Học hộ, thi hộ, tổ chức thi hộ bị sẽ bị xử phạt như thế nào?

Phi Long Thứ năm, ngày 04/07/2024 11:47 AM (GMT+7)
Tình trạng học hộ, thi hộ được đánh giá là vẫn có diễn biến phức tạp. Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn đã phân tích về vấn đề này dưới góc độ pháp lý.
Bình luận 0

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy Ban hành kèm theo Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hành vi gian lận trong học tập như: quay cóp, mang tài liệu vào phòng thi, xin điểm; tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ; sao chép, nhờ hoặc làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp hoặc các hành vi gian lận khác đều là những hành vi mà học sinh, sinh viên không được làm.

Học hộ, thi hộ, tổ chức thi hộ bị sẽ bị xử phạt như thế nào?- Ảnh 1.

Học hộ, thi hộ, tổ chức thi hộ bị sẽ bị xử phạt như thế nào?. Ảnh: DV

Với từng hành vi có tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm sẽ có những hình thức xử lý khác nhau, cụ thể căn cứ Khoản 1 Điều 20 và phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 42/2007/QĐ-BGDĐT có các hình thức kỷ luật, Khiển trách; Cảnh cáo;  Đình chỉ học tập 1 năm học; Buộc thôi học.

Bên cạnh xử lý theo Quy chế đối với học sinh, sinh viên nêu trên thì còn bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có thể phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm (Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP)

Ngoài ra, đối với trường hợp làm giả các giấy tờ như: thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, và giấy tờ khác để thi hộ người khác có thể chịu trách nhiệm về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

" Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 0 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

Có tổ chức;

Phạm tội 2 lần trở lên;

Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng"

Như vậy, đối với hành vi Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị phạt tù lên đến 2 năm. Nếu làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 341 BLHS và phải chịu hình phạt tù lên đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem