Hoàng thái tử Vĩnh San là con thứ tám của hoàng đế Thành Thái, lên ngôi năm 7 tuổi, lấy niên hiệu Duy Tân – có ý nghĩa là “Bạn của sự đổi mới”, cùng hy vọng người Pháp có thể gây ảnh hưởng để nhà vua có thái độ thân thiện hơn với chế độ bảo hộ của họ. Thế nhưng, càng trưởng thành, Duy Tân càng bức xúc trước những hành vi ngang ngược của người Pháp.
“Nếu ông công nhận tôi là một vị hoàng đế trưởng thành, tôi không cần Hội đồng nhiếp chính. Tôi sẽ điều hành công việc đất nước ngang hàng với các nước khác, như nước Pháp”.
Hoàng đế Duy Tân đã tuyên bố như vậy khi Viên toàn quyền Đông Dương yêu cầu nhà vua xem lại hành động của mình và nhiều hay ít phải tỏ ra ăn năn hối hận về việc bí mật xuống chiếu kêu gọi chống thực dân Pháp.
Đó là một trong số rất nhiều phát ngôn đầy khí phách của ông vào thuở sinh thời.
Để kiểm soát hoàng đế Duy Tân, người Pháp lập Hội đồng nhiếp chính (gồm 6 đại thần), nhưng nằm dưới sự điều khiển của Khâm sứ Pháp.
Khi họ đào bới khắp nơi để tìm vàng, hoàng đế phản đối quyết liệt những hành động thô bạo đó và ra lệnh đóng cửa cung không tiếp ai. Toà Khâm sứ Pháp làm áp lực với nhà vua thì Duy Tân đe đọa sẽ tuyệt giao với các nhà đương cục ở Huế lúc bấy giờ.
Thậm chí, trước đó, có giai thoại rằng, mùa hè năm nào hoàng đế Duy Tân cũng ra nghỉ mát ở cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tĩnh, có bãi tắm bằng phẳng, cát trắng và mịn. Một hôm, hoàng đế từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, một thị vệ liền bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay, hoàng đế vừa rửa vừa hỏi: “Tay bẩn lấy nước mà rửa, nước bẩn lấy chi mà rửa?”.
Thị vệ lúng túng không trả lời được. Hoàng đế bèn đặt lại câu hỏi: “Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch?”. Thị vệ vẫn không trả lời được. Hoàng đế Duy Tân bèn nói: “Nước bẩn thì phải tìm cách trừ khử những chất ngoại lai lẫn vào trong đó, có hiểu không?”. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu khác, thì hoàng đế trả lời cho người thị vệ hiểu: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!”. Ở đây cho thấy, dù là câu trả lời nào thì hoàng đế Duy Tân đều tỏ rõ ý chí chống xăm lăng.
Sách Kể chuyện các vua Nguyễn viết: Khi bị giam ở Mang Cá, dù rất muốn duy trì thú vui đọc sách, tập thể dục, đánh đàn và nghe hòa nhạc… như thời trong cung, hoàng đế Duy Tân vẫn quyết không hạ mình, đòi Pháp một sự chiếu cố nào… Đến ngày ông sắp bị dẫn lên tàu để vào Nam, bắt đầu cuộc hành trình đi đày, một viên đại diện của Khâm sứ đến thăm và hỏi: “Nhà vua có một quỹ tiền riêng lưu trữ tại kho nội vụ. Ngài có cần lấy một ít để đi đường không?”.
Hoàng đế Duy Tân đáp: “Tiền đó để cấp cho ông vua cai trị nước Nam, chứ không phải là của tôi – một người tù. Hơn nữa, chính phủ bảo hộ không chu cấp nổi cho một người tù hay sao, mà còn phải lấy tiền mang theo. Tôi không cần có tiền riêng”.
Viên đại diện toà Khâm sứ thấy vua thèm đọc sách, bèn hỏi: “Ngài có một tủ sách quý giá đến mấy ngàn cuốn bằng Pháp văn. Ngài có muốn lấy một bộ nào đem theo đọc cho khuây khỏa không?”. Hoàng đế Duy Tân gật đầu nhận ngay và dặn thêm: “Sách tôi rất thích. Nhờ ông lấy giúp bộ Histoires de la Révolution Française (Lịch sử cách mạng Pháp) của Michelet, nhưng phải lấy cho trọn bộ.
Vị đại diện toà Khâm sứ nghe thế sợ quá, không dám về báo cáo lại với phía Pháp.
Theo sử sách, ngày 6/5/1916, hoàng đế Duy Tân bị thực dân Pháp bắt tại một ngôi chùa cạnh núi Ngũ Phong, đem về giam ở đồn Mang Cá, rồi đày ra đảo Rêuyniông (châu Phi). Khi nhận được tin nước nhà đã giành độc lập, cựu hoàng có ý định hồi hương, nhưng lại gặp nạn trong một vụ tai nạn máy bay ở xứ Banghi thuộc châu Phi ngày 26/12/1945.
Đến ngày 2/4/1987, hài cốt của cựu hoàng Duy Tân mới được đưa từ đảo Rêuyniông về Việt Nam, rồi đưa về Huế cải táng bên cạnh vua cha Thành Thái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.