Hóc hạt dưa, hạt bí: Tai họa rình rập trẻ vào dịp Tết Nguyên đán

Diệu Thu Thứ năm, ngày 26/01/2017 13:00 PM (GMT+7)
Hóc hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương… là những tai nạn thường gặp vào dịp Tết âm lịch. Trẻ có thể bị nghẽn đường thở và tử vong nếu xử trí sai.
Bình luận 0

img

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng hướng dẫn cách xử trí cho trẻ khi bị hóc dị vật.

Tết Nguyên đán đang đến gần, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai lo ngại, hóc các loại hạt là tai nạn trẻ thường gặp phải, đặc biệt trong những ngày Tết.

Trao đổi phóng viên, PGS Dũng cho biết, ngày Tết, trẻ thường bị hấp dẫn bởi những màu xanh, đỏ và những vật nhỏ mà tay bé có thể cầm dễ dàng. Việc bé nhặt các vỏ hạt rồi bắt chước người lớn cho vào miệng cũng là điều dễ hiểu.

Thực tế, có rất nhiều phụ huynh lo bé bị hóc hạt dưa, hạt bí mà không biết cách xử lý. Trẻ nhỏ khi bị hóc, sặc, các loại hạt trên thì nguy cơ hạt đó rơi vào đường thở rất cao, thậm chí rơi vào phổi trẻ. Nhiều trường hợp trẻ không được sơ cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.

Theo PGS Dũng, để phòng ngừa và sơ cứu kịp thời cho trẻ, các bậc phụ huynh cần cân nhắc cho trẻ ăn các loại hạt. Để bé ăn được hạt hướng dương, hạt bí phải từ 10 tuổi trở lên. Bởi khi bé lớn mới ý thức rõ được vấn đề hóc và sẽ lưu ý để nhằn vỏ ra.

Bác sỹ Dũng cảnh báo, hóc hạt hướng dương rất nguy hiểm, lông của hạt hướng dương có tinh dầu rất dễ gây viêm phổi. Hơn nữa, các loại hạt trên không có nhiều chất dinh dưỡng.

PGS Dũng nhấn mạnh, đối với trẻ bị hóc dị vật thì khâu cấp cứu tại chỗ rất quan trọng cần được làm ngay sau đó mới đưa đi bệnh viện.

Người nhà cần tránh trường hợp khi thấy bé bị hóc, mặt tím tái mà không sơ cứu ngay mà tức tốc bế đi bệnh viện thì nguy cơ tử vong của trẻ rất lớn.

Để đề phòng, mùa Tết, phụ huynh không nên để hạt dưa, hạt bí gần tầm nhìn, tầm với của trẻ; Không để vương vãi trên sàn nhà hạt dưa hấu, hạt mãng cầu, vỏ hạt dưa, vỏ hạt bí, trẻ có thể nhặt cho vào miệng; Không cho trẻ nhỏ ăn dưa hấu chưa lấy hết hạt ra hoặc các loại hạt dưa, hạt bí, đậu phộng. Không cho trẻ ngậm miếng dưa leo, mảnh bánh tráng.

Phụ huynh cũng cần lưu ý, không cho bé chơi với các loại hạt, đồng tiền, đồ vật nhỏ. Tránh ép trẻ ăn uống khi đang khóc. Không cho bé ngậm thức ăn trong miệng và đùa giỡn. Nếu nhìn thấy bé cho những thức ăn này vào miệng cũng không vội la hét làm trẻ khóc thét dễ bị sặc.

Cách xử trí khi bị hóc dị vật

Khi bé có biểu hiện ngừng ăn, ho sặc sụa, tím tái,  lập tức phải cấp cứu ngay tại chỗ.

Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai, sau đó lật ngửa trẻ lại. Nếu còn khó thở, dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. Trẻ 5 – 7 tuổi thì đặt em bé vắt qua đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng phía sau phía trên ngực.

Đối với trẻ từ 4,5,6 tuổi, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ nằm úp bụng trên hai đùi và vỗ vào lưng 5 cái. Còn đối với trẻ khoảng 14-15 tuổi khi bị hóc thì phụ huynh nên bế, ôm trẻ vào người, lấy hai bàn tay quấn quanh bụng và ấn tay, sốc phần bụng lên 5 cái để cho trẻ ho bật. Phụ huynh khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật hay bay hết thức ăn ra rồi thì thôi. Khi thấy trẻ thở được, hồng hào trở lại thì bắt đầu mới đưa đi bệnh viện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem