Ngôi làng của ký ứcChủ nhân của Khu du lịch Vực Quành tại xã Nghĩa Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) là ông Nguyễn Xuân Liên, một người Hà Nội. Năm 2003, nghỉ hưu, ông Liên đã bán căn nhà ở Hà Nội để vào Quảng Bình đầu tư Khu du lịch Vực Quành. Việc làm của ông Liên bắt đầu bằng kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu và làm việc tại Quảng Bình.
Hình ảnh ông Nguyễn Xuân Liên giới thiệu với du khách bây giờ đã không còn hiện diện ở Vực Quành (ảnh chụp năm 2009).
Ông Liên kể, năm 1961, tròn 21 tuổi, ông vào công tác tại ngành y tế của Quảng Bình. 10 năm sống và làm việc nơi đây, trong ông hình thành một tình yêu tha thiết mảnh đất tuyến lửa này. Đầu tư xây dựng Khu du lịch văn hoá lịch sử Vực Quành, ông Liên muốn tái hiện lại một quá khứ hào hùng trên mảnh đất đã cưu mang, đùm bọc ông.
Còn nhớ, ngày đó cánh phóng viên chúng tôi đã chứng kiến cảnh một mình ông Liên lặn lội thực hiện ước nguyện. Để mua được mảnh đất ưng ý ở Vực Quành, ông phải thương lượng với nhiều chủ đất, trả giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Rồi cũng chỉ một mình ông lặng lẽ đặt nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng cả một khu du lịch.
Những ngôi nhà tái hiện nhà nửa chìm, nửa nổi tái hiện lại nhà lớp học, trạm y tế, nhà trẻ trong những năm chiến tranh bây giờ đã xuống cấp trầm trọng...
Cứ âm thầm cặm cụi, cần mẫn như thế mấy năm liền, rồi một làng quê đặc thù Quảng Bình trong những năm chiến tranh chống Mỹ đã hình thành: Những nếp nhà rường của thập kỷ 60 thế kỷ trước được ông Liên lùng tìm từ các thôn làng xa xôi mang về.
Những vỏ bom, thùng đạn, phuy xăng, những bao bố, bao tải hai lớp, những “cây nhiệt đới" (thiết bị điện tử thu phát sóng mà quân Mỹ thả xuống các tuyến giao thông và căn cứ của ta để thu thông tin), cối xay, giã gạo, nôi mây, bảng đen...
Tất cả đã được ông sưu tầm, phục dựng như bản sao chi tiết một ngôi làng Quảng Bình những năm chiến tranh chống Mỹ với chằng chịt giao thông hào, hầm chữ A, hầm trú bom, lớp học, trạm y tế dưới lòng đất, ụ súng, đường hành quân của người và xe, cầu phà qua suối...
Để rồi, những ai từng đi qua chiến tranh, đi qua mảnh đất lửa Quảng Bình trong những năm tháng đó, khi đặt chân đến đây đều không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt. Những gì khuất sâu trong ký ức bỗng sống dậy, tươi rói, rưng rưng. Những thế hệ chưa qua chiến tranh đến đây cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động, hiểu hơn giá trị của hòa bình, tự do mà bao thế hệ cha anh đã chiến đấu để giành lấy...
Đang trở thành phế tíchNhắc lại như vậy để thấy rằng, tâm huyết của ông Liên là vô cùng lớn. Nhưng bây giờ, những ai đã từng biết đến Vực Quành trở lại nơi đây đều không khỏi đau lòng trước cảnh hoang tàn, đìu hiu của nó.
Trong khoảng 5 năm, từ 2004 đến 2009, Khu du lịch sinh thái - lịch sử - văn hóa Vực Quành của ông Liên đã trở thành một địa chỉ không thể thiếu của khách du lịch khi đến Quảng Bình. Hàng ngàn lượt khách trong ngoài nước đã tới tham quan. Hàng trăm đoàn học sinh vào đây học tập truyền thống và vui chơi giải trí. Nhiều đoàn làm phim tìm đến, mượn khu du lịch của ông Liên làm trường quay những bộ phim thời chiến.
|
Chiếc cầu phao bắc qua con suối, vốn lâu nay vẫn đưa du khách từ cổng
vào khu vực trưng bày hiện vật và hệ thống hầm hào, nhà cửa, kho tàng
trong bảo tàng... nay không còn nữa. Căn nhà đón tiếp khách ngoài cổng
chính cũng không còn những dãy ghế làm bằng gỗ cây như trước, tất cả đã
bị mối mọt ăn trụi nhưng không được thay thế...
Ở khu bảo tàng chính, những ngôi nhà lợp tranh đã mục nát, mái thủng lỗ chỗ, trơ cả rui mèn và lộ những khoảng trời lớn. Những đoạn đường hào giao thông do không có người tu bổ nên bây giờ cây cỏ mọc che lấp cả.
Trong những căn nhà tranh làm nửa nổi nửa chìm - mô phỏng các lớp học, nhà giữ trẻ, nhà cứu thương... trong chiến tranh của người dân Quảng Bình, các dụng cụ như nôi trẻ em, bàn ghế học trò, phản gỗ cứu thương... đều đã rách nát, lầm bụi. Những căn nhà kho trưng bày bao gạo, hòm đạn, quân cụ khác (tất cả đều được tạo dựng lại mới, mô phỏng theo kiểu dáng có thật từ những ngày chiến tranh) cũng đã hoang tàn, hư hỏng hết.
Anh Đào Văn Toàn - người trông coi khu du lịch này cho biết: "Nhà cửa kiểu tranh tre nứa lá như ngày xưa thế này phải được tu bổ hàng năm mới chịu được gió mưa. Nhưng lâu nay không được đầu tư nên xuống cấp là không tránh khỏi”.
Ông Nguyễn Xuân Liên - chủ nhân của Khu du lịch Vực Quành ngậm ngùi nói: “Tôi không còn tiền để duy trì nó nữa. Đến nay tôi đã bỏ ra trên 4,6 tỷ đồng làm khu du lịch này. Vực Quành bây giờ là phế tích rồi. Vực Quành là nơi tái hiện ký ức chiến tranh nhưng bây giờ, chính Vực Quành cũng đang dần trở thành ký ức...”.
Thật đáng tiếc nếu trong nay mai trên mảnh đất Đồng Hới, Quảng Bình người ta sẽ không còn thấy ở Vực Quành hiện diện một bảo tàng ngoài trời, một khu bảo tàng chứng tích chiến tranh từng làm bao người ngưỡng mộ. Và tâm huyết của một người như ông Liên với Quảng Bình, với quá khứ sẽ mất đi.
Điều này ai cũng biết, nhưng đã nhiều năm trôi qua mà cũng chẳng thấy ai “chung tay” với ông Liên để cứu Vực Quành cả. Cũng xin nói thêm rằng, dù mỗi năm đón hàng ngàn lượt khách nhưng chưa bao giờ ông Liên thu của ai một đồng tiền vé. Trong khi đó, hiện ông Liên đã nợ tiền thuế đất lên đến gần 400 triệu đồng...
Phan Phương (Phan Phương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.