Cho đến nay giới khoa học đã khẳng định được năm qua đời của Công chúa Ngọc Hân là 1799. Tất cả những ức thuyết gì đề cập đến Công chúa mà không khớp với thời điểm Công chúa mất vào năm 1799 đều không đúng. Công chúa có với vua Quang Trung 2 người con, 1 trai (Nguyễn Văn Đức), 1 gái là Nguyễn Thị Ngọc (theo Đỗ Bang), nhưng theo Phạm Văn Diêu (Lành Mạnh, số 2, 1.11.56, tr.2) là Nguyễn Thị Ngọc Bảo. Sau khi Công chúa mất, hai con của bà vẫn ở Huế hay đi đâu chưa xác định được. Đến mùa hè năm 1801, ông Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) lấy lại Phú Xuân trong tay nhà Tây Sơn, tất cả những người thân của gia đình vua Quang Trung và vua Quang Toản không chạy kịp đều rơi vào tay quân Nguyễn Ánh. Barizy – một sĩ quan người Pháp theo chân Nguyễn Ánh vào Phú Xuân ngay từ ngày đầu của cuộc thắng thế ở Huế, trong thư viết ngày 16/7/1801, Barizy cho biết:
“Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (tức Quang Trung). Tôi đến đó, họ ở trong một căn phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả 5 công chúa: 1 cô 16 tuổi, theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà công chúa Bắc Kỳ (tức Ngọc Hân), em này cũng coi được. Còn 3 cô nữa từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có 1 em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Bắc Kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương.” (1).
Giả thuyết rằng Barizy viết đúng vào tháng 7 năm 1801 thì những người thân của các vua Nguyễn Tây Sơn đã bị giam cho đến tháng 11, rồi tất cả những người bị bắt ấy đều bị giết như Đại Nam Thực lục Chính biên – bộ biên niên sử của triều Nguyễn đã viết:
Năm Tân dậu (1801), tháng 11: “Phá hủy mộ giặc Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu của giặc 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây” (2).
Nếu chúng ta tin Barizy viết đúng và chưa tìm được một tài liệu nào chứng tỏ hai người con của Công chúa Bắc Kỳ đã vượt ngục hay được Nguyễn Ánh ân xá thì ta phải tin là hai người con của Công chúa Ngọc Hân đã chịu chung số phận trong số “31 người đều bị lăng trì cắt nát thây” như Thực lục đã viết.
Sau cuộc trả thù đó một năm, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là Gia Long và làm, ông lại thực hiện một cuộc giết chóc kinh khủng thứ hai nữa. Trong chiếu ra vào tháng 11 Nhâm tuất (1802) đề cập đến lễ Hiến phù (dâng những người bắt được trong chiến tranh) vua Gia Long cho biết: “Ngày 7 tháng 11 năm Nhâm tuất (1802) yết tế Thái Miếu, làm lễ hiến phù, bọn Nguyễn Quang Toản và ngụy thái tể Quang Huy, Nguyên súy Quang Thiệu, đốc trấn Quang Bàn, thiếu phó Trần Quang Diệu, tư đồ Võ Văn Dũng, tư mã Nguyễn Văn Tứ; đổng lý Nguyễn Văn Thận, đô ngu Nguyễn Văn Giáp, thống tướng Lê Văn Hưng, cùng với bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng…” (3)
Trong danh sách tử tội bị hành hình lần thứ hai này không hề thấy có tên Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Ngọc (Bảo). Điều đó củng cố thêm ý tưởng hai người con của Công chúa Ngọc Hân đã chết hồi tháng 11 năm trước rồi (tức năm 1801).
Theo Barizy thì hai người con của Công chúa Ngọc Hân đã sa vào tay Nguyễn Ánh. Nhưng theo tài liệu của nhà Nguyễn thì không hề thấy một tư liệu nào chứng tỏ điều đó. Mà theo sử nhà Nguyễn thì hai người đó đã “chết non cả”. Chết ở đâu, lúc nào, vì sao thì chưa ai khám phá ra được. Xin đọc đoạn Thực lục sau đây của nhà Nguyễn viết về thời Thiệu Trị:
Nhâm dần, Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), mùa Thu, tháng 7: “Tỉnh Bắc-ninh có dân xã Phù-ninh ngầm thờ ngụy quỉ. Việc bị phát giác. Vua sai hủy bỏ đền thờ.
(Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền, làm cung nhân của vua Lê Hiển tông, có người con gái là (tr.183) Ngọc Hân, sau gả cho ngụy (Nguyễn) Huệ sinh được 1 trai, 1 gái. Ngọc Hân chết, trai gái cũng chết non cả. Khoảng đầu năm Gia-long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú-xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù-ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả dối, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Tới đây, việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy đi) (4).
Đọc kỹ đoạn trích nầy ta thấy:
Đô đốc Hài là một tướng của Tây Sơn mà không bị Nguyễn Ánh bắt và có thể bí mật dời hài cốt của mẹ con Công chúa Ngọc Hân về chôn cất ở xã Phù Ninh. Chứng tỏ việc dời đó chỉ có thể diễn ra trước khi Nguyễn Ánh làm chủ được ở Phú Xuân tức phải trước tháng 6/1801;
Các con bà Công chúa Ngọc Hân phải chết trước khi Nguyễn Ánh về lại Phú Xuân (6/1801) thì mới có hài cốt để cho đô đốc Hài mang về Phù-ninh;
Thông tin dẫn trong đoạn trích trên có độ tin cậy cao, bởi vì: Đô đốc Hài làm một việc thiêng liêng, khó khăn và đầy nguy hiểm như thế không thể dời mộ sai, bà Nguyễn Thị Huyền không thể dựng bia đắp mộ cho những người không phải thân thuộc của mình; vua quan nhà Nguyễn thời Thiệu Trị không thể làm một việc thất nhân tâm đến thế mà lại làm sai đối tượng!
Công chúa Ngọc Hân và hai người con của bà đã chết trước khi Nguyễn Ánh trở lại và làm chủ được Phú Xuân là khớp với toàn bộ những sử liệu của triều Nguyễn viết về sự kiện này.
Nếu chưa tìm ra được những tư liệu gì xác đáng hơn để có thể bác bỏ được những tư liệu trên thì ta có thể tin là nếu hai người con của Công chúa Ngọc Hân không chết trước khi Nguyễn Ánh về Phú Xuân (6/1801) thì cũng phải chết trong các cuộc trả thù của Nguyễn Ánh vào tháng 11 Tân dậu (1801) và tháng 11 Nhâm tuất (1802). Tức là Hoàng tử Nguyễn Văn Đức và Công chúa Nguyễn Thị Ngọc (Bảo) không còn ở trên cõi đời cho tới cuối năm 1802.
Thế nhưng Tiến sĩ Đỗ Bang – môt chuyên gia về Phong trào Tây Sơn, lại đưa ra một thuyết mới. TS cho rằng mãi đến năm 1831 (sau 30 năm) Hoàng tử Nguyễn Văn Đức – con của Công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung, mới bị quan quân của vua Minh Mệnh bắt và “chém ngang lưng”. Thuyết mới của TS Đỗ Bang được trình bày như sau:
“Theo Đại Nam chính biên liệt truyện (Q.30 tờ 55b) vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831) quan quân nhà Nguyễn vẫn tiếp tục truy tầm hậu duệ của Tây Sơn, bắt được Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lương và Nguyễn Văn Đâu (5). Đâu là con của Đức tất cả đều bị xử “chém ngang lưng”, liệt truyện ghi là 3 người trên đều là con và cháu của Nguyễn Nhạc cả.
Nếu liệt truyện, chép nhầm Nguyễn Văn Đức là con của Nguyễn Nhạc, và cũng không có lý khi lấy niên hiệu của cha là Thái Đức lại đặt tên cho con là Đức, thì Nguyễn Văn Đức bị bắt vào năm 1831 chính là Hoàng tử của Quang Trung Hoàng đế, con của Hoàng hậu Ngọc Hân, năm bị bắt đã gần 45 tuổi…”.
Đoạn trên trích nguyên văn từ sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung của Đỗ Bang, Sở VHTT Bình Trị Thiên, Huế 1988, tr. 54-55. Cũng theo cách lý giải ấy, mới đây trong Lễ kỷ niệm 200 năm mất của Công chúa Ngọc Hân tổ chức vào ngày 4.12.1999 tại Đại học Huế, trong bài nghiên cứuLê Ngọc Hân, thời đại và sự nghiệp,Ts Đỗ Bang, sau khi dẫn đoạn sử trong Liệt truyện, ông kết luận:”Nguyễn Văn Đức ở đây chính là Hoàng tử con vua Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân mà Barizy gặp ở Huế năm 1801 (NĐX nhấn mạnh), lúc đó Đức chừng 12 tuổi (vì không thể Nguyễn Nhạc đặt tên cho con là Đức khi đã đặt niên hiệu của mình là Thái Đức (NĐX nhấn mạnh). Năm 1831, bị xử chém ngang lưng, lúc đó Nguyễn Văn Đức đã ngoài 40 tuổi. Đây là thông tin cuối cùng hậu duệ của triều Tây Sơn được sử sách triều Nguyễn ghi lại (NĐX nhấn mạnh).” (6)
Hai đoạn trích trên Ts Đỗ Bang viết cách nhau trên 10 năm (1988-1999), nhưng nội dung không khác nhau bao nhiêu, nó đã đặt ra một số vấn đề hết sức quan trọng về cả hai mặt phương pháp sử và thông tin lịch sử. Tôi xin nêu mấy vấn đề thuộc thông tin lịch sử:
TS Đỗ Bang viết: Không thể có chuyện “Nguyễn Nhạc đặt tên cho con là Đức khi đã đặt niên hiệu của mình là Thái Đức”. Có thể như thế, triều Nguyễn có qui định ấy. Nhưng cho đến nay giới sử học chưa hề tìm thấy một văn bản pháp qui nào của triều Tây Sơn đề cập đến vấn đề cấm kỵ đó. Có thể có những việc triều Lê trước đây, triều Nguyễn sau nầy cấm kỵ, nhưng triều Tây Sơn chưa kịp làm thì sao? TS Đỗ Bang có thể đặt một nghi vấn ở đây chứ không thể khẳng định là Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép nhầm con Nguyễn Huệ thành con Nguyễn Nhạc khi chưa có tài liệu chứng minh là nhầm. Lý luận như vậy là tùy tiện suy diễn. Mà trong khoa học lịch sử thì không cho phép suy diễn. Sau khi trình bày việc “Nguyễn Văn Đức bị chém ngang lưng” vào năm Minh Mạng thứ 2 (1831), TS Đỗ Bang kết luận “Đây là thông tin cuối cùng hậu duệ của triều Tây Sơn được sử sách triều Nguyễn ghi lại” (7). Kết luận như thế là mâu thuẫn với chính ông. Trong sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, tr.55, ông Đỗ Bang đã trích Đại Nam thực lục Đệ tam kỷ Thiệu Trị thứ hai (1842) về chuyện đô đốc Hài bí mật đem hài cốt mẹ con Công chúa Ngọc Hân về làng Phù Ninh. Sự kiện xảy ra dưới thời Thiệu Trị sau sự kiện xảy ra dưới thời Minh Mạng đến 11 (1831-1842) năm mới gọi là cuối cùng chứ?
Nếu chấp nhận kết luận của TS Đỗ Bang: Đại Nam Liệt truyện viết nhầm, Nguyễn Văn Đức bị bắt và bị chém ngang lưng vào năm Minh Mạng 12 (1831) chính là con của Hoàng hậu Ngọc Hân với Hoàng đế Quang Trung thì sẽ có những vấn đề phát sinh phải giải quyết như sau:
Theo Barizy thì hai người con của Hoàng hậu Ngọc Hân và vua Quang Trung đã bị bắt ngay khi Nguyễn Ánh mới làm chủ được Phú Xuân (6/1801), hai người đó làm sao có thể thoát được ngục tù và tội tử hình của Nguyễn Ánh dành cho họ? Hay Barizy đã phịa ra chuyện này chứ thực sự hai người ấy đã xa chạy cao bay trước khi Nguyễn Ánh về Phú Xuân rồi? Tài liệu nào có thể bác bỏ được thông tin của Barizy?
Hai người con vua Quang Trung quan trọng đến như thế mà có thể chạy thoát được, Nguyễn Ánh không truy nã sao? Có thông tin nào nói đến chuyện truy nã hai người con của bà Ngọc Hân và vua Quang Trung không?
Người con trai (Nguyễn Văn Đức) trốn được và sống đến trên 40 tuổi, còn người con gái (Nguyễn Thị Ngọc) thì đi đâu? Hai người xa nhau lúc nào? Nguyễn Thị Ngọc chết lúc nào? Theo lô-gích, sau khi bắt giết được Đức, vua Minh Mệnh phải cho người đi truy tìm Ngọc, có tài liệu nào chứng tỏ điều đó không?
Như vậy đô đốc Hài chỉ đem được hài cốt của Ngọc Hân về Phù Ninh, không có chuyện đem hài cốt các người con của bà về, như vậy đoạn Thực lục viết về sự kiện ấy cũng sai nốt? Chứng cớ nào nói đoạn Thực lục đó chép sai?
Việc các con của bà Ngọc Hân và vua Quang Trung chết lúc nào không phải là một việc đơn lẻ mà nó là một phần nằm trong cái toàn bộ các sự kiện lịch sử mà các sử thần triều Nguyễn đã dành cho việc nhà Nguyễn trả thù Phong trào Tây Sơn. Sự kiện gì không khớp với cái toàn thể đó mới có thể gọi là nhầm. Nếu không thì một là đúng hai là nhầm hết. Việc Liệt truyện chép Nguyễn Văn Đức là con của Nguyễn Nhạc không có gì không khớp với các sự kiện khác trong Liệt truyện cũng như trong Thực lục và các bộ sử khác. Vì vậy, cho đến khi nào TS Đỗ Bang chưa giải quyết được 4 phát sinh nêu trên thì khó có thể đồng ý với kết luận sau của ông “Đại Nam Liệt truyện viết nhầm, Nguyễn Văn Đức bị quan quân nhà Nguyễn chém ngang lưng năm 1831 là con trai của bà Ngọc Hân và vua Quang Trung”.
Khi phê phán những người viết sử làm sai lạc lịch sử, người ta hay dẫn câu nói của nhà văn Pháp J.B.Bossuet (1627-1704) rằng: “Từ ngày có những nhà viết sử thì không còn sử nữa” (Depuis qu’ il y a des historiens, il n’ y a plus d’ histoire). Bước vào thiên niên kỷ mới chúng ta phải phấn đấu để đừng bao giờ còn phải nghe câu nói xưa cũ ấy nữa.
Gác Thọ Lộc, một ngày cuối đông 1999
N.Đ.X.
(134/04-00)
——————————-
Chú thích:
(1) Trích lại của Đỗ Bang, Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, Sở VHTT Bình Trị Thiên, Huế 1988, tr.51. Đỗ Bang không cho biết đã đọc được bản gốc ở đâu hay trích lại của ai nên không kiểm chứng được. Do đó hai người con của Công chúa bắc Kỳ (Ngọc Hân) đều ở tuổi 12;
(2) Đại Nam Thực lục Chính biên, bản dịch, tập II, Nxb Sử học, Hà Nội 1963, tr. 451
(3) Đại Nam Thực lục Chính biên, bản dịch, tập III, Nxb Sử học, Hà Nội 1963, tr. 87
(4) Đại Nam Thực lục Chính biên, bản dịch, tập XIV, Nxb Khoa học, Hà Nội 1971, tr.183-184;
(5) Phần viết về các nhân vật chủ chốt của Phong trào Tây Sơn trong bộ Đại Nam liệt truyện đã được dịch và in nhiều nơi, bản dịch mới nhất do Thuận Hoá xuất bản năm 1993. Nhưng Tiến sĩ Đỗ Bang không dẫn chứng bản dịch mà dùng bản gốc chữ Hán tại Quyển 30, tờ 55b. Nhưng tôi tra trong bản chính thì thấy tên 3 người con và cháu của Nguyễn Nhạc đều không chép họ Nguyễn như Đỗ Bang dẫn (Xem phụ bản đính kèm).
(6) PTS Đỗ Bang, Lê Ngọc Hân, Thời đại và sự nghiệp, bản vi tính, tr.7;.
(7) PTS Đỗ Bang trích sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Q.30 tờ 55b) soạn xong và in vào năm 1899 và có lẽ thấy như thế nên PTS Đỗ Bang cho là mới nhất. Sự thật các nhà soạn Liệt truyện (Nguyễn Trọng Hợp và Bùi Ân Niên chủ trì) cũng lấy tư liệu từ Thực Lục (Đệ nhị kỷ) thời Minh Mạng. Tôi xin sao lai sau đây để dẫn chứng:
Minh Mệnh thứ 2 (1831), mùa hạ: “Lại sai đình thần xét lại án của dòng dõi ngụy là Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Đâu, đều chém ngang lưng, ném thây xuống bể, thân thuộc và con gái của ngụy cùng con của đồng đảng ngụy là Trần Quang Tồn (con ngụy thiếu phó Trần Quang Diệu), kẻ phạm tội chứa chấp ngụy là Nguyễn Văn Thể cộng 15 tên, đều trảm quyết.
Những thân thuộc của ngụy còn nhỏ tuổi và Lê Thiện Anh khinh thường thả dòng dõi ngụy, Trần Văn Tha tri tình mà cố ý tha, cộng 14 tên phạm đều phải án chém nhưng được giam đợi lệnh. Lại phát vãng làm quân, làm nô lệ, và bị tội đồ, tội lưu tất cả hơn 40 tên phạm. Còn bao nhiêu đều tha”.(Đại Nam Thực lục Chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển LXXIII, Bản dịch, tập X, Nxb Khoa học, Hà Nội 1964, tr.258-259)
Và đoạn Liệt truyện trích trên theo bản dịch của Thuận Hoá như sau: “Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) bắt được con Nhạc là Văn Đức, Văn Lương, cháu là Văn Đâu (con Văn Đức) đều đem chém ngang lưng. Bấy giờ dòng giống Tây Sơn không còn sót một người nào nữa”. (Bản dịch Đại Nam Liệt truyện, tập 2, Nxb Thuận Hoá, Huế 1993, tr. 539)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.