Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình và sách giáo khoa mới cho biết, ngoài những thay đổi quan trọng ở nhiều môn học chính, môn nghệ thuật cũng có những bổ sung, mở rộng. Đặc biệt, ở THPT sẽ chia nhánh dạy thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công...
Thiết kế thời trang sẽ trở thành một môn học nghệ thuật của học sinh cấp 3. Ảnh minh họa: IT
Đây được coi là những môn học có tính ứng dụng cao vào cuộc sống, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Việc đưa các môn học nghệ thuật này cũng góp phần giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, xác định được năng khiếu thẩm mĩ của mình để có những lựa chọn đúng đắn trong tương lai.
Không chỉ môn nghệ thuật, các môn học phụ trước đây cũng có nhiều thay đổi phù hợp với sự phát triển đời sống xã hội và có tính ứng dụng cao. Môn đạo đức, giáo dục công dân cũng được điều chỉnh mạnh mẽ. Ở cấp tiểu học và THCS là môn bắt buộc và ở cấp THPT là môn tự chọn.
Cụ thể, cấp tiểu học, môn đạo đức hướng tới giáo dục hành vi, kỹ năng. Cấp THCS chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm công dân, giáo dục pháp luật, cấp THPT chú trọng giáo dục pháp luật và kinh tế.
Ngoài ra, trong mỗi năm học, những học sinh có định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học được chọn học một số chuyên đề nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, chương trình mới cũng thiết kế các hoạt động trải nghiệm một cách thực tế, bám sát đời sống. Cụ thể, có 4 nội dung trải nghiệm: Hoạt động phát triển cá nhân; hoạt động lao động; hoạt động xã hội, thiện nguyện; hoạt động hướng nghiệp.
Thời gian dành cho hoạt động trải nghiệm ngoài các tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sẽ có các tiết học theo chuyên đề, hoạt động ngoài giờ trên lớp (8 tiết/tháng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.