuở khai sinh thì phải là Vài Khao, có nghĩa là trâu trắng. Cũng giống như nhiều bản làng của đồng bào dân tộc ở vùng núi Tây Bắc, cái xóm nhỏ và nghèo này luôn khát khao làm giàu, khát khao một cuộc sống ấm no. Và hướng làm giàu có vẻ như đã có, đó là du lịch cộng đồng.

Ông Lý Hữu Tăng – trưởng xóm Hoài Khao cho hay xóm có hai họ là họ Lý và họ Chu, với 34 hộ dân sinh sống và chỉ có 2 hộ vừa mới thoát nghèo. Ông bảo: "Người dân trong xóm trước khi làm homestay chỉ biết đi làm nương rẫy và chăn nuôi. Cuộc sống phần lớn là tự cung, tự cấp nên kinh tế rất khó khăn. Hai năm qua được lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, lãnh đạo huyện Nguyên Bình vận động, hỗ trợ và chỉ dấn, bà con đã bắt đầu đưa chuồng trại ra khỏi nơi sinh sống, bắt đầu làm homestay".

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 6.

Những ngôi nhà homestay nằm dọc lối đi vào xóm Hoài Khao

Chia sẻ về tiềm năng, giá trị của du lịch cộng đồng, ông Phạm Hải Quỳnh – Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho biết: "Du lịch cộng đồng miền Bắc được ví là cái nôi của du lịch cộng đồng Việt Nam. Trong quá trình phát triển, chúng ta nhận được sự song hành của các tổ chức quốc tế như GREP, AOP, EU... 

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, cũng đã xuất hiện một số những hiểu lầm. Trong đó, chúng ta lầm tưởng việc xây dựng các homestay chính là phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, homestay chỉ là một phần chứ không phải toàn bộ". 

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, du lịch cộng đồng là hoạt động mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Hiện nay, chúng ta có những địa phương tích cực phát triển như Hà Giang, Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La... Việc xây dựng và phát triển mô hình sinh kế cộng đồng sẽ giúp quá trình phát triển du lịch bền vững và lâu dài. Gần đây, nhiều địa phương cũng dần phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, đã có những thất bại, cho nên tìm hướng đi đúng vẫn là một dấu hỏi.

Hoài Khao cũng không là ngoại lệ. Ông Quỳnh đánh giá: "Với tinh thần học hỏi, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đã giúp mô hình du lịch ở đây có nhiều khởi sắc. Người dân địa phương đã xây dựng được 34 căn nhà mang giá trị văn hóa của đồng bào. 

Đồng thời, địa phương cũng đang tạo dựng cảnh quan, cơ sở vật chất để phát triển mô hình sinh kế bền vững trong tương lai. Từ đó, tôi tin tưởng rằng đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong tương lai. Sau hai năm đại dịch, du lịch cộng đồng đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh. Hiện nay, du khách thường có xu hướng tự di chuyển, đi theo nhóm nhỏ và tìm đến những nơi có cảnh vật yên bình. Những điểm đến du lịch cộng đồng sẽ đặc biệt thu hút và tạo sức bật lớn trong tương lai không xa".

Chị Lý Thị Hương – chủ của một trong 7 homestay ở Hoài Khao chia sẻ: "Người dân trong xóm mới đầu nghe đến du lịch cộng đồng thì thấy lạ lắm, vì từ trước tới giờ chúng tôi không đi xa, quanh năm chỉ biết hạt ngô, lên nương. Thế nhưng sau khi nghe các cán bộ xã, cán bộ huyện nói làm du lịch vừa để phát triển kinh tế, đời sống đỡ vất vả hơn đi làm nương rẫy, lại gìn giữ giới thiệu văn hóa dân tộc Dao Tiền tới du khách trong nước và quốc tế. Vợ chồng tôi tin tưởng vào chỉ dẫn của cán bộ nên đồng lòng làm homestay".

Theo chị Lý Thị Hương để làm được homestay, vợ chồng chị chỉ có chút ít vốn liếng còn đâu phải đi vay ngân hàng và một phần tiền hỗ trợ từ huyện Nguyên Bình. Vì không có tiền nên để hoàn thiện được homestay như hiện tại, vợ chồng chị đã phải vất vả làm nương, rẫy, bán cái ngô, cái lúa tích góp từng đồng, mỗi lúc mua một thứ như gỗ làm nhà, giường, đệm, nhà vệ sinh… sau gần hai năm homestay khang trang, sạch sẽ đã hoàn thiện.

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 7.

Ông Đào Nguyên Phong giới thiệu (đứng giữa) giới thiệu những vật dụng sinh hoạt được một chủ homestay trưng bày ở phòng khách.

Nói về khó khăn khi vận động đồng bào Dao Tiền làm homestay, ông Đào Nguyên Phong – Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết: "Ban đầu vận động bà con làm homestay gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi đã đi từng hộ dân để thuyết phục, rằng muốn cuộc sống ấm no hơn, kinh tế tốt hơn thì không thể chỉ đi làm nương, đi rẫy được. Làm nương, đi rẫy vất vả mà cuộc sống vẫn nghèo. 

Chúng ta có lợi thế phong cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vỹ, có bản sắc văn hóa vậy thì chúng ta sẽ làm du lịch cộng đồng, làm homestay để làm sao xóm Hoài Khao trở thành địa điểm du lịch, thu hút du khách đến trải nghiệm văn hóa, cảnh đẹp nơi đây. 

Để người dân xóm Hoài Khao có thể mục sở thị những làng du lịch cộng đồng đã thành công và đang đón khách du lịch đến ở như thế nào, chúng tôi đã đưa họ đi tham quan tại làng đá Khuổi Ky, huyện Trùng Khánh. Sau khi tham quan về, bà con Dao Tiền đồng ý làm homestay, chúng tôi tiếp tục thuyết phục họ phải di dời chuồng trâu, lợn ra khỏi khu vực sinh sống… 

Khó khăn tiếp nữa là nhận thức còn hạn chế của người dân ở đây, chúng tôi phải đến từng nhà, chỉ dẫn từng cách nói, cách làm, thậm chí cách vệ sinh nhà cửa, toilet, sân vườn…"

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 8.

Buổi sáng tại xóm Hoài Khao, lãng đãng cùng áng mây trôi

Theo ông Đào Nguyên Phong, sau hai năm triển khai và hỗ trợ, ngày 27/4 vừa qua huyện đã chính thức đưa 7 homestay đi vào hoạt động. Điểm thú vị là mỗi homestay mang một nét riêng, tạo sự phong phú, hấp dẫn cho du khách. Ví dụ với homestay Nhất Nhất sân nhà được tạo bằng đá xanh… 

Nội thất trong mỗi homestay là những đồ dùng sinh hoạt của người Dao Tiền, mỗi dụng cụ sinh hoạt lại được người Dao trang trí cho ngôi nhà của mình, tạo nên sự khác biệt, đẹp mắt nhưng lại mang đậm nét văn hóa bản sắc. Đồng thời huyện cũng xây dựng bộ máy vận hành làng du lịch cộng đồng như: Tổ đan lát; tổ vệ sinh môi trường; tổ làm thuốc; tổ in hoa văn sáp ong thổ cẩm… "

Huyện xác định phương châm phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Vì vậy việc xây dựng, quy hoạch tại Hoài Khao được quản lý sát sao để không phá vỡ cảnh quan, thiên nhiên, không để bê tông hóa" – ông Phong cho hay.

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 9.

Homestay của chị Bàn Thị Liên đã sẵn sàng đón khách

Chia sẻ về quyết định làm homestay, chị Bàn Thị Liên, chủ homestay Khánh Hưng cho biết: "Trước khi làm homestay, ngày nào hai vợ chồng cũng đi làm nương từ sáng sớm, mang theo cơm để trưa ngả ra ăn trên nương và đến chiều tối mịt mới về nhà. Ngày nào cũng vậy. Thế nhưng giờ chuyển sang làm homestay thì không phải ngày nào cũng đi nương nữa". 

Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo - Ảnh 10.

Chị Bàn Thị Liên in sáp ong tạo hoa văn trên vải thổ cẩm

Theo chị Liên để xây homestay và sắm sửa đồ đạc trong nhà anh chị đã phải vay toàn bộ tiền ngân hàng, bên cạnh đó là 80 triệu tiền hỗ trợ của huyện. Giờ đây homestay của gia đình chị đã có thể đón khách với 5 phòng, trong đó có 2 phòng riêng và 3 phòng chung. Chị bảo, chị vẫn đang hoàn thiện bản thân bằng cách đi học nấu ăn để có thêm nhiều món phục vụ du khách.

Chia tay chị Liên trong cái bắt tay bịn rịn, tôi hỏi về ước mơ lớn nhất của chị sau khi đã dựng xong homestay, chị không ngần ngại trả lời: "Ước mong duy nhất của tôi là có thật nhiều khách du lịch đến đây ở". Sau câu trả lời, ánh mắt chị ánh lên màu hy vọng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem