Hoàng Phùng Cơ: Vị tướng… số nhọ nhất sử Việt, ra trận là thua
Hoàng Phùng Cơ: Vị tướng… số nhọ nhất sử Việt, ra trận là thua
Nhật Quang
Thứ bảy, ngày 20/08/2022 18:31 PM (GMT+7)
Lịch sử nước Nam ta có thể tự hào về vua Quang Trung với thành tích bất bại, trăm trận trăm thắng, thì ở một thời điểm gần đó, cũng có một danh tướng đáng tự hào không kém đó là Quận Thạc Hoàng Phùng Cơ, với biệt danh Bất Thắng Chiến Tướng, cả đời cầm quân toàn… thất bại, chưa có nổi một lần chiến thắng.
Hoàng Phùng Cơ vốn xuất thân từ phường lục lâm thảo khấu, theo quận He Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa chống chúa Trịnh. Tháng 3 năm 1746, Nguyễn Hữu Cầu bị Phạm Đình Trọng đánh bại nhiều lần, thế lực suy yếu, bèn xin đầu hàng. Trịnh Doanh thuận cho, hạ lệnh Hữu Cầu cùng Hoàng Phùng Cơ đều được phép rửa hết tội trước, ban cho chức tước. Nhưng tướng Phạm Đình Trọng có thâm thù kiên quyết ngăn trở việc quận He về hàng. Vì vậy Hữu Cầu và Hoàng Phùng Cơ mang quân chạy trốn.
Năm 1751, Nguyễn Hữu Cầu bị bắt và xử tử, Hoàng Phùng Cơ đầu hàng được chúa Trịnh Doanh thu dùng cho làm tướng.
2. Bị Nguyễn Nhạc đánh bại
Hoàng Phùng Cơ theo quận Việp vào đánh Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần vượt biển chạy trốn vào Gia Định, cùng lúc đó thì Nguyễn Nhạc mang quân theo hai hướng thủy - bộ ra đánh Quảng Nam. Hoàng Ngũ Phúc sai Hoàng Đình Thể và Hoàng Phùng Cơ ra trận đối chiến, Nguyễn Nhạc cùng Tập Đình và Lý Tài, chia 5 đường đón đánh, Hoàng Đình Thể cùng Hoàng Phùng Cơ trúng phục binh, quân chết quá nửa. Sau cùng Hoàng Ngũ Phúc phải mang quân vào thân chinh "dọn dẹp", Nguyễn Nhạc với Tập Đình bị thua, phải bỏ chạy, xin hàng quân Trịnh. Sau trận này, quân Trịnh bị dính dịch bệnh thổ tả, Hoàng Ngũ Phúc bị bệnh chết, Hoàng Phùng Cơ trở về được chúa Trịnh phong làm quận Thạc, cho trấn thủ Sơn Tây, dù thành tích chiến trận be bét.
3. Bị Nguyễn Huệ đánh bại
Quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long, do các tướng Trịnh lơ là, tinh thần chiến đấu bạc nhược nên nhanh chóng bị bại trận và mất Thanh Hóa, Nghệ An và Sơn Nam. Nghe theo lời Nguyễn Lệ, Trịnh Khải triệu Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Tây về, sai làm tiền bộ. Lúc đó Phùng Cơ chỉ có 500 quân, cùng 8 người con dẫn quân lính bản bộ đến. Trịnh Khải giúp cho Hoàng Phùng Cơ 5000 lạng bạc mộ được hơn 1000 quân lính cũ. Ông dàn quân đóng ở hồ Vạn Xuân cùng chúa Trịnh phòng thủ cho kinh thành.
Sáng ngày 21 tháng 7, quân Tây Sơn tiến đến. Cánh quân Trịnh phòng thủ Thúy Ái nhanh chóng bị tiêu diệt. Quân Tây Sơn tiến tới hồ Vạn Xuân. Toán quân của Hoàng Phùng Cơ không kịp dàn thành hàng ngũ, bỏ chạy tan vỡ tứ tung. Thuộc tướng là Mai Thế Pháp bị quân Tây Sơn vây sát, nhảy xuống sông; chỉ còn một mình Phùng Cơ cùng 8 người con dẫn vài chục thủ hạ cố sức chiến đấu. Thủ hạ và 6 người con đều bị tử trận, Hoàng Phùng Cơ cùng 2 người con còn lại cướp lấy đường máu mà chạy về Sơn Tây. Chúa Trịnh Khải bị bắt và tự sát.
4. Bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh bại
Sau khi lấy danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh đánh ra bắc diệt chúa Trịnh, Tây Sơn rút về nam, để lại ngôi báu cho Lê Chiêu Thống, tuy nhiên Lê Chiêu Thống không khống chế được tình hình Bắc Hà, đám tàn dư họ Trịnh là Đinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng Tế lại âm mưu lập Trịnh Bồng làm chúa, thực thi chính sách vua Lê- chúa Trịnh đồng tọa chính như trước. Lê Chiêu Thống bất đắc dĩ phải chấp thuận.
Hoàng Phùng Cơ hưởng ứng Đinh Tích Nhưỡng, bèn mang quân từ Sơn Tây kéo về Thăng Long. Nhận lời Tích Nhưỡng, ông cùng các quan văn võ vào cung vua Lê tâu xin giao quyền cho chúa Trịnh. Lê Chiêu Thống không bằng lòng, nhưng vì cô thế nên bất đắc dĩ phải đồng ý. Chúa Trịnh Bồng bèn phong ông làm làm Trung quân tả đô đốc chưởng phủ sự, Đinh Tích Nhưỡng làm đông quân hữu đô đốc thự phủ sự.
Lê Chiêu Thống bị mất quyền vào tay họ Trịnh thì ức chế lắm, bèn vời Nguyễn Hữu Chỉnh đang trấn thủ Nghệ An ra Bắc Hà đánh dẹp đám tàn dư họ Trịnh. Nguyễn Hữu Chỉnh xuất quân đánh cho đám kia tan tác chim muông, Dương Trọng Tế bỏ chạy lên Kinh Bắc, Đinh Tích Nhưỡng chạy đi Hải Dương lấy cớ mộ quân. Hoàng Phùng Cơ cô thế, thấy Nguyễn Hữu Chỉnh mạnh mẽ liệu không chống nổi, bèn rút về Sơn Tây.
Nguyễn Hữu Chỉnh mặc dù có công cứu giá vua Lê nhưng ngày càng chuyên quyền hống hách, không coi vua ra gì, đám Hoàng Phùng Cơ - Đinh Tích Nhưỡng vì thế lại xuất quân lấy danh nghĩa phù Lê diệt Chỉnh.
Hoàng Phùng Cơ giao chiến với tướng của Nguyễn Hữu Chỉnh là Nguyễn Duật. Duật thua trận, kéo quân rút lui. Con Phùng Cơ là Hoàng Gia khuyên ông nên nhân đà thắng lợi, ruổi thẳng đến kinh thành; nhưng ông không nghe theo, cho rằng việc bắt Hữu Chỉnh rất dễ dàng.
Nguyễn Duật chạy được nửa đường, ngoái nhìn không thấy quân Phùng Cơ đuổi theo, liền thu quân, dàn thành trận thế quay trở lại đánh. Quân Phùng Cơ đang ăn, không kịp trở tay, đã tan chạy. Hoàng Phùng Cơ cùng con trai trơ trọi trên mình voi, cố sức chiến đấu, bị quân của Duật bao vây khắp bốn mặt. Đúng lúc đó Nguyễn Hữu Chỉnh lại mang quân ập đến, thúc quân Thiết đột bắn tập trung vào Hoàng Phùng Cơ.
Ông bị ngã từ trên bành voi nhào xuống, bị quân Hữu Chỉnh bắt và điệu về kinh đô. Nguyễn Hữu Chỉnh sai luận tội ông phải xử chém. Khi sắp đem chém, Lê Chiêu Thống cho rằng năm trước khi cung vua bị Nguyễn Mậu Nễ vây đánh, Hoàng Phùng Cơ đã có công đánh lui Mậu Nễ, vì vậy nên cho Phùng Cơ được xử bằng thuốc độc. Hoàng Phùng Cơ bèn uống thuốc độc tự vẫn, kết thúc một cuộc đời "oanh liệt", trăm trận trăm bại.
Chương 8 Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép:
Lúc quận Thạc mới bị giải vào thành, nhân dân kinh đô xúm lại xem. Quận Thạc nói:
• Ta là tên tướng già Hoàng Phùng Cơ đây. Cha con một nhà đã có sáu người chết vì việc nước. Phải, trái đã có công luận. Thành, bại là bởi lòng trời. Ta không giết được Nguyễn Hữu Chỉnh, thế nào Tây Sơn cũng sẽ giết hắn. Đạo trời báo ứng không bao giờ sai; chỉ tiếc rằng ta không kịp trông thấy mà thôi.
Sau khi quận Thạc chết, thi hài được đem về chôn ở Sơn Tây, quân và dân ai cũng chảy nước mắt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.