Học sinh khiếm thị Đậu Ngọc Kiên: Sinh ra đa dị tật và niềm đam mê đàn nguyệt
Học sinh khiếm thị bị đa dị tật và niềm đam mê đàn nguyệt
Đức Minh
Thứ ba, ngày 12/11/2024 06:03 AM (GMT+7)
Trong suốt cuộc trò chuyện với tôi, lần duy nhất chị Dương - mẹ học sinh khiếm thị tài năng Đậu Ngọc Kiên nở nụ cười thật tươi khi con chạm tay vào những phím đàn nguyệt: "Chiếc đàn là tài sản đáng giá nhất trong nhà, cháu quý đàn lắm".
Cháu Đậu Ngọc Kiên khiếm thị thích học tiếng Anh, chơi cờ vua, đàn nguyệt. Clip: Đức Minh
Phải hạn chế sở thích, đam mê vì tăng nhãn áp
Qua giới thiệu của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), phóng viên Dân Việt được biết hoàn cảnh học sinh khiếm thị Đậu Ngọc Kiên (lớp 8A2) ham học, thích học tiếng Anh, tin học và đặc biệt có năng khiếu chơi cờ vua, đàn nguyệt.
Theo địa chỉ, tôi tìm đến ngõ 433 Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), hỏi cơ sở tẩm quất người mù Xuân Dương ai cũng biết. Bước vào ngôi nhà số 19, âm thanh đầu tiên xuất hiện là tiếng chuông cảm ứng báo có khách.
Tạm dừng công việc, chị Lê Thị Dương (39 tuổi) - mẹ cháu Đậu Ngọc Kiên ra chào với vẻ khép nép. Thực tế, tôi đã phải thuyết phục chị Dương mới đồng ý mời tới chơi nhà. Chị bảo, những năm qua, thầy cô giáo và nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ gia đình và cảm thấy ngại khi tôi bày tỏ mong muốn viết bài phản ánh với hy vọng cháu Kiên nhận được thêm những sự hỗ trợ.
Nếu như vợ con bị khiếm thị, vẫn còn nhìn thấy màu sắc, thì anh Đậu Văn Xuân (44 tuổi), bố cháu Kiên còn bị mù cả hai mắt, quanh năm không còn nhìn thấy ánh sáng. Tất cả sự cảm nhận của anh về người đối diện, người quen được dựa vào thính giác và khướu giác.
Mới quen, anh Xuân gần như không nói mà chỉ ngồi nghe. Nhưng khi dần quen, anh Xuân đã thoải mái chia sẻ rất nhiều về gia đình mình và cậu con trai được vợ chồng anh gửi gắm rất nhiều niềm tin, hy vọng.
"Vợ chồng tôi người mù, người khiếm thị nên phải đặt chuông cảm ứng để ai ra ai vào còn biết. Có hôm chuông kêu, ra nói "chào bác", ai ngờ chỉ là một con mèo chạy qua, hoá ra là tôi chào bác mèo!", anh Xuân tếu táo nói.
Theo dòng chia sẻ, anh Xuân bộc bạch cháu Kiên sinh ra bị đa dị tật, ngoài việc bị khiếm thị theo gen bố mẹ, cháu còn bị hở hàm ếch nên rất khó ăn, ở trong bệnh viện suốt đến năm 3 tuổi mới về. Sau này cháu bị phát hiện thêm bệnh tăng nhãn áp.
Chị Dương tiếp lời chồng: "Mỗi tháng tôi phải đưa cháu đi kiểm tra mắt 2 lần. Năm ngoái bị bong võng mạc một mắt vì nhãn áp lên cao quá. Thương hoàn cảnh gia đình, bác sĩ miễn tiền khám, còn tiền thuốc của cháu mỗi tháng tiêu tốn khoảng 1,2 triệu đồng. Còn khi căng thẳng tăng nhãn áp thì phải mua thêm thuốc uống.
Bệnh này nguy hiểm bởi khi nhãn áp lên quá cao thì dẫn tới nổ mắt. Với sự hỗ trợ từ các thầy cô giáo, các phụ huynh học sinh trong trường, các nhà hảo tâm, gia đình tôi đã có tiền phẫu thuật mắt cho cháu. Nhưng mổ xong vẫn không giữ được ánh sáng, một mắt cháu vẫn không nhìn thấy gì. Đây là bệnh thế giới vẫn không chữa được".
Với bệnh tăng nhãn áp, Kiên được các bác sĩ khuyên hạn chế tối đa vận động mạnh, căng thẳng. Vậy nên những niềm đam mê của Kiên như chơi bóng đá, cờ vua, đàn nguyệt, thậm chí cả việc học tập cũng phải tiết chế.
"Con bị hạn chế sở thích rất nhiều, đó là điều tôi thương con nhất. Đã lâu rồi trong không theo tập đàn nguyệt, chỉ chơi khi có dịp biểu diễn ở trường hay một vài sự kiện nào đó cháu được mời tham gia. Cảm nhận con cầm vào đàn, nghe tiếng đàn của con tôi hạnh phúc lắm", chị Dương tâm sự.
Con muốn có một công việc ổn định để giúp đỡ cha mẹ
Biết rõ hoàn cảnh gia đình học sinh Đậu Ngọc Kiên, các thầy cô giáo Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên gia đình em.
"Chúng tôi đều là người Nghệ An và năm 2005 được Hội người mù Nghệ An cho ra Hà Nội học nghề tẩm quất, xoa bóp, bấm huyệt tại Trung tâm đào tạo cán bộ phục hồi chức năng cho người mù (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Năm 2008, chúng tôi mới bén duyên nhau và năm 2010 sinh cháu Kiên.
Năm 2015, khi cháu Kiên 5 tuổi tôi mới ra Hà Nội làm thuê cho một cơ sở tẩm quất, xoa bóp bấm huyệt, chủ cho cả hai mẹ con ở tại chỗ làm luôn và tôi xin được cho Kiên vào Trường Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 2018 chồng tôi nghỉ bán tăm, hai vợ chồng quyết định thuê một căn nhà để cùng làm nghề, vừa nuôi con ăn học. Từ đó đến nay, vì nhiều lý do chúng tôi đã chuyển thuê nhà 3 lần rồi, nhưng cũng chỉ quanh phố Kim Ngưu để tiện cho con đi học.
Thầy cô giáo cũng tạo điều kiện, miễn học phí cho Kiên, cháu chỉ phải đóng một chút tiền ăn 600.000-700.000 đồng/tháng. Khi có các nhà tài trợ học bổng, Kiên cũng thường xuyên được ưu tiên. Ngay cả cái đàn nguyệt trị giá 4,6 triệu đồng - tài sản quý nhất trong nhà tôi lúc này, thầy dạy đàn của cháu cũng giúp quá nửa", chị Dương chia sẻ thêm.
Vấn đề nan giải nhất trong công việc mưu sinh của gia đình cháu Kiên là công việc của anh Xuân, chị Dương không ổn định. "Khi trái gió trở trời, mọi người mệt có nhu cầu xoa bóp bấm huyệt nhiều thì bản thân mình cũng mệt, không làm được nhiều. Còn bình thường thì khách lại ít. Trong khi giá thuê nhà thì không vì điều đó mà thay đổi.
Nghề của chúng tôi phải có không gian để khách để xe, kê giường làm nên chi phí cao. Giá thuê căn nhà này cũng là 9 triệu đồng/tháng, tầng 1 chỉ để xe, tầng 2 làm và tầng 3 gia đình ở. Cộng thêm điện nước vào nữa nên nhiều khi rất khó khăn", chị Dương cho biết.
Cảm nhận rõ sự nhọc nhằn của cha mẹ, Đậu Ngọc Kiên luôn cố gắng đạt kết quả học tập tốt nhất, đặc biệt đầu tư vào niềm đam mê tiếng Anh với hy vọng sau này trưởng thành, có được một công việc ổn định để phụ giúp cha mẹ.
Kiên chia sẻ: "Con học đàn từ khi bắt đầu vào lớp 3. Khi chưa bị tăng nhãn áp, con có định hướng theo âm nhạc, vào nhạc viện và theo học thầy được 3 năm.
Thời điểm cuối lớp 5, con phát hiện mình bị tăng nhãn áp và không thể chơi thể thao, học đàn nguyệt như trước nữa. Ban đầu, con buồn nhưng nhìn sang bên cạnh, có những bạn còn bị mù, không nhìn thấy gì, con thấy mình vẫn còn may mắn.
Bây giờ con muốn tập trung học thật tốt tiếng Anh, tin học để hy vọng có một nghề nghiệp ổn định để giúp đỡ gia đình".
Là người gần gũi học sinh và rất hiểu hoàn cảnh gia đình cháu Kiên, cô giáo Trần Thị Phương Lan - Phó hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho hay: "Kiên là học sinh ham học và học tốt. Nhưng việc bị tăng nhãn áp khiến việc học tập, những sở thích đam mê của em phải tiết chế lại nhiều.
Biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn, những năm qua, nhà trường luôn tạo điều kiện, ưu tiên cho Kiên được nhận những tài trợ, học bổng đột xuất để động viên em.
Em Kiên suy nghĩ trưởng thành hơn so với các bạn cùng lứa. Em biết lo cha mẹ tốn kém, thương cha mẹ nên quyết tâm đầu tư vào tiếng Anh, tin học để có một công việc ổn định, từ đó sẽ có tiền "nuôi" những đam mê của em như cờ vua, đàn nguyệt.
Chúng tôi mong các nhà hảo tâm hỗ trợ cho Kiên để cháu có thể phát triển hết tài năng của mình".
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Chị Lê Thị Dương - Địa chỉ: số 19, ngõ 433 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 0989858646
Số tài khoản: 0989858646 - Ngân hàng MB – Chủ tài khoản: Lê Thị Dương
Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay.
Vui lòng ghi rõ: [SĐT người ủng hộ] Ủng hộ MS 121124
Số tiền bạn đọc ủng hộ sẽ được chuyển khoản đến gia đình cháu Kiên từ ngày 1 đến 10 tháng 12 năm 2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.