Học nghề vẫn có thu nhập

Thứ năm, ngày 05/08/2010 02:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đầu tháng 8-2010, hơn 100 học viên là nông dân chưa có việc làm ổn định ở huyện An Nhơn, Bình Định đã được tham dự lớp đào tạo nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ.
Bình luận 0
img
Nông dân học nghề chạm khắc gỗ tại cơ sở Phạm Văn Thống.

Lớp học được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định phối hợp với các cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Phạm Văn Thống và cơ sở Huỳnh Văn Lợi ở xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn tổ chức.

Vì đối tượng học nghề chủ yếu là nông dân nên giáo viên và chủ cơ sở đã đưa ra cách giảng dạy phù hợp, đơn giản, ngắn gọn, thiên về thực hành theo hướng "cầm tay chỉ việc".

Nội dung chủ yếu là dạy kỹ thuật chạm, khắc, làm đồ mộc mỹ nghệ... Khóa học được đào tạo trong thời gian 3 tháng, mỗi học viên tham gia khóa học sẽ được UBND huyện hỗ trợ 10.000 đồng/ngày; ngoài ra, học viên vừa học vừa làm ra sản phẩm sẽ được chủ cơ sở tính tiền công khoảng 30.000 - 40.000 đồng/ngày tùy vào số lượng, chất lượng sản phẩm làm ra và sau khi học xong sẽ được cơ sở ký hợp đồng lao động làm việc lâu dài.

Chị Nguyên Thị Liên - một học viên đang tham gia khóa học tại cơ sở Phạm Văn Thống tâm sự: "Học nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ không mất tiền công, được nhà nước hỗ trợ tiền ăn bữa trưa, sau khi học xong được chủ cơ sở ký hợp đồng làm việc với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng nên tôi rất an tâm và mong muốn địa phương mở lớp dạy nhiều nghề hơn nữa để người dân có cơ hội được học nghề, cải thiện cuộc sống".

Theo ông Nguyễn Thành Minh - Trưởng phòng kinh tế huyện An Nhơn cho biết: "Mục tiêu của các lớp học là nhằm bổ sung nhân lực có tay nghề cho địa phương; là cơ hội thuận lợi giúp cho lao động nông thôn sau khi đào tạo có việc làm tại chỗ, đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem