Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang củng cố hồ sơ để xử lý V.D.H. (32 tuổi, ở quận Hoàng Mai) và N.T.Q.N. (20 tuổi). Hai người bị phát hiện đi thi hộ tại kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Nhật của trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo quy định pháp luật, hành vi này bị xử lý ra sao?
Luật sư Lưu Kiều Trang - Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự
Khoản 2, Điều 6 Quy chế học sinh, sinh viên ban hành kèm theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định những điều học sinh sinh viên không được làm, trong đó có hành vi học, thi hộ; nhờ người khác học, thi hộ và tổ chức hoặc tham gia tổ chức thi hộ hay có những hành vi gian lận khác.
Như vậy, học hộ, thi hộ là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị áp dụng chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định hành vi thi thay; thi kèm người khác; nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm sẽ bị phạt tiền 14-16 triệu đồng. Trường hợp không thi hộ nhưng có hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài, người vi phạm sẽ bị áp dụng chế tài xử phạt 2-6 triệu đồng.
Khoản 3, Điều 3 Nghị định này quy định cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức, trừ một số hành vi quy định tại nghị định này, trong đó có hành vi thi thay; thi kèm người khác; nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm.
Như vậy, cá nhân thi hộ hoặc nhờ thi hộ sẽ bị xử phạt tối đa 16 triệu đồng. Ngoài ra, những người vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật tùy thuộc quy chế thi do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đối với hành vi làm giả CMND/CCCD để thi hộ người khác, theo khoản 4, Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ mức phạt áp dụng sẽ là 4-6 triệu đồng. Trường hợp hành vi có dấu hiệu của tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.