Khốn khổ học nhờ nhà văn hoá
Đến xã Nghĩa Dũng những ngày này, trời rét như cắt da, cắt thịt, chúng tôi chứng kiến hàng trăm em học sinh tiểu học phải vượt quãng đường hàng chục km để đến nhà văn hoá xóm học tập.
|
Công trình tiền tỷ bỏ hoang không một bóng công nhân. |
Thầy giáo Hoàng Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Dũng bức xúc cho biết: "Từ tháng 10.2010 trường có 9 lớp phải tháo dỡ phòng học nên học sinh phải đi học nhờ các nhà văn hoá. Khổ nhất là ngày mưa dầm gió rét, các em phải lội bùn để đến trường. Những em ở xa, hàng ngày bố mẹ phải chở tới trường, làm cho công việc và cuộc sống gia đình bị đảo lộn".
Không những vậy, rất nhiều lần các em tới lớp nhưng lại trúng vào hôm họp xóm nên bác xóm trưởng tuyên bố: "Phải lấy hội trường để họp" và giáo viên, học sinh đành phải ngậm ngùi quay về. Nhiều lần các em học ở trong nhưng phía ngoài sân người ta lại tổ chức đấu bóng, vui chơi hát hò không thể tiếp thu bài được...
Cô giáo Lê Thị Ba đang "vật lộn" với gần 30 em học sinh lớp 2 trong một phòng học quá tải, than thở: "Hơn ai hết, thầy cô giáo của trường rất mong ngày trường được thi công trở lại, sớm hoàn thiện để học sinh có trường học. Hàng ngày phải dạy dỗ các em trong một phòng học quá tải, thiếu thốn đủ điều như thế này tôi cũng thấy thương các em lắm nhưng đành phải chấp nhận thôi…".
Chị Vũ Thi Hà - một phụ huynh bức xúc: "Khổ lắm, nhà có 2 đứa đi học thì một đứa học ở nhà văn hóa xóm Thuận Yên còn đứa nhỏ lại học ở nhà văn hóa xóm Đào Nguyên. Cái khổ của việc các cháu đi học xa đã đành nhưng lo lắng nhất là trường học tạm bợ như thế này thì chất lượng học hành của con em không biết sẽ đến đâu…".
Bức xúc của chị Tâm cũng là bức xúc chung của hầu hết bà con xã Nghĩa Dũng. Họ đang hết sức lo lắng cho chất lượng học tập của con em mình.
Công trình tiền tỷ bỏ hoang
Dự án công trình "kiên cố hóa trường học" Trường Tiểu học Nghĩa Dũng có tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng, thi công từ tháng 10.2010. Đến nay, công trình xây dang dở ở tầng 1, sắt thép đã hoen gỉ, gạch đá ngổn ngang, cỏ dại mọc um tùm. Hệ thống giàn giáo đã mục nát, những khối bê tông lơ lửng, có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Không riêng gì xã Nghĩa Dũng, hiện huyện Tân Kỳ có 13 công trình kiên cố hóa trường học đang bị ngưng trệ, đồng nghĩa với việc hàng nghìn học sinh phải khốn khổ đi học nhờ, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Doãn Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng cho biết: Theo kế hoạch, công trình Trường Tiểu học Nghĩa Dũng khánh thành vào tháng 8.2011. Thế nhưng Công ty cổ phần Xây dựng Hà Nam đã bỏ chạy từ tháng 2.2011 do không nhận được đồng nào. Lúc đó công trình đã xây dựng được phần thô 30 phòng học tầng 1 hết trên 1 tỷ đồng. Chúng tôi cũng bất lực trước tình trạng hoang hoá của công trình.
Tiến Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.