Phát biểu tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, phương pháp tiếp cận xây dựng Luật PCTN (sửa đổi) cần phải xác định nội dung chủ yếu là về phòng ngừa, ngăn chặn và đặt việc sửa đổi luật trong quá trình tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng dựa trên các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ và kiểm soát xung đột lợi ích đối với người có chức vụ và quyền hạn trong các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện tham nhũng thông qua việc xác định rõ về trách nhiệm và cơ chế điều phối giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền…
Luật PCTN được ban hành từ năm 2005, qua thực tiễn triển khai thực hiện luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như thiếu quy định về công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực quản lý quan trọng hoặc chưa rõ về nội dung phải thực hiện công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương quan trọng của Đảng như Nghị quyết Hội nghị TƯ 3 khóa X, Kết luận TƯ 5 khóa XI chưa được thể chế hóa trong luật như việc từng bước mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả các đảng viên; giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm...
Để khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu nhất trí rằng việc Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật PCTN tại kỳ họp thứ 4 sắp tới là cần thiết. Tuy nhiên, luật cần phải được bàn thảo, sửa đổi một cách thấu đáo để đáp ứng được yêu cầu về nâng cao hiệu quả của công tác PCTN.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.