Hoại tử da vùng gáy chỉ vì mụn nhọt nhỏ như hạt đậu

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 08/05/2022 13:07 PM (GMT+7)
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ với tổn thương nghiêm trọng vùng gáy. Nguyên nhân chỉ từ cái mụn nhọt kích thước bằng hạt đậu.
Bình luận 0

Chủ quan với mụn nhọt nhỏ

 Bệnh nhân là bà N.T.H (67 tuổi, trú tại Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp II, di chứng chất độc màu da cam.

Trước vào viện 2 tuần bệnh nhân bị mụn nhọt nhỏ bằng hạt đậu, mọc sau gáy sau sưng tấy, đau nhiều, đầu mụn có ngòi, sốt. Do lo sợ và tâm lý ngại đi bệnh viện nên bệnh nhân tự mua thuốc điều trị tại nhà. Khi tổn thương có dấu hiệu lan rộng, đau nhiều mới đến viện điều trị. 

Tại khoa Phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), qua thăm khám, các bác sĩ đã thấy sau gáy là những ổ áp xe nhỏ nhiều vách và ngóc nghách, tổ chức dưới da vùng sau gáy hoại tử có mủ trắng. Xét nghiệm tìm thấy vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây nhiễm trùng vùng mụn.  

Bệnh nhân đã được cắt lọc, làm sạch để da hở kết hợp với dùng thuốc kháng sinh, thay băng hàng ngày. 10 ngày sau cắt lọc nền vết thương sạch các bác sĩ đã tiến hành ghép da, khâu đóng vết mổ. Sau 30 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏe mạnh và được xuất viện. 

Hoại tử da vùng gáy chỉ vì mụn nhọt nhỏ như hạt đậu - Ảnh 1.

Những khối mụn nhọt nhỏ cũng có thể nhiễm trùng gây nguy hiểm. Ảnh minh họa medicalnewstoday

Thời gian qua, khoa Phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình hàm mặt, điều trị rất nhiều bệnh nhân áp xe vùng hàm mặt mà khởi phát chỉ từ những mụn nhọt nhỏ. 

Nguyên nhân chủ yếu phát sinh ra bệnh là do vi khuẩn xâm nhập vào nang lông, những người có vùng da hoại tử, da chết hoặc da tổn thương sẽ giúp vi khuẩn xâm nhập vào dễ dàng hơn, gây ra mụn nhọt lâu dài không được điều trị đúng cách gây ra nhiễm trùng, ổ mụn chứa đầy dịch mủ và mô chết.

Những trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng nghiêm trọng vùng gáy, lưng, mông chỉ từ những mụn nhọt nhỏ không hiếm. 

Tại khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Việt Đức) gần đây cũng tiếp nhận 1 số bệnh nhân bị tổn thương lan rộng, hoặc biến chứng như nhiễm khuẩn huyết có thể nguy hiểm đến tính mạng chỉ từ những mụn nhọt nhỏ. 

PGS.TS Nguyễn Đức Chính (khoa Phẫu thuật Nhiễm Khuẩn, Bệnh viện Việt Đức) cho biết, không ít người gặp tổn thương nghiêm trọng do hậu bối (được định nghĩa là cụm nhọt, bao gồm nhiều các nhọt nhỏ do viêm lỗ chân lông tập trung thành đám tạo nên và có quá trình hoại tử phần mềm tổ chức dưới da).

Vì vị trí xuất hiện của khối mụn nhọt này thường nằm phía thân sau của cơ thể nên được dân gian dùng từ hậu (phía sau ) bối (u, nhọt) có nghĩa là u nhọt nằm phần sau cơ thể. 

"Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Nếu không được xử lý, nhiễm trùng có thể lan tỏa đến các phần khác của cơ thể. Hậu bối hay mọc ở gáy, lưng,  ở những người có sức đề kháng kém, người cao tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường… ", PGS Chính cho biết. 

Hoại tử da vùng gáy chỉ vì mụn nhọt nhỏ như hạt đậu - Ảnh 2.

Không dùng tay bẩn gãi mụn nhọt trầy xước khiến cho vi khuẩn tụ cầu vàng có nguy cơ xâm nhập. Ảnh minh họa summitdermatology

"Do đó khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, đặc biệt là người đề kháng kém hay có bệnh chuyển hóa như đái tháo đường… cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị, tránh những diễn biến nặng của bệnh có thể gây ra hậu quả đáng tiếc, thậm chí biến chứng nhiễm khuẩn huyết còn có thể gây tử vong”, PGS Chính khuyến cáo. 

Các yếu tố nguy có làm tăng khả năng nguy cơ nhiễm trùng mụn nhọt

Theo điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung (khoa Phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình hàm mặt - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mụn nhọt tạo thành hậu bối bao gồm: 

- Vệ sinh kém

- Bệnh đái tháo đường

- Người có hệ miễn dịch suy yếu

- Viêm da + Người mắc bệnh gan thận

Điều dưỡng Nhung khuyến cáo, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh không được tự ý nặn, hoặc chườm nóng, lạnh sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng máu. 

Trong trường hợp nhẹ không có biểu hiện đau nhức, sốt, có thể đợi và ngày cho mụn “chín” tự vỡ có thể dùng bông y tế vô khuẩn thấm dịch lấy ra ngoài, sau đó rửa lại bằng betadin hoặc cồn i- ốt, tránh làm xước vùng vừa tháo mủ. 

Tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc theo chỉ dẫn của người không có chuyên môn để tránh nhiễm trùng sốc phản vệ.

"Để phòng tránh mụn nhọt cần giữ vệ sinh môi trường sống, nhà cửa lau dọn thường xuyên, phòng ngủ thoáng mát, chăn gối cần được giặt phơi nắng thường xuyên, thay quần áo mỗi ngày đặc biệt khi thấy ướt mồ hôi.

Không cạy, chà xát các vết rôm sảy trên da, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin, hạn chế thức ăn có đường đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường", điều dưỡng Nhung chia sẻ.  

"Mụn nhọt nhiễm trùng tạo thành hậu bối có dấu hiệu ban đầu là một đám mảng đỏ có đường kính rất khác nhau, có thể từ 5-10-20cm kèm theo biểu hiện viêm đỏ, sưng tấy, gồ cao, đau, có nhiều ngòi, tiến triển hoại tử tổ chức dưới da, tổn thương lõm sâu khoảng 0,5-1cm.

Hậu bối không tự khỏi theo cách thay băng thông thường hoặc tự uống thuốc mà cần sự can thiệp của các bác syĩ. Hơn nữa, khác với nhọt bọc là tổn thương rất nông và thường là một khối mủ có thể trích đơn giản, hậu bối bắt buộc phải phẫu thuật mở rộng và lấy tổ chức hoại tử bên dưới mới khỏi được".

PGS TS Nguyễn Đức Chính


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem