Học Bác suốt một đời lo cho dân

PV Thứ năm, ngày 14/05/2020 07:00 AM (GMT+7)
Cứ mỗi lần nhắc đến Bác là trong mắt ông Trần Viết Hoàn - cận vệ của Bác Hồ những năm 1966-1969 - lại ánh lên sự ngưỡng mộ xen lẫn niềm tự hào khó tả...
Bình luận 0

Vốn là người lính cận vệ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, đã từng có những năm tháng sống cạnh Bác, rồi 16 năm sau đó "giữ nhà cho Bác" trên cương vị là Giám đốc Khu di tích Phủ Chủ tịch, nên bây giờ, cứ mỗi lần nhắc đến Bác là trong mắt ông Trần Viết Hoàn lại ánh lên sự ngưỡng mộ xen lẫn niềm tự hào khó tả.

"Không tự hào sao được. Con dân Việt Nam chúng ta ai chẳng mong được gặp Bác dù chỉ là một lần, dù chỉ là đứng từ xa nhìn lại cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Đằng này tôi ngày nào cũng được gặp Bác. Tôi tin rằng nhiều người sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được cái diễm phúc đó của tôi" - ông Hoàn mở đầu câu chuyện.

"Bác không thể bỏ dân..."

Học Bác suốt một đời lo cho dân - Ảnh 1.

Ông Trần Viết Hoàn bên chiếc giường Bác nằm những ngày cuối cuộc đời. Ảnh: G.Đ

Học Bác suốt một đời lo cho dân - Ảnh 2.

Hồ Chủ tịch đứng trước ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, tháng 4/1960. Nhà sàn là nơi ở và làm việc của Bác từ tháng 5/1958 đến tháng 8/1969. Ảnh: T.L

Ông Trần Viết Hoàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1999) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2014). Trong gia đình riêng của ông, người vợ từng công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong 3 người con, có 2 người đang công tác tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Trong ngôi nhà nhỏ của một khu tập thể thuộc quận Ba Đình, TP.Hà Nội, TS Trần Viết Hoàn - cận vệ của Bác Hồ những năm 1966-1969, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chào đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp, thân tình. Người cận vệ của Bác Hồ năm xưa nay đã gần 80 tuổi, dáng dong dỏng, mái tóc đã bạc trắng, sức khỏe yếu nhưng khi nhắc đến những câu chuyện về Bác Hồ, ông dường như khỏe khoắn lạ thường. Những ký ức, xúc cảm trong ông lại ùa về, các câu chuyện cứ dài như không có hồi kết.

Ông Trần Viết Hoàn sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Từ truyền thống gia đình, anh thanh niên Trần Viết Hoàn tha thiết được gia nhập lực lượng công an. Năm 1964, niềm mong ước thành hiện thực khi Trần Viết Hoàn trở thành học viên lớp Cảnh vệ C221 của Trường C500 (nay là Học viện An ninh nhân dân). Ra trường, ông được phân công về Đội 1 - Cục Cảnh vệ, là đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và nơi làm việc của Bác Hồ.

Nhiều năm ở gần Bác, ông Trần Viết Hoàn cảm nhận một cách rõ nét về tình cảm, lối sống vô cùng giản dị và nhân ái của vị lãnh tụ đối với quần chúng nhân dân, được thể hiện cụ thể, sinh động qua việc ăn, ở, mặc của Người. "Sống gần Bác, chúng tôi thấy mình được lớn thêm lên, được Bác nâng đỡ, giáo dục. Ngay cả cách Bác gọi chiến sĩ cảnh vệ chúng tôi khi cần, Người không nhắc tên ai mà chỉ khe khẽ gọi "cúc cu, cúc cu" khiến chúng tôi cảm thấy thân thương vô ngần. Vì vậy, chúng tôi, những người lính Cảnh vệ khóa 1964 luôn một lòng, một dạ đem hết sức mình bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác kính yêu. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi được sống gần Bác" - ông Hoàn tâm sự.

Vĩ nhân trong ngôi nhà đơn sơ

Là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước nhưng nơi ở của Bác là một ngôi nhà sàn vỏn vẹn vài ba phòng. Phòng ở, phòng làm việc của Người vuông vắn chỉ hơn 10m2. Nơi ở của Bác không sơn son, không thếp vàng, không ngọc ngà châu báu, ở ngôi nhà nhỏ đó luôn có phảng phất hương thơm của hoa bưởi, thanh bạch, tao nhã. Dưới mái nhà ấy, Bác đã nhiều đêm không ngủ, nặng lòng lo cho vận nước, đời sống người dân...

Ông Hoàn kể, có lần Bác Hồ nghe tin "Hợp tác xã Ngũ Xá có ý định đúc bức tượng bán thân Bác bằng đồng", Bác liền nói với cán bộ phục vụ: "Chú sang nói với T.Ư, trong lúc đồng khan hiếm không được làm như vậy. Đem số tiền định đúc tượng Bác để xây thêm cho các cháu một phòng học. Biết bao anh hùng, liệt sĩ sao không đúc tượng lại đi đúc tượng Bác".

Rồi những ngày tháng 8/1969, trời Hà Nội đổ mưa rất to, mực nước sông Hồng lên cao, trong Bác lâm trọng bệnh, T.Ư mời Bác lên an toàn khu đề phòng đê sông Hồng vỡ sẽ gây lụt lội. Bác Hồ bảo: "Bác không thể bỏ dân, trước hết hãy lo cho dân". Theo đó, T.Ư đã chuẩn bị xe lội nước để đưa Bác lên an toàn khu nếu Hà Nội bị lụt và đằng sau xe Bác có nhiều xe lội nước khác để cứu dân. Trong những ngày Bác ốm, mỗi khi tỉnh dậy sau mỗi ca cấp cứu, Bác đều hỏi han mọi việc, câu đầu tiên là: "Nước sông Hồng đã xuống chưa? Hôm nay đồng bào miền Nam đánh thắng ở đâu?"...

Kể đến đây, mắt người cận vệ già rơm rớm nước mắt. Ông bảo: "Bác Hồ là một bậc vĩ nhân, sống giản dị nhưng vĩ đại. Bác gần gũi, luôn chân thành, quan tâm tới mọi người xung quanh".

Ông Hoàn kể, ông vẫn còn nhớ như in những bữa cơm đạm bạc của Bác, thường chỉ có bát canh, quả cà, có hôm thêm miếng thịt kho hay lát cá kho. Điều đặc biệt, trong lúc ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm nào. Bởi lẽ, Bác biết một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Trong lúc đời sống nhân dân còn thiếu thốn, cán bộ, nhân dân phải ăn cơm độn khoai, sắn cho đủ lương thực thì Bác cũng yêu cầu nhà bếp độn cơm cho giống mọi người. Vào chiều thứ 7 hàng tuần, Bác chỉ ăn bữa cháo. Ăn cháo để phần gạo nấu ăn bớt đi, để dành gạo, bớt thêm chút gạo cho người nghèo, cho nhân dân.

Học Bác không bao giờ ngừng

Sau khi Bác Hồ đi xa, ông Trần Viết Hoàn được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục bảo vệ và trông giữ di sản của Người. Đây cũng là những năm tháng ông có nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Ông chia sẻ, sự chân thành, giản dị của Bác Hồ luôn là điều ông khắc cốt, ghi tâm.

Từ việc phục vụ cho Bác Hồ, giữ gìn nơi ở và làm việc của Bác, ông Trần Viết Hoàn đã viết cuốn sách "Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời", ở đó thể hiện tấm lòng tôn kính của người lính cận vệ năm xưa dành cho Bác. Ngoài ra, ông còn viết cuốn sách chuyên về bảo tàng "Giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Đối với ông Trần Viết Hoàn, việc được tham gia bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời của Người với vai trò cận vệ và trong suốt 38 năm được làm việc ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đó là một vinh hạnh lớn lao của cuộc đời ông.

"Tôi vinh dự được đón nhiều vị cán bộ, nguyên thủ quốc gia trong thời gian là cán bộ khu di tích. Nhớ về Bác, tôi luôn suy nghĩ phải làm nhiệm vụ đón khách thật chu đáo. Đây là những vị khách tới thăm Bác nên phải đón thật chu đáo, không để Bác phải phiền muộn điều gì. Cùng với đó là chăm chút, giữ gìn di sản của Bác cho hôm nay và mai sau" - ông nói.

Nói về học tập và làm theo Bác, theo TS Trần Viết Hoàn, trong điều kiện hiện nay, không phải cứ mặc áo vá, đi dép cao su là học và làm theo Bác. Cần hiểu rằng Bác sống rất phù hợp với hoàn cảnh của dân, của đất nước. Bác sống vì dân, vì đời, sống để phục vụ dân chứ không phải vì chính Bác. "Từ cuộc sống bình dị ấy, Bác Hồ đã để lại cho dân tộc một di sản vô giá: Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời mà bây giờ và mai sau học tập và noi theo" - ông Hoàn bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem