Hoàn thành 15 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần số vốn "khủng"

Thế Anh Thứ tư, ngày 15/05/2024 07:19 AM (GMT+7)
Hà Nội cần số vốn đầu tư các tuyến đường sắt đô thị đến năm 2045 cần khoảng 55,44 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cần huy động giai đoạn đến 2030 đầu tư 96,9km với khoảng 16,2 tỷ USD.
Bình luận 0

Theo quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ có tổng số 15 tuyến đường sắt đô thị, trong đó đến năm 2035 là 397,8km và đến năm 2045 là 196,2km.

Tính toán sơ bộ về nguồn vốn đầu tư, Hà Nội cần số vốn đầu tư các tuyến đường sắt đô thị đến năm 2045 cần khoảng 55,44 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cần huy động giai đoạn đến 2030 đầu tư 96,9km với khoảng 16,2 tỷ USD.

Giai đoạn đến 2035 làm 301km với vốn đầu tư khoảng 20,9 tỷ USD; giai đoạn đến 2045 đầu tư 196,2km và nguồn vốn 18,2 tỷ USD.

Hoàn thành 15 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần số vốn "khủng"- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: V.N

Dựa trên thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành, 

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, dự kiến đến năm 2030 thành phố cân đối được khoảng 11,5 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 16,2 tỷ USD, chưa cân đối được 4,6 tỷ USD).

Đến năm 2035 cân đối được khoảng 16,9 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 20,9 tỷ USD, chưa cân đối được 3,97 tỷ USD); đến năm 2040 cân đối được khoảng 29,21 tỷ USD (trong khi nhu cầu là 18,26 tỷ USD).

TP.Hà Nội cần Trung ương cân đối, bố trí vốn hỗ trợ 8,61 tỷ USD (các kỳ trung hạn 2026-2030 là 5,52 tỷ USD và 2031 - 2035 là 4,59 tỷ USD) đến năm 2035.

Sau năm 2035, thành phố chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung. Trong quá trình triển khai tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất cụ thể phương án hỗ trợ của Trung ương cho thành phố để đầu tư hệ thống đường sắt đô thị.

Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc với các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA sẽ tiếp tục đầu tư theo nguồn vốn này; các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Căn cứ quy hoạch, định hướng phân bổ các khu dân cư hiện hữu, tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, thành phố đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư, trong đó định hướng tập trung đầu tư các tuyến xuyên tâm sau đó đến các tuyến vành đai, ưu tiên triển khai trước các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết.

Để đảm bảo ngân sách thành phố giữ vai trò chủ đạo và quyết định, Hà Nội ưu tiên tập trung bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất cho đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị; sử dụng dư địa trần nợ công cho từng giai đoạn để tạo nguồn lực từ ngân sách thành phố với hình thức vay phù hợp để dầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu (diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng; khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực giao thông công cộng (TOD); phí cải thiện hạ tầng) để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống đường sắt đô thị.

Thành phố cũng đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư nhằm hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị vào năm 2035.

Cụ thể, Hà Nội được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực TOD để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; quyết định nội dung, trình tự, thủ tục chính sách đặc thù thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập; trình tự thực hiện được phép rút gọn để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem