Phòng chống tham nhũng 2012: Phát hiện nhiều, xử lý ít

Thứ năm, ngày 20/09/2012 07:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một số vụ sau nhiều năm khởi tố, điều tra nay lại đình chỉ điều tra với lý do người phạm tội đã khắc phục hậu quả; nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh nhẹ khác hơn...
Bình luận 0

Nương nhẹ tội phạm tham nhũng?

Chiều 19.9, sau khi nghe báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tỏ rõ sự đồng tình khi nghe báo cáo thẩm tra do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện.

img
Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin Pham Thanh Bình tại phiên sơ thẩm.

Ủy ban Tư pháp nhận định, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn

Hiện, việc xử lý đối với một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp mặc dù đã được Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN theo dõi, đôn đốc nhưng vẫn bị kéo dài, có những vụ án được khởi tố điều tra cách đây nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

“Trong số 20 vụ Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc thì tới 9 vụ khởi tố đến nay đã được trên dưới 3 năm nhưng vẫn chưa xử lý xong”, báo cáo dẫn. Ngoài ra, một số vụ sau nhiều năm khởi tố, điều tra nay lại đình chỉ điều tra với lý do người phạm tội đã khắc phục hậu quả; có vụ án đã được khởi tố, điều tra nhiều năm nhưng phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra vẫn chưa chứng minh được thiệt hại.

Nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh nhẹ hơn. Theo khảo sát của UB Tư pháp, chủ yếu là thay đổi tội danh từ tham ô tài sản sang tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi…

Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo chiếm tỷ lệ cao; có nơi việc áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80% và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 50%...

Tội phạm ngân hàng diễn biến phức tạp

Đồng tình với báo cáo thẩm tra, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, vụ tiêu cực tại Vinashin, ông Phạm Thanh Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin) bị xử 20 năm tù nhưng lại đánh giá không có tham nhũng. Trong kê khai tài sản, phát hiện hai trường hợp không trung thực, nhưng cũng nói là không có tham nhũng(?).

Năm 2012, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm tham nhũng (Bộ Công an) đã thụ lý, điều tra 16 vụ án, 94 bị can, trong đó khởi tố mới 7 vụ, 53 bị can; phục hồi điều tra 3 vụ, 3 bị can; tiếp nhận 1 vụ của địa phương; điều tra bổ sung 3 vụ, 25 bị can; kết thúc điều tra 6 vụ, 37 bị can; hiện đang điều tra 10 vụ, 57 bị can, thu hồi được trên 300 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa chỉ ra nét nổi bật nhất trong năm 2012, đó là tội phạm ngân hàng, tài chính, tín dụng có diễn biến phức tạp, khác hẳn các năm trước. Ngoài ra, ông Khoa cũng yêu cầu phải làm rõ đối tượng tham nhũng nằm trong doanh nghiệp nhà nước hay cán bộ công chức nhà nước để có giải pháp xử lý.

“Tham nhũng trong công tác cán bộ rất đáng lo”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước nhận định như vậy. Theo ông Phước, nạn phong bì chưa khắc phục được, vẫn tràn lan tại các dịch vụ công y tế, giáo dục. Trong khi đó, công tác đấu tranh còn nhiều hạn chế, có vụ án 5 - 6 năm mà chưa biết khởi tố hay không.

Ông Phan Trung Lý nhận định: “Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN họp nhiều, tới 93 cuộc, ban hành hàng trăm văn bản nhưng kết quả thế nào không thấy báo cáo chỉ rõ. Thành lập Cục Phòng chống tội phạm về tham nhũng nhưng phát hiện, xử lý số vụ tham nhũng ít”. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, nguyên nhân của việc phát hiện nhiều nhưng xử lý ít có thể là do “cơ quan chức năng chưa kiên quyết, chưa làm đến nơi đến chốn, còn cả nể!”.

Bộ trưởng phải trả lời việc thực hiện lời hứa

Dự kiến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (tháng 10 tới), tổng thời gian làm việc là 25 ngày (từ các ngày nghỉ thứ 7 và Chủ nhật), trong đó, phiên khai mạc được ấn định ngày 22.10 và dự kiến bế mạc vào ngày 23.11.2012.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngoài 2 ngày chất vấn như thông lệ, Quốc hội dành một buổi sáng để các bộ trưởng đã đăng đàn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, trả lời về việc thực hiện lời hứa với người dân. Văn phòng Quốc hội sẽ có công văn đề nghị các vị bộ trưởng, trưởng ngành sớm chuẩn bị những nội dung đã hứa tại 2 kỳ họp trước để báo cáo Quốc hội. Văn phòng cũng đề nghị Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sớm xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giải trình tại phiên họp Hội đồng, Ủy ban để giảm bớt những vấn đề cần đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4 này. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ trưởng trả lời chất vấn tại 2 kỳ họp vừa qua báo cáo kết quả thực hiện lời hứa trước Quốc hội, gửi đến Văn phòng Quốc hội trước ngày 20.9.

Kỳ này, Quốc hội bàn 10 dự án luật. Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi dự kiến cho ý kiến lần đầu và thông qua ngay trong kỳ họp này. Quốc hội cũng dự kiến thông qua Luật Thủ đô, Luật Thuế thu nhập cá nhân, thảo luận Luật Đất đai sửa đổi. Ngoài ra, theo thông lệ, Quốc hội nghe báo cáo thường niên về tình hình kinh tế, xã hội, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm… với nội dung thẩm tra đi kèm. Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ chính thức đặt lên bàn nghị sự kỳ họp này và được thông qua vào phần cuối kỳ họp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem