Học sinh mầm non có thể được đến trường sau Tết: Phụ huynh đắn đo, giáo viên mong chờ
Học sinh mầm non có thể được đến trường sau Tết: Phụ huynh đắn đo, giáo viên mong chờ
Mỹ Quỳnh
Thứ tư, ngày 12/01/2022 09:52 AM (GMT+7)
Trước thông tin học sinh mầm non có thể sẽ được đến trường đi học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều giáo viên mầm non cảm thấy tràn đầy hy vọng và mong ngóng. Ngược lại, nhiều phụ huynh thì vẫn dè dặt, e ngại dịch Covid-19.
Vừa qua, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2022 (quận 3) ngày 11/1, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang khôi phục dần để học sinh có thể học tập bình thường. Đến thời điểm hiện tại, học sinh từ lớp 7 - 12 đã có thể đi học trực tiếp, song song với hình thức học trực tuyến.
Đối với khối lớp từ mầm non đến lớp 6, UBND TP đã yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) TP.HCM xây dựng kế hoạch để các em có thể quay lại trường sau Tết Nhâm Dần 2022.
Ông Đức nhấn mạnh, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên suốt 2 năm qua, học sinh đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Thành phố sẽ tạo điều kiện hết sức cho con em được học tập trực tiếp trên cơ sở đảm bảo an toàn, tạo điều kiện học tập tốt nhất để bù đắp cho các em.
Phụ huynh đắn đo
Chị Đỗ Quyên (ngụ quận 12) cho biết, để có thể đi làm chị buộc phải gửi con về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Quê ở xa, thời gian đi làm nhiều nên vợ chồng chị rất khó khăn trong việc về thăm con. Chính vì vậy, hơn ai hết chị rất mong ngóng ngày được đón con lên thành phố, được đi học. Thế nhưng, trước thông tin sau Tết Nguyên đán 2022, trẻ mầm non có thể đi học trở lại thì chị lại khá phân vân.
Theo chị Quyên, cũng như những phụ huynh khác, vấn đề sức khỏe của con được chị đặt lên hàng đầu. Trước tình hình dịch Covid-19 còn khá phức tạp, biến thể mới cũng đã xuất hiện tại TP.HCM nên chị rất cân nhắc.
"Tôi thấy trẻ con không được đến trường, chỉ quanh quẩn ở nhà là rất thiệt thòi, nhất là lứa tuổi mầm non. Nhưng cho con đi học thì cũng lo lắng quá. Bản thân tôi đang bị rơi vào tình huống nửa muốn, nửa không. Nếu vì muốn được gần con, muốn con đi học mà không may con nhiễm bệnh cũng khổ, ngoài việc ảnh hưởng sức khỏe của con thì hai vợ chồng cũng phải chật vật, nghỉ việc để lo cho con. Mà không cho đi học, cứ tình hình này chẳng biết bao giờ mới ổn", chị Quyên bộc bạch.
Tương tự, anh Văn Dũng (quận Bình Thạnh) cũng cho biết đang rất lưỡng lự. Anh Dũng có hai con trai đều ở lứa tuổi mầm non, suốt thời gian qua anh vừa đi làm, vừa trông con. Vì vợ anh làm việc hành chính nên anh phải "cân" cả việc làm lẫn việc chăm con. Khi có việc ra ngoài, anh phải để hai đứa trẻ tự chơi với nhau trong nhà.
"Thời gian đầu khi để hai con tự ở nhà, ruột gan cứ nóng ran. Vì công việc nên phải tranh thủ đi, mà mảng theo con thì bất tiện, hàng xóm đều đi làm nên không nhờ được ai... Cho đến bây giờ, việc hai bé ở nhà là thường. Có những hôm mải công việc, ngẩng đầu lên mới nhớ hai cu cậu ở nhà một mình, tôi chạy vội về thì thấy các con ngủ lăn quay, rất thương", anh Dũng kể.
Thế nhưng, việc cho con đi học trở lại, anh Dũng vẫn rất băn khoăn. "Tất nhiên, mọi thứ đều tuỳ thuộc tình hình chống dịch Covid-19. Tôi nghĩ mình vẫn quán xuyến được nên sẽ cân nhắc, chờ khi nào dịch bệnh được kiểm soát, các con an toàn nhất thì mới cho đến trường".
Giáo viên mong chờ
Gần một năm rời xa bục giảng, chuyển qua làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống, cô V.T.L (ngụ Gò Vấp) cho biết, lúc nào cũng mong ngóng đến ngày trường mầm non mở cửa để được đi dạy trở lại.
"Tôi cũng như rất nhiều giáo viên khác đều đang rất mong được đi làm trở lại. Chúng tôi chọn nghề giáo viên mầm non, yêu thương trẻ con, nên có làm những nghề nghiệp khác thì lúc nào cũng nhớ các bé, mong sớm được gặp lại các bé.
Hay tin sau tết có thể các trường mầm non được mở cửa trở lại, thật sự tôi rất vui. Cảm giác hồi hộp, mong chờ và hy vọng lắm. Mong rằng đây sẽ là lần mở cửa mãi mãi, không có việc lặp lại như thời gian qua chứ cả cô và trò đều quá vất vả", cô L bày tỏ.
Cô H.V (ngụ Tiền Giang) cũng đang rất vui và cho biết, sau khi ăn Tết cùng gia đình thì sẽ gói ghém đồ đạc để lên thành phố.
"Thực sự chưa biết chính xác có được đi dạy trở lại sau Tết hay không, nhưng tôi cũng sẽ lên thành phố. Tôi đã "nghỉ ngơi" nhiều tháng rồi nên sẽ lên thành phố kiếm việc làm, chờ đợi quyết định được đi dạy. Dù sao đây cũng là tín hiệu rất vui mà tôi trông chờ suốt thời gian qua", cô V nói.
Tại cuộc họp chiều 10/1, đại diện Sở GDĐT TP.HCM cho biết, kế hoạch đi học trực tiếp của học sinh toàn thành phố thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP chứ không dựa vào cấp độ dịch. Cụ thể, khi thay đổi cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục sẽ thay đổi hình thức tổ chức dạy học tương ứng, thể hiện sự linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tiếp khi phòng, chống dịch.
"Quan điểm của Sở GDĐT là luôn tạo điều kiện cho người dân sinh sống cũng như làm việc trong điều kiện thuận lợi, phù hợp hoàn cảnh từng gia đình, làm sao chăm lo tốt nhất cho học sinh. Việc học trực tiếp ở trong TP.HCM hay ở địa phương khác thì Sở đều tạo điều kiện thuận lợi để chăm lo cho học sinh tốt nhất", đại diện Sở GDĐT TP cho biết.
Trước câu hỏi có phải Sở đang chờ hoàn thành việc tiêm vaccine cho nhóm 5-11 tuổi thì mới đề xuất cho học sinh tiểu học trở lại trường, đại diện Sở GDĐT khẳng định, đây chỉ là một trong các tiêu chí để quyết định. Sở đã chuẩn bị và tham mưu lãnh đạo TP.HCM để mở rộng dạy học trực tiếp. Còn thời gian, kế hoạch cụ thể sẽ theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.