Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Băn khoăn về tính khả thi

Thứ tư, ngày 19/09/2012 10:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18.9 đã thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Vấn đề được cho ý kiến nhiều nhất là việc có đưa quy định thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống tham nhũng vào trong dự luật này hay không.
Bình luận 0

Ba phương án về Ban chỉ đạo T.Ư

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Theo đó, qua 5 năm triển khai, Luật PCTN đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung cần công khai, minh bạch, nhất là trong việc xác định giá, đấu giá tài sản doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; công khai việc giải phóng mặt bằng, giá bồi thường khi thu hồi đất...

Việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức...

 img
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

 Tổng Thanh tra cũng trình bày 3 phương án quy định Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN. Theo đó, phương án 1: Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và Ban Nội chính T.Ư là cơ quan thường trực. Phương án 2: Chỉ quy định trách nhiệm của Ban Chỉ đạo trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động PCTN trong phạm vi cả nước và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Phương án 3 là không có quy định về Ban Chỉ đạo trong dự thảo luật.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, về việc đề xuất 3 phương án sửa đổi quy định về Ban Chỉ đạo, phương án 1 không phù hợp với tiền lệ quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể là văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội không thể quy định tổ chức, hoạt động, chức năng của cơ quan Đảng.

Tương tự, phương án 2 lại đề xuất giao cho UBTVQH quy định tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN do Tổng Bí thư đứng đầu cũng không có căn cứ. Chỉ còn phương án 3 là không quy định tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo trong luật. Ban Chỉ đạo là một ban của Đảng, trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không tổ chức Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố về PCTN mà tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo T.Ư khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Bộ Chính trị xem xét, quyết định cụ thể việc lập Ban Nội chính ở các tỉnh ủy, thành ủy.

“Việc thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh PCTN và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng là phù hợp” - Ủy ban Tư pháp nhận định.

Chưa tổng kết, khó có luật chất lượng

Trong phần thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định: “Cái chính trong việc kê khai tài sản là phải kiểm soát được thu nhập, còn nếu không thì dù kê khai thế nào vẫn là hình thức”. Ông Lý cũng cho rằng, không nên mở rộng đối tượng kê khai tài sản tới tất cả đảng viên mà chỉ cần theo đúng quy định hiện hành, áp dụng với những người có chức vụ quyền hạn là đủ.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nêu ý kiến: Chính phủ đề nghị sửa đổi luật cơ bản và toàn diện, nhưng với cách làm như hiện nay tôi nghĩ chưa đảm bảo được chất lượng luật và sẽ khó được thông qua.

Khuyến khích báo chí phản ánh về tham nhũng

"Nhà nước khuyến khích các cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng". Tại hội nghị tập huấn pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2012 do Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức ngày 18.9, ông Lê Văn Hùng - Phó Chánh thanh tra TP.HCM nhấn mạnh như vậy. Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng...

Thứ nhất, Chính phủ chưa tổng kết toàn diện luật mà chỉ có báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật PCTN. Các nội dung trong bản sơ kết chưa đánh giá được công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, công tác của Viện KSND, TAND trong PCTN một cách sâu sắc. Bà Nương kết luận: “Nếu sửa luật mà chưa tổng kết, chỉ dựa vào báo cáo sơ kết sơ sài thì không thể nào sửa được”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của dự luật và cho rằng: Đến Tổng TTCP – người chịu trách nhiệm chính trong soạn thảo dự luật – còn băn khoăn về tính khả thi thì làm sao đảm bảo luật ra đời sẽ đi vào cuộc sống ngay được.

Nhiều thành viên của UBTVQH đồng tình chọn phương án 3, không đưa quy định về Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN vào trong dự luật. Ngay cả Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thừa nhận: “Phương án 3 là hay nhất, thể hiện quyết tâm PCTN rất cao của Đảng ta và cũng thể hiện rằng, Đảng tôn trọng pháp luật, không đứng trên luật”.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, dự thảo luật chưa tập trung làm rõ được hoạt động của các cơ quan PCTN như thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, kiểm tra nội bộ, các cơ quan công tố, xét xử, cơ quan giám sát của Quốc hội, của HĐND các cấp. “Với luật này, thấy cái gì tồn tại, cần làm tốt hơn thì mới làm. Cái nào chưa chín, không khả thi thì từ từ, không vội phải đưa vào ngay. Cái nào chưa rõ hiệu quả pháp lý, quy trình thủ tục, thẩm quyền xem xét của nó thì cũng chưa phải sửa vội” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem