Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học: Nửa mừng nửa lo

Bạch Dương Thứ hai, ngày 21/09/2020 19:12 PM (GMT+7)
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Điều lệ trường THCS, THPT được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành là bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thay vào đó, các học sinh được dùng điện thoại để phục vụ việc học tập, với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên.
Bình luận 0

Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học: Nửa mừng nửa lo - Ảnh 1.

Học sinh THCS, THPT được phép sử dụng điện thoại trong giờ học. Ảnh minh họa

Học sinh ủng hộ

Trước những thay đổi này, nhiều học sinh tỏ ra đồng tình, bởi hiện nay, ngoài việc học những nội dung trong sách giáo khoa, học sinh cũng cần mở rộng kiến thức thực tế. Minh Trang (học sinh Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM) cho biết: "Việc sử dụng điện thoại trong lớp với sự hướng dẫn của thầy cô giáo có thể giúp chúng em tìm kiếm được những kiến thức nằm ngoài sách giáo khoa. Việc liên hệ được ngay như vậy có thể giúp bọn em nhớ lâu hơn".

Phương Anh (học sinh Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM) cho rằng: "Theo em, chúng ta đang hướng thế hệ trẻ phải biết ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học tập để nâng cao hiệu quả, giảm bớt thời gian vào những công việc thủ công, không cần thiết. Chính vì vậy, nếu học sinh được phép dùng điện thoại thông minh để phục vụ cho việc học, đó là một điều rất tốt, khuyến khích sự tìm kiếm thông tin, nâng cao tính tự học".

Tuy nhiên, cũng theo Phương Anh, đối với những học sinh chưa ý thức, dùng điện thoại để giải trí trong giờ học là một hướng tiêu cực. "Quan trọng là nhà trường và phụ huynh chỉ dẫn học sinh biết cách sử dụng điện thoại thông minh phục vụ cho việc học một cách hiệu quả nhất", Phương Anh nói.

Bảo Trân (học sinh Trường THCS Điện Biên, quận Bình Thạnh) cho biết: "Ở nhà, em cũng có điện thoại thông minh và mỗi khi học những bài học liên quan, em cũng hay dùng điện thoại để vào Google tra cứu. Vì vậy, em nghĩ việc cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để phục vụ cho việc học sẽ tốt hơn".

Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học: Nửa mừng nửa lo - Ảnh 2.

Tuy nhiên, quản lý việc sử dụng điện thoại là vấn đề đau đầu với cả phụ huynh và giáo viên. Ảnh minh họa

Phụ huynh lo lắng, giáo viên nửa mừng nửa lo

Ngay sau khi đọc được thông tin Bộ GDĐT cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, không ít phụ huynh bày tỏ sự lo ngại liệu có quản lý được việc này hay không.

Anh Huỳnh Phát (quận 4, TP.HCM) lo lắng: "Nếu coi điện thoại là công cụ học tập, Bộ GDĐT cần quy định phạm vi và thời gian sử dụng trong nhà trường. Nghiện điện thoại, sao nhãng học tập, gây mất sự tập trung trong giờ học... là mặt trái rất cần quan tâm. Tôi thấy việc quản lý các con dùng điện thoại sẽ rất khó, chắc chắn sẽ mất tập trung trong giờ học, rồi làm sao biết được tụi nhỏ có nhắn tin, lướt Facebook hay làm gì đó hay không. Rồi những gia đình khó khăn thì làm sao có tiền mua smartphone cho con?".

Chị Diễm Linh có con năm nay học lớp 8, kịch liệt phản đối quy định mới với lý do ở nhà, 2 con chị đều được sử dụng thiết bị công nghệ để học tiếng Anh, tìm kiếm các nội dung học tập cần thiết và giải trí dưới sự giám sát của người lớn. Nhưng nếu bố mẹ lơ là, con có thể chơi điện tử hoặc truy cập vào nội dung xấu, độc trên kênh YouTube. Chị Linh cho rằng với quy định mới, con được toàn quyền sử dụng trong và ngoài lớp, cả thầy cô và bố mẹ khó có thể biết trẻ dùng điện thoại vào mục đích gì.

Từ phía giáo viên, nhiều thầy cô giáo nhận định việc dùng điện thoại trong giờ nên được áp dụng với học sinh THPT, không phù hợp với lứa tuổi THCS, vì các em chưa đủ nhận thức, khó quản lý.

Theo thầy Phan Thế Hoài - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bình Hưng Hòa (TP.HCM), việc học sinh THPT được dùng điện thoại để tìm tài liệu là điều nên làm, nhất là trong bối cánh đổi mới phương pháp dạy và học. Nếu biết khai thác thông tin hiệu quả, điện thoại di động hay máy tính bảng, laptop đều có thể làm dụng cụ học tập với nhiều tính năng tiện ích. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại này phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của giáo viên với những quy định cụ thể về thời gian, mục đích sử dụng và các mức thưởng phạt rõ ràng nếu vi phạm.

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cho rằng đây là bước đột phá tốt cho học sinh, giúp khơi nguồn vui cho các em. Theo ông Phú, phụ huynh lo các em mê chơi, sử dụng Internet để khám phá nhiều thứ, rồi ảnh hưởng việc học. Trong khi một số giáo viên lo lắng phải quản lý kỹ tiết học, xem học sinh nào dùng điện thoại khi chưa cho phép, rồi dạy cái gì để các em sử dụng smartphone. Cũng có giáo viên sợ học sinh lướt web, xem phim, chơi điện tử, chat, ghi âm, ghi hình..., thậm chí lo xảy ra tình trạng mất điện thoại. Tuy nhiên, ông Phú cũng cho rằng, nếu sử dụng smartphone một cách hợp lý, đây sẽ là một "cuốn sách điện tử" giúp thầy cô giải quyết được nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, giáo viên cho rằng cho học sinh dùng điện thoại trong giờ cũng gây ra nhiều mặt trái, khiến phụ huynh và nhà trường "đau đầu". Cô Ngọc Bích (giáo viên một trường THCS tại quận 3) chỉ ra trường hợp học sinh có thể vòi vĩnh bố mẹ sắm điện thoại thông minh, lấy lý do cần cho học tập, nhà trường không cấm và bạn bè đều có. Nếu mua cho con, bố mẹ tốn khoản phí không nhỏ, đặc biệt là những gia đình vùng ngoại thành, đồng thời khó quản lý khi các em ở trường hoặc tự học buổi tối.

Dù học sinh chỉ được dùng khi giáo viên cho phép hoặc phục vụ bài học, cô Bích thừa nhận việc này rất khó quản lý. Ngay cả khi để mắt, thầy cô cũng không biết được các em làm gì, liệu có dùng điện thoại để tra kiến thức hay làm việc riêng.

Vì thế, để quản lý tốt học sinh sử dụng điện thoại, quan trọng nhất là ý thức học. Ngoài ra, các lớp có thể bổ sung một số nội quy nếu học sinh dùng điện thoại sai mục đích hoặc không được cho phép như trừ điểm nền nếp, thi đua của em đó, thu điện thoại và trả lại phụ huynh. Trường hợp học sinh dùng điện thoại để gian lận trong giờ kiểm tra, giáo viên có thể trừ điểm bài đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem