Nguyễn Nhạc và những mẹo thu phục nhân tâm khiến hậu thế khâm phục

Đông Quách Tiên Sinh (theo Di tích và truyền thuyết về nhà Tây Sơn) Thứ tư, ngày 17/08/2022 16:32 PM (GMT+7)
Thi sĩ Quách Tấn đã ghi chép rất cẩn trọng những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian ở vùng đất Tây Sơn (nơi Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ sinh trưởng). Trong đó có nhiều câu chuyện chưa từng được đề cập trong các sách sử khác.
Bình luận 0

1.  Thu phục người dân:

Vùng đất Tây Sơn xưa kia vốn núi rừng rậm rạp, chuyện thần linh quỷ dữ lan tràn khắp đó đây. Để quy tụ lòng dân, Nguyễn Nhạc bèn lợi dụng óc mê tín của quần chúng.

Hòn Trung Sơn ở Phú Lạc tuy ở gần thôn xóm nhưng ít ai dám lên vì sợ "Mả mẹ chàng Lía". Biết được điều đó, thỉnh thoảng, Nguyễn Nhạc cho người tâm phúc lên núi, nửa đêm nổi trống nổi chiêng. Người quanh vùng cho rằng hồn chàng Lía về cúng mẹ, người lại bảo đó là quỷ thần mở hội vui. Kẻ bàn người tán, không mấy lúc tiếng bay tận ngàn xa, một thành mười, mười thành trăm. Hòn Trung Sơn từ xưa đã có tiếng, nay càng thêm nổi tiếng.

Nguyễn Nhạc và những mẹo thu phục nhân tâm khiến hậu thế khâm phục - Ảnh 1.

Chân dung Nguyễn Nhạc.

Một hôm, nhà Nguyễn Nhạc có giỗ. Khách khứa tới đông đúc. Cỗ bàn vừa ăn xong thì trời đã khuya. Những người ở xa đều phải nghỉ lại, còn người quanh xóm thì lục đục ra về. Bỗng trên Trung Sơn, tiếng trống tiếng chiêng vang dội, trong bóng cây trên đỉnh thấy ánh lửa lập loè. Ai nấy đều kinh sợ. Nguyễn Nhạc rủ người lên xem thử quỷ thần đang làm trò gì. Phần đông đều e ngại. Chỉ bốn, năm tay lực sỹ xin theo.

Chỉnh tề gọn gàng, tay trường kiếm, đoàn người lần bước lên đỉnh Trung Sơn. Khi gần đến đỉnh, trong ánh lửa mập mờ hiện ra một ông lão râu tóc bạc phơ, mình khoác áo đại bào, chân đi hia,... bộ dạng giống hệt một ông tiên trong các vở tuồng hát bội ngày nay. Ai nấy đều ớn lạnh vì sợ, dù không ai bảo ai, mọi người đều dừng lại một lượt. Ông lão cất tiếng bảo: "Trong tụi bay có ai là Nguyễn Nhạc không? Nếu có thì hãy lại gần đây nghe lệnh. Còn những người khác hãy đứng yên". Nguyễn Nhạc run rợ bước ra, đến quỳ trước mặt ông lão. Ông lão phất tay áo, lấy ra một tờ chiếu rồi đọc lớn: "Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc làm Quốc vương". Đoạn trao tờ chiếu cho Nhạc, rồi đi vào trong bóng tối.

Từ ấy tiếng đồn vang xa, và ngôi Quốc Vương của Nguyễn Nhạc bắt đầu xuất hiện trong tâm trí của người dân Tây Sơn. Trong đám sỹ phu, trừ cụ giáo Hiến, không mấy ai biết đó là kế của Nhạc cả.

Chưa lấy làm đủ, Nguyễn Nhạc còn tìm một thanh bảo kiếm và cho đúc một quả ấn vàng, rồi đem giấu cả hai trong vùng núi Trịnh Tường. Một hôm cùng bộ hạ ở An Khê về, đến Hoành Sơn thì ngựa Nguyễn Nhạc lồng lên rồi thẳng cổ chạy nước đại. Đến chân núi phía trong Gò Sặt, cương ngựa bị đứt, Nguyễn Nhạc té nhào, trặc chân không đứng dậy nổi. Đám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới đỡ. Khi đứng dậy để lên ngựa trở về, Nguyễn Nhạc thấy có chuỗi kiếm lộ ra nơi vách đá trên sườn núi và sai người lên lấy, hoá ra là một thanh bảo kiếm. Ai nấy đều mừng cho rằng của trời ban.

Về nhà, Nguyễn Nhạc nói cùng hai em và thuộc hạ: "Ngọc Hoàng đã sắc phong ta làm Quốc Vương, lẽ tất nhiêu là phải ban ấn kiếm. Nay kiếm đã có rồi, ta phải đi tìm ấn". Đoạn tổ chức ngày lễ cầu đảo tại chân núi Hoành Sơn. Cầu đảo ba đêm liền. Vừa làm lễ, Nguyễn Nhạc vừa cho người đi tìm ấn khắp nơi. Đã hai ngày liền, hàng trăm người chia nhau đi khắp các núi khe quanh Hoành Sơn, mà không có kết quả.

Đến đêm thứ ba, khi chiêng trống hành lễ vừa đứt thì một vòi lửa như pháo thăng thiên bay xẹt từ Hòn Một đến Hòn Giải thì rơi xuống. Tiếp đó là một tiếng nổ nhỏ như tiếng pháo tre, rồi một tiếng nổ lớn có phần dữ dội làm chấn động cả vùng. Ai nấy đều thất kinh. Sáng sớm, Nguyễn Nhạc đem người đến Hòn Giải xem, thì thấy sườn phía Nam có một vùng như bị sét đánh lở vậy. Trèo lên xem thì có một quả Ấn vàng nằm trong kẽ đá tại nơi bị lở. Ai nấy đều tin là ấn trời ban.

Việc được kiếm, ấn vàng và trước đó được Ngọc Hoàng ban sắc phong vương, làm cho thiên hạ tin chắc rằng Nguyễn Nhạc quả có chân mệnh thiên tử.

2. Thu phục người Thượng Xà Đàng:

Nhà Tây Sơn trước khi khởi nghiệp đã dùng dãy núi Tây Sơn làm căn cứ quân sự. Và đạo quân tiên phong gồm hầu hết người Thượng cả. Dù tất cả các bộ lạc ở vùng Tây Sơn đều theo tam kiệt. Duy chỉ có người Thượng Xà Đàng ở vùng An Khê là không phục.

Để cho họ tin rằng mình là người của Trời sai xuống trị thiên hạ, Nguyễn Nhạc dùng giỏ bội gánh nước. Ông lấy một đôi giỏ bội mới, rồi quét dầu vào phía trong lòng giỏ. Mỗi buổi sớm Nguyễn Nhạc gánh đôi giỏ xuống khe múc nước về. Người Thượng đứng xa trông thấy nước không chảy ra các lỗ giỏ, đều cho ông là kỳ nhân. Nhưng người chúa của họ lại cho rằng đó là phù phép, chứ không phải chân mạng đế vương.

Nhân trên núi Hiền Hách có bầy ngựa rừng, hễ thấy bóng người liền chạy trốn. Người chúa bảo Nguyễn Nhạc nếu gọi được bầy ngựa ấy chạy đến thì mới thật là người Trời. Nguyễn Nhạc về nhà mua một con ngựa cái tơ thật tốt, dạy dỗ thật khôn, hễ cứ nghe tiếng hú thì chạy đến. Đoạn đem thả ngựa vào núi cho theo bầy ngựa rừng. Ngựa rừng xúm lại ve vãn nó. Nguyễn Nhạc cất tiếng hú, ngựa cái liền chạy đến. Bầy ngựa rừng cũng chạy theo, nhưng vừa thấy bóng người thì quay trở lui. Song chạy một đoạn ra xa, ngoảnh lại trông, thấy ngựa cái vẫn đứng với người một cách thân mật thì chúng dừng lại đứng ngó. Nguyễn Nhạc lấy bó cỏ cho ngựa cái ăn, rồi bỏ ra về. Bầy ngựa rừng liền kéo đến ăn cỏ. Hôm sau ông lại đến hú và lấy cỏ cho ngựa ăn. Bầy ngựa rừng thấy người không có ý làm hại giống nòi, lần lần làm quen.

Nguyễn Nhạc bèn đến tìm chúa Xà Đàng, hẹn ngày và nơi gọi ngựa. Đến kỳ hẹn, ông cùng chúa Xà Đàng và một ít bộ hạ đến núi Hiền Hách. Nguyễn Nhạc đứng giữa hai tảng đá dựng cao hơn đầu người, và bảo chúa Xà Đàng cùng bộ hạ núp phía sau, im hơi lặng tiếng mà quan sát. Đoạn cất tiếng hú. Nghe tiếng chủ hú, ngựa cái từ trong rừng sâu chạy ra. Bầy ngựa rừng chạy theo sau. Nguyễn Nhạc lấy cỏ cho ăn. Đã quen người quen lệ, bầy ngựa rừng không chút sợ hãi. Nguyễn Nhạc vuốt ve ngựa cái rồi từ từ đến gần bầy ngựa, vuốt lưng hết con này đến con khác. Người Thượng Xà Đàng thấy Nguyễn Nhạc gọi được bầy ngựa rừng thì tin rằng là người Trời, họ mới chịu thần phục và đi theo đánh giặc.

Mả mẹ chàng Lía là gì?

Trên đỉnh hòn Sung có 1 vùng đá hình chữ nhật, bằng phẳng, bên cạnh có hai tảng đá vuông vức chồng lên nhau. Người ta bảo đó là "Mả mẹ chàng Lía". Truyền rằng mẹ chàng Lía lâm chung tại hòn Chớp Vàng thôn Phú Phong. Lía muốn đưa hài cốt đến táng nơi hòn Sung, cách đến 5 cây số về hướng Bắc. Nhưng chàng vẫn liều mình trèo lên đỉnh núi, đầu đội quan tài mẹ, 1 tay vịn, 1 tay nắm chiếc mâm đồng ngắm phía hòn Sung mà vút mạnh. Chiếc mâm vụt bay. Lía liền nhảy theo đứng trên mâm, rồi lấy thế nhảy vọt đến hòn Sung. An táng mẹ xong, Lía rinh đá khối xây mộ, và chồng hai tảng đá bên mồ để ngòi khóc mẹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem