Hoàng đàn là gỗ gì mà quý hiếm đến độ cả rừng chỉ còn 7 cây to?

Thứ hai, ngày 04/11/2019 06:45 AM (GMT+7)
Hoàng đàn là loài thực vật đặc hữu, hiếm, được xếp ở mức độ rất nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Do giá trị kinh tế cao, thời gian qua, hoàng đàn bị khai thác tận diệt. Chính vì vậy, Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Hữu Liên (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã nghiên cứu gây tạo cây con nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm.
Bình luận 0

Hiện loài hoàng đàn chỉ còn phân bố trong một khu vực hẹp trên núi đá vôi của Khu bảo tồn tự nhiên Hữu Liên. Trên diện tích hơn 8.200 ha của khu bảo tồn hiện chỉ còn 7 cá thể hoàng đàn sinh trưởng và phát triển. Đa số đều sinh trưởng trên những vách đá treo leo rất khó tiếp cận.

Trên địa bàn xã Hữu Liên, một số hộ gia đình sống trong rừng đặc dụng đã có ý thức sưu tầm, mang cây con về trồng trong vườn nhà; một số hộ sử dụng phương pháp giâm hom từ cây mẹ để phát triển loài cây quý này. Các cây được trồng trong vườn nhà sinh trưởng tốt, đặc biệt, một số cây đã cho nón.

img

Cây hoàng đàn phát triển tốt tại vườn thực nghiệm của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên.

Hiện có 86 cây hoàng đàn được trồng tại 25 hộ gia đình tại xã Hữu Liên, Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, 42 cây có nguồn gốc từ tự nhiên, 44 cây được nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Các cây có chiều cao trung bình khoảng 5m, tuổi trung bình từ 15 đến 20 năm.

Nhận thấy, với việc chỉ còn 7 cây ngoài tự nhiên, những cây trồng tại các hộ gia đình có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn loài hoàng đàn đang có nguy cơ tuyệt chủng, năm 2013, Ban quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên đã đưa hoàng đàn vào chương trình nghiên cứu.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Chúng tôi đã bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm, khả năng nhân giống bảo tồn loài hoàng đàn. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về loài này rất ít, người dân địa phương thường lấy cây con tự nhiên về trồng chứ không tự nhân giống nên kiến thức bản địa về nhân giống và tái sinh còn hạn chế. Đặc biệt, số cây còn lại không nhiều nên gây khó khăn trong công tác chọn tạo giống.

Do số lượng cây hoàng đàn còn lại ngoài tự nhiên ít, tính đa dạng di truyền không cao nên BQL lựa chọn phương pháp nhân giống bằng hạt nhằm đảm bảo cây con sau khi đem trồng có khả năng thích ứng rộng với điều kiện ngoại cảnh và tạo cơ sở cho việc lai tạo sau này.

Qua theo dõi, đơn vị đã tuyển chọn được 4 cây mẹ đủ tiêu chuẩn để thu hái hạt và tiến hành gieo ươm. Qua 4 lần gieo ươm thử nghiệm liên tục từ năm 2014 đến năm 2017, BQL đã gieo ươm thành công gần 1.000 cây giống. Năm 2017, 30 cây con được đưa ra trồng tại vườn thực vật của cơ quan.

Sau khi ươm cấy giống thành công, xác định nếu đưa vào rừng trồng để cây sinh trưởng và phát triển tự nhiên hiệu quả sẽ không cao, bởi đây là loài phát triển chậm, sau 3 – 4 năm mới ra lá thật, 15 – 20 năm mới ra hoa, kết quả, BQL phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã phát cây con cho những người có uy tín trên địa bàn như: già làng, trưởng bản, cán bộ xã mỗi hộ 1 đến 2 cây để trồng trong khuôn viên nhà. Những người được nhận cây phải cam kết với BQL làm tốt công chăm sóc, không cho, tặng, bán hoặc đưa cây ra ngoài địa bàn xã.

Đặc biệt, BQL đã tặng cây con cho các trường học, giáo viên để trồng trong khuôn viên hoặc vườn nhà. Bên cạnh chăm sóc cho cây nhanh lớn, giáo viên giáo dục các em học sinh về tầm quan trọng cũng như giá trị của loài cây này đối với đa dạng sinh học để các em nâng cao ý thức và chủ động chung tay bảo tồn. Từ đầu năm 2019 đến nay, BQL đã cấp phát hơn 200 cây hoàng đàn cho người có uy tín, cán bộ xã và giáo viên trên địa bàn xã. Qua kiểm tra cho thấy: đa số đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh Hoàng Văn Vàn, thôn Đoàn Kết, xã Hữu Liên cho biết: Gia đình tôi được BQL phát 2 cây cộng thêm 3 cây giâm hom tôi mua của người quen, hiện trong vườn nhà có 5 cây. Hiện nay, 5 cây này đều cao trên 50 cm, cây phát triển xanh tốt.

Hiện tại vườn ươm của BQL rừng đặc dụng Hữu Liên còn hơn 400 cây từ 3 – 4 năm tuổi. Thời gian tới, số cây này sẽ được phát cho các hộ gia đình trên địa bàn xã. Trong điều kiện loài hoàng đàn ngoài tự nhiên không còn nhiều thì việc nhân giống và đưa về các hộ gia đình chăm sóc, bảo vệ là lựa chọn tốt nhất để tăng số lượng cho loài cây quý hiếm này.

Hoàng Vương (Báo Lạng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem