“Học ít, chơi nhiều” - Nhớ thầy Trần Văn Khải

Lê Thị Tuyết Hạnh Thứ sáu, ngày 19/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Hình ảnh thầy giáo Trần Văn Khải đã trở thành “thần tượng”, “người bạn lớn” trong lòng bao thế hệ học sinh bởi phong cách sư phạm độc đáo, tài hoa, mà cũng là phong cách sống đẹp…
Bình luận 0

Nhà giáo Trần Văn Khải là một tài năng xuất sắc và độc đáo, có nhiều cống hiến cho giáo dục Việt Nam, nổi trội trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, với những huy chương Toán quốc tế liên tục từ 1978 khi anh dạy Trường Quốc học Huế đến 2019, sau gần 30 năm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Amsterdam - Hà Nội (trường Amsterdam): Hồ Đình Duẩn, Nguyễn Phú Thanh, Nguyễn Đình Lượng, Lê Tự Quốc Thắng,… và đặc biệt là Lê Bá Khánh Trình với huy chương Vàng điểm tuyệt đối và giải đặc biệt duy nhất đến hiện nay…

"Học mà chơi, chơi mà học"

“Học ít, chơi nhiều”- Nhớ thầy Trần Văn Khải - Ảnh 1.

Nhà giáo Trần Văn Khải cùng các thầy cô và đội tuyển trường Amsterdam tham dự kỳ thi Toán quốc tế 2014 tại Hàn Quốc.

Tháng 11 về, nhắc nhớ tuổi thơ, năm tháng học trò và những người thầy. Và tôi nhớ đến anh, người thầy của các con, em và cháu của tôi, của nhiều thế hệ học sinh Quốc học Huế, Amsterdam và Chu Văn An - Hà Nội… Cái tên Trần Văn Khải - "Khải đen" theo cách gọi thân mật - không xa lạ trong giới toán học phổ thông, phụ huynh và học sinh, bởi anh từng được học trò phong danh xưng "thầy dạy Toán giỏi nhất nước", và thực chứng bằng những giải Vàng Olympic Toán quốc tế lừng danh… Nhưng ấn tượng hơn cả là chính cái người dạy nên giải Vàng giải Bạc, thành tích ngất trời ấy lại luôn bảo học trò và cả phụ huynh: "Cho chúng nó học ít thôi, chơi nhiều vào" kèm theo nụ cười và ánh mắt đầy đồng ý, đồng tình, và …"đồng lõa".

Thoạt đầu, tôi ngỡ anh đùa, vì anh vốn hay hài hước. Có lý, khi anh là bậc thầy từng trải, bao dung, dễ hiểu là anh cảm thông, thương xót học trò, muốn chúng có được những phút giây vui chơi hồn nhiên của trẻ thơ trong bối cảnh ngày càng áp lực học đường. Cũng có thể là anh muốn làm cho không khí học tập bớt căng, bằng phương pháp nhẹ nhàng: "Học mà chơi, chơi mà học" như vẫn thường nghe nói.

Nhưng không chỉ là như thế. Kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực giáo dục, một năm sau ngày anh mất, mới được trực tiếp tiếp cận với những lý thuyết giáo dục hiện đại trong môi trường của nó, tôi ngộ ra, người anh, người thầy được học trò yêu kính và ngưỡng mộ ấy thật sâu sắc nhường nào, dù vẫn biết anh đọc nhiều, hiểu rộng.

“Học ít, chơi nhiều”- Nhớ thầy Trần Văn Khải - Ảnh 2.

Thầy Trần Văn Khải cùng phu nhân Lê Khắc Chân Như tiếp Giáo sư Trần Thanh Vân.

Các nhà khoa học cho rằng chơi là hoạt động cốt lõi của học tập ở trẻ. Chơi không chỉ là động lực của sáng tạo mà còn là phương thức học tập cơ bản (David Elkin)[1]. Lev Vygotsky[2] đã xác định vui chơi là nguồn phát triển hàng đầu về mặt cảm xúc, xã hội, thể chất, ngôn ngữ, và phát triển nhận thức. Vui chơi mở rộng trí thông minh, kích thích trí tưởng tượng, hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo, phát triển sự tự tin, lòng tự trọng và thái độ tích cực trong học tập (Tiến sĩ Fraser Mustard)[3]. Piaget[4] tin rằng trẻ em học tốt nhất khi chúng tích cực tham gia vào việc học của mình thông qua việc chơi với các vật liệu và tương tác với mọi người.

Có một trí nhớ siêu phàm đến thuộc lòng cả 3.254 câu Kiều, lên lớp không cần giáo án mà viết như tuôn từ mạch ra trên bảng với một lối trình bày mạch lạc, chân phương mà cũng tài hoa, sáng tạo khiến học trò anh trở thành người duy nhất có điểm cộng trình bày ngoài điểm tuyệt đối trong kỳ thi Olympic Toán tại Anh quốc, có sức đọc khổng lồ từ những tài liệu chuyên ngành trên nhiều lĩnh vực đến báo mạng, văn chương. Nhưng anh không vu đàm khoát luận, không bao giờ đại ngôn.

Cái triết lý chơi là phương thức học tập phù hợp tốt nhất với trẻ được anh lặng lẽ thực hiện trong suốt quá trình dạy học của mình. Lớp Toán của anh bao giờ cũng vui, không chỉ vì anh có lối pha trò hóm hỉnh, mà còn vì thầy trò anh như đang chơi trò khám phá những điều kì diệu từ những con số và các góc hình… Những giờ Toán với đầy đủ tính chất của "cuộc chơi", với ba yếu tố quan trọng với quá trình học tập theo học thuyết Dewey: tò mò, hứng thú và khoái cảm nghệ thuật.[5] 

Chả thế mà cô con gái sợ Toán của tôi sau khi qua đủ các "lò" luyện với các thầy nổi tiếng đã rút ra kết luận: "Con chỉ học được bác Khải thôi. Mà bác dạy Toán nhưng toàn lấy ví dụ Văn, dễ hiểu và vui lắm ạ. Con thích nhất là bác rất nhân hậu. Thích cách bác trêu bạn giỏi Toán muốn thi vào trường Amsterdam. Thích cách bác lo cho bạn M., con của bạn thân bác. Nhất là những lúc bác trêu bác Như. Thấy các bác thật trẻ, thật đáng yêu. Đứng một mình đã tốt, mà đứng bên cạnh nhau còn tôn nhau lên. Học Toán như chơi, mà như được học cả Văn, học làm người". Nhờ thế mà nó hết nỗi "sợ" Toán và thi đỗ chuyên ngữ (Trường THPT chuyên Ngoại ngữ) với điểm Toán ngoạn mục khiến nhiều bạn "không tin được, dù đó là sự thật".

 Cháu kể khi làm đến bài hình khó, đang "tắc" thì cháu nhớ ra cái hình mà bác vẽ cùng câu nói ví von của bác, thế là bài toán trở nên dễ dàng. "Dễ như chơi" là vậy hay chăng? Cũng cách dạy như chơi ấy, anh làm công tác giáo dục với vai trò chủ nhiệm các lớp Toán chuyên. Thầy Phạm Lê Hùng ở trường Amsterdam kể: "Tôi cảm nhận rất rõ những tình cảm của học trò lớp Toán dành cho thầy chủ nhiệm, dù trong giờ sinh hoạt thứ hai đầu tuần thầy chẳng mấy khi lên lớp, chỉ ngồi đọc báo và hút thuốc ở phòng hội đồng.

Những lúc gần thầy nhất là những lần 2 lớp Văn, Toán đi cắm trại. Thầy đi cùng lớp chủ nhiệm nhưng đến nơi là tìm chỗ nằm đọc báo, đọc sách để lũ học trò muốn làm gì thì làm. Nhớ nhất là lần đi Cúc Phương ô tô bị sa lầy phải ở thêm một đêm trong rừng lạnh ngoài dự kiến. Một lần khác, ô tô cũng trục trặc nhưng may nhờ được xe lớp khác nên vẫn về được nhà. Những lúc như thế cũng không thấy thầy làm gì, cứ để học sinh tự xoay xở".

Với một người sống nhân hậu, luôn nghĩ cho người khác như thầy Khải, chắc chắn đó không phải là thái độ vô tâm. Thì ra, đó là cách thầy trao quyền tự chủ cho học sinh được tự do "chơi", lựa chọn chơi cái gì, với ai, như thế nào; phát triển kỹ năng tương tác, làm việc nhóm, tự nhận thức, kiểm soát bản thân và giải quyết vấn đề - theo lý thuyết giáo dục hiện đại.

“Học ít, chơi nhiều”- Nhớ thầy Trần Văn Khải - Ảnh 3.

Thầy Trần Văn Khải cùng phu nhân Lê Khắc Chân Như.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc can thiệp của người lớn khi không cần thiết, chỉ làm gián đoạn và thui chột tư duy độc lập sáng tạo cùng niềm vui khám phá của trẻ. Có thể nhờ thế, mà học sinh chuyên Toán của thầy sau này không trở thành những "chú gà công nghiệp", và đều thành đạt, giỏi giang, hạnh phúc trong cuộc sống. Cũng theo thầy Phạm Lê Hùng: "Thầy Khải được nhiều học sinh coi như "một người bạn lớn". Và đấy là điều đáng tự hào nhất của một người thầy mà rất ít thầy cô giáo có được. Nó đáng quý hơn tất cả mọi danh hiệu mà xã hội có thể ban tặng cho một người thầy".

"Trái tim hoàng tử" sau "bộ da xù xì"

Chắc chắn là, bản thân anh Khải đã trải nghiệm chơi là cách học và tu dưỡng trong cuộc sống của mình. Theo lời chị Như – vợ anh và bạn bè cùng học, anh nổi tiếng "chơi" từ thuở sinh viên. Lên lớp với mỗi cuốn vở nháp và chẳng mấy khi ghi chép, mà bài thi toán của anh bao giờ cũng đạt điểm cao với những cách giải hay, độc đáo khiến thầy, bạn phải trầm trồ, thán phục. Anh giành nhiều thời gian và đam mê cho bóng đá và là một cầu thủ cừ khôi khoa Toán - Đại học Vinh thời ấy. Có liên quan gì để dường như đá bóng càng hay thì anh giải toán càng "siêu" hơn? Nghe đồn, cũng vì tài "chơi" ấy mà anh làm xiêu lòng cô gái đẹp nhất khoa Văn, dòng hoàng tộc, sau thành vợ của anh - chị Lê Khắc Chân Như.

Mối tình của đôi trai tài gái sắc thi vị và lãng mạn với những giai thoại đầy tiếng cười của niềm vui và trĩu nặng ân tình. Tình bạn trong tình yêu khiến cuộc sống hôn nhân của anh chị qua mọi thời đoạn khó khăn của đất nước và gia đình cũng nhẹ nhàng hơn nhờ tính chất "như chơi".

Như cái lần anh tức tốc vượt hàng trăm cây số từ nơi công tác qua phà Bến Thủy, chỉ được ở bên chị mấy tiếng rồi lại trở về ngay, để động viên khi chị sinh đứa con đầu lòng. Như chuyến thăm vịnh Hạ Long, anh cười tươi cõng chị lên núi, trêu chị bằng cách đọc "chế" câu của gương thần trong truyện "Nàng Bạch Tuyết": "Xưa kia bà đẹp nhất trần/ Bây giờ tỉ đứa tỉ lần đẹp hơn…"!

Cuộc đời, với anh cũng là một cuộc rong chơi. Có thể vì thế chăng, mà dù có chông gai, thăng trầm, sướng khổ, vui buồn, nó vẫn trở nên nhẹ nhàng. Trong bom đạn chiến tranh thời sơ tán, có được chậu nước quý như vàng, anh sẵn sàng nhường và bưng đến tận nơi cho các bạn gái rửa mặt. Thời hòa bình, cậu học sinh của anh đoạt giải quốc tế, nhưng không thể vào đại học ngay mà lên đường làm nghĩa vụ quân sự, anh đạp xe theo tiễn mà mắt đỏ hoe (theo lời kể của Hồ Đình Duẩn).

“Học ít, chơi nhiều”- Nhớ thầy Trần Văn Khải - Ảnh 4.

Chân dung thầy Khải do học trò cũ Lã Hồ Minh Khuê du học tại Pháp vẽ tặng.

Bao nhiêu tiền thưởng giải Bạc, giải Vàng, anh giành cho các cuộc gặp mặt, vui cùng bè bạn. Cái mà người đời quan tâm như lương thưởng, danh hiệu, tiếng tăm… thì anh lại chẳng màng. Anh chẳng bao giờ đòi hỏi quyền lợi, cũng không chịu làm hồ sơ cho các danh hiệu chiến sĩ thi đua hay giáo viên dạy giỏi các cấp…

 Lẽ vô thường tự nhiên trong từng ứng xử cuộc đời của anh. Trong nhà anh không bao giờ có tiền tỉ hay châu báu, nhưng tiền triệu, tiền trăm từ lao động dạy học thì bao giờ anh cũng có dư để đãi bạn bè, cho con cháu, giúp đỡ học trò nghèo, chia sẻ với người thân…Và đó cũng là niềm vui của anh khi "rong chơi" giữa đời. Có ánh mắt, nụ cười của mẹ hay Bồ Tát khi anh nhìn chị em tôi ăn ngon lành bát phở Bát Đàn mà anh chiêu đãi những năm 90 của thế kỉ trước, khi con chị sinh viên đi dạy mướn lấy tiền nuôi em, qua đón thằng em vừa học "miễn phí" toán ở nhà cùng các con anh…

Cứ như chơi với đời, nhưng học trò đã không nhầm khi nhận ra "trái tim hoàng tử" sau bộ "da" xù xì của anh, cùng những gì với anh là sâu nặng, thiêng liêng. Bề ngoài anh chẳng có vẻ thư sinh "thanh niên Hà nội", cũng chẳng giống thầy giáo "khuôn vàng thước ngọc" cho lắm. "Cao to, đen hôi", ngang tàng, phá cách với quần bò, áo phông, hút thuốc như ống khói, dốc chén cạn bầu khi có "bạn hiền", cười nhạo mọi lời can ngăn của chị em tôi với lý do chính đáng "học tập và làm theo ông cụ nhà mình"...

Cũng với nụ cười nhạo ấy, anh xui chị cho tôi gần hết đống sách văn chương mà nhà anh chất đầy. Ghét và yêu với anh cũng rất rõ ràng như ông Ngư, ông Tiều của cụ Đồ đất Ba Tri: "Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm. Để dân đến nỗi sa hầm, sẩy hang...". Khí khái như Lý Bạch từng "an đắc tồi mi chiết yêu sự quyền quý", nhưng anh lại là người thầy rất bình dị, gần gũi, tận tụy với học trò, là "lãnh tụ" tình cảm và tinh thần của đại gia đình nội ngoại, vợ, con, dâu, cháu, bạn bè, và giành những tình cảm hết sức đặc biệt cho những người thân.

“Học ít, chơi nhiều”- Nhớ thầy Trần Văn Khải - Ảnh 5.

Thầy Trần Văn Khải và phút thư giãn.

Có dịp tụ họp, đãi đằng em út, cháu con là anh vui lắm. Tết nào anh cũng bắt chị gói nhiều bánh chưng, vì bánh chưng của chị tự tay làm có vị thơm ngon đặc biệt, và anh vui mừng khi chia sẻ cho những người thân. Chu đáo, chí tình với bạn bè. Nhưng "chảnh" thế và "phớt" thế, mà chứng kiến anh giữ lễ với thầy, tôn trọng bạn thế nào nhân một lần nói về việc mời bạn dự đám cưới con anh và trao đổi với thầy Văn Như Cương về công việc, mới rõ con người "văn hiến", "thanh lịch" đích thực trong anh. Anh nói: "Thầy đã già rồi. Mình là học trò, phải đến tận nhà, không thể nói qua điện thoại như thế đươc...".

Chúng tôi lên đường, một ngày tháng 2 lạnh giá còn hương vị Tết, anh chở chị bằng chiếc xe phân khối lớn, vượt cầu Long Biên sang để "mang cho nó cái bánh ăn cho đỡ nhớ"... Vậy mà, tôi đã không thể về, để tiễn đưa anh trong chuyến đi xa nhất đời, chuyến đi vào miền mây trắng...

 Nhớ anh, nhớ người thầy đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các thế hệ học trò, trong các con tôi. Nhớ một người đã "vui chơi giữa đời" bằng lối chơi rất đẹp - "fair play". Trong cuộc viễn du này, anh sẽ nhẹ nhàng như mây, bởi anh không còn gì ân hận khi đã sống tốt lành như thế. Với học trò, để tiếp nối anh, học những bài toán của anh, trước hết cần học cách "chơi" và "chơi đẹp" của anh, như cách nói của Mã Tồn về Tư Mã Thiên hai ngàn năm trước, và học nguồn thơ từ trái tim cùng nhịp với người nghệ sĩ lớn của dân tộc qua 200 năm:

"Hai trăm năm, lệ còn rơi

Hai trăm năm vẫn mệnh tài đau thương

Sông này hay chính Tiền đường

Kiều ơi! Một kiếp đoạn trường… Kiều ơi!"

                                 (Hai trăm năm Kiều -  Trần Văn Khải )

Nhà giáo Trần Văn Khải quê quán huyện Ý Yên, Nam Định. Ông sinh ngày 20/3/1954 tại Hà Nộimất ngày 28/8/2020 tại Hà Nội.

Năm 1968 - 1972, ông chuyển vào khoa Toán Đại học Sư phạm Vinh từ khu sơ tán. Từ năm 1976 -1991, nhà giáo Trần Văn Khải dạy chuyên Toán của Trường Quốc học Huế. Từ năm 1991- 2014, ông là giáo viên dạy chuyên Toán của Trường THPT chuyên Nội – Amsterdam.

Nhà giáo Trần Văn Khải là người đã đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi Toán quốc gia và quốc tế như: Hồ Đình Duẩn – huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế IMO 1978; Lê Bá Khánh Trình – huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1979 với số điểm tuyệt đối 40/40, giải đặc biệt IMO 1979; Ngô Phú Thanh – huy chương Bạc kỳ thi Olympic Toán quốc tế IMO 1982; Nguyễn Văn Lượng – huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế IMO 1983; Hoàng Ngọc Chiến – huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế IMO 1983.

Ngoài ra, ông cũng đào tạo những học trò tiêu biểu của trường Amsterdam như: Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyễn Quang Sáng, Đỗ Kim Tuấn, Nguyễn Hồng Tâm, Nguyễn Hùng Tiến, Nguyễn Hải Đăng…

Ông là người kết nối đưa học bổng Odon Vallet về với học sinh trường Amsterdam.

Với những cống hiến của mình, nhà giáo Trần Văn Khải đã được trao nhiều danh hiệu như Giáo viên dạy giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố và nhiều bằng khen, giấy khen…


[1] Elkin, D. (Dẫn theo Dietze, B., & Kashin, D. (2019). Playing and learning in early childhood education. North York, Ontario: Pearson Canada Inc.

[2] Vygotsky, L. (1978). Mind and society: The development of high psychological processes. Cambridge. MA. Harvard University Press.

[3] McCain, M., Mustard, F., & Shanker, S. (2007). Early years study 2: Putting science into action. Toronto, ON: Council for Early Child Development.

[4] Piaget, J. (1962). Play, dreams and imitation in childhood. New York: Norton.

[5] Dewey, J. (1938). My pedagogic creed. The school journals. LIV. (3)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem