“Học thế này sao con trở thành người bình thường?”

Thứ hai, ngày 09/01/2017 17:15 PM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự hoang mang lẫn bức xúc trước áp lực học tập của con trẻ hiện nay tại buổi nói chuyện chuyên đề về dạy con do Trường THCS-THPT Đức Trí, Phú Nhuận, TPHCM tổ chức. Có người mẹ còn thốt lên: “Học thế này sao các con thành người bình thường?”.
Bình luận 0

Buổi nói chuyện mới đây với chủ đề “Hãy đón nhận con như chính bản thân con”. Diễn giả, ThS Đinh Thanh Phương (Hội quán Các Bà Mẹ) đề cập đến những áp lực mà con trẻ đang phải gồng gánh. Người lớn, đặc biệt là cha mẹ đòi hỏi ở các em quá nhiều nên làm mọi cách “ép chín”, bắt trẻ già trước tuổi. Họ muốn con phải giỏi hơn nữa hay giỏi cái này rồi thì phải giỏi thêm cái khác…

img

ThS Đinh Thanh Phương cho hay người lớn đang đòi hỏi vô lý ở con trẻ

Trong quá trình tương tác, tư vấn với phụ huynh, bà gặp rất nhiều tình cảnh con trẻ ám ảnh việc học vì kỳ vọng của bố mẹ. Có em đến mùa thi là đổ bệnh, sốt, nôn ói, đau bụng… mà đi bác sĩ kiểm tra thể chất thì lại không có vấn đề gì. “Bà mẹ nói, chị không hề la hay đánh mắng con. Vậy nhưng, chỉ một ánh mắt buồn phiền, tiếng thở dài thất vọng của ba mẹ cũng có thể hạ gục con trẻ”, ThS Đinh Thanh Phương nói.

Không chỉ những em học kém mà bà Phương lưu ý phụ huynh cần chú ý đến cả các em học giỏi, đạt thành tích tốt. Những lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người làm các em không dám dừng lại, luôn phải giồng mình để đạt kết quả tốt hơn nữa hoặc ít nhất giữ được thành tích cũ. Điều này là một sự căng thẳng vô hình lên tinh thần con trẻ. Nhiều bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng như rất tươi sáng.. kết cục các em lại chọn cái chết.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh cũng hoảng sợ, hoang mang trước cảnh con trẻ học không có thời gian để nghỉ nhưng họ lại không gỡ bỏ được những áp lực học tập trong nhà trường.

img

Chị Kim Thư, một phụ huynh ở Gò Vấp, TPHCM cho hay con cái quay cuồng vì học thì làm sao có thể làm người bình thường

Chị Kim Thư, một phụ huynh ở Gò Vấp cho hay, con chị cũng nhiều đứa trẻ khác, quay trong vòng học tập. Đến một ngày vợ chồng chị cùng giật mình nghĩ "Học thế này con mình không thể làm người bình thường được".

Mà rõ ràng các cháu đang không bình thường. Bình thường sao được khi hết học ở trường rồi lại đi học thêm, đêm về làm bài, thời gian ngủ không đủ, không có thời gian vui chơi, đến ăn uống cũng phải vội vàng. Đúng như diễn giả Đinh Thanh Phương nói: "Chúng ta đang quá đáng với con trẻ. Người lớn đi làm 8 tiếng về còn phải nghỉ ngơi".

Biết vậy nhưng chính chị Thư cũng không biết phải tháo gỡ áp lực như thế nào vì nếu để buông bỏ, không kỳ vọng thì lo con sẽ không có động lực để cố gắng. Chị cũng như nhiều phụ huynh cũng lúng túng không biết làm cách nào để kỳ vọng của bố mẹ trở thành động lực chứ không phải áp lực cho con.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, công tác trong ngành y nói rằng gia đình bà, nhiều đời làm trong ngành y nhưng quan điểm rất rõ ràng, con cái sẽ chọn lựa nghề nghiệp mà các con yêu thích nên họ cố gắng xem việc học của con thật nhẹ nhàng.

img

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cũng cho biết, ngày nào bà cũng nhận được tin nhắn từ giáo viên, nhà trường nhắc nhở con làm bài tập

Nhưng rồi, bà nói rằng buông bỏ làm sao được khi mà ngày nào cũng như ngày nào, bà cũng nhận được tin nhắn từ nhà trường, từ giáo viên thông báo hôm nay con phải hoàn thành những bài tập nào, nội dung gì, môn này đến môn khác. Mình chỉ đọc tin đã hoảng hỏi con trẻ làm sao. Đi học về con ăn uống đại khái rồi ôm lấy sách vở để làm bài tập.

Theo bà, giáo viên cũng bị áp lực ở trên xuống nên chúng ta phải xem lại chương trình học. Người mẹ đề xuất, các cháu học hai buổi rồi thì làm sao để buổi sáng là học chương trình chính, buổi chiều xem lại bài tập rồi tham gia câu lạc bộ, năng khiếu, vui chơi. Về nhà là để các em tham gia vào sinh hoạt gia đình.

“Ngày xưa chúng ta phải xếp hàng để đi mua gạo nhưng giờ chúng ta phải xếp hàng đi chữa bệnh. Trong đó có nhiều bệnh vì học. Các con bây giờ khổ quá!”, bà Hạnh nghẹn lời.

Chia sẻ tâm can của người mẹ đã thay lời cho phụ huynh tham gia chương trình, mọi người gật gù rồi vỗ tay liên tục.

Sau khi phát biểu, bà Hạnh bấm điện thoại, mở cho PV Dân trí xem hàng chục tin nhắn từ giáo viên, nhà trường gửi qua hệ thống liên lạc điện tử cho phụ huynh để nhắc nhở con làm bài tập.

ThS Đinh Thanh Phương đồng tình, việc để bố mẹ tháo bỏ được áp lực cho con là chuyện không dễ dàng. Cha mẹ phải xách định rõ mình muốn con như thế nào. Nếu bị áp lực, đứa trẻ có thể thành công như chưa chắc đã hạnh phúc. Điều cần thiết nhất là cha mẹ cần phải dành thời gian, có những khoảnh khắc sống chung với con để hiểu con thật sự muốn gì, đừng đòi hỏi quá nhiều ở con mà hãy chấp nhận một số điểm nào đó chưa hoàn thiện của con.

Hoài Nam (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem