Thi Đại học và áp lực của... con nhà giàu

Thứ ba, ngày 02/08/2011 06:18 AM (GMT+7)
"Con nhà giàu trượt có hai thái cực, một là chả lo gì, hai là cực kỳ lo lắng . Gia đình khó khăn mà thi trượt có thể vì hoàn cảnh, còn “quý tử” mà thi trượt là do bản thân thôi, không đổ lỗi cho điều kiện được”, một tiểu thư tâm sự.
Bình luận 0

Trượt thì đi du học

Trọn vẹn được 3 điểm cho ba môn thi vào một trường hàng “top”, những tưởng khi biết điểm, Lâm, con một ông chủ kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép ở Q.11, TPHCM sẽ phải ngại ngùng lắm, ai ngờ cậu tỉnh bơ thông báo với bố mẹ rồi còn gọi điện khắp nơi khoe mình đạt… điểm chuẩn không cần chỉnh.

Nhóm bạn của Lâm đều “rổ rá như nhau”, toàn thuộc diện cho nhà giàu, đi thi đại học lấy "số má" cho vui. Mỗi người một kế hoạch, nhưng số đông trong nhóm này là trước mắt thảnh thơi chẳng đến trường nên cứ chơi cho tẹt ga, còn khi nào thích thì sẽ lên đường du học bên trời Tây.

Lâm không giấu diếm, bố mẹ đã nhắm cho cậu mấy trường ở Anh hoặc Mỹ, lúc nào cậu sẵn sàng chỉ việc lên đường dù Lâm chưa biết mình có thể học về lĩnh vực nào, mà cậu cũng chẳng quan tâm vì “cho gì học nấy”.

Lâm chưa vội đi ngay vì: “Sang bên khổ lắm chứ bộ, phụ huynh gửi cho bao nhiêu tiêu bấy nhiêu chứ đâu được tự do như ở nhà. Nên giờ cứ phải tranh thủ mà tiêu đã, chưa học thì còn đó, mất đi đâu mà vội”.

Xài hết không dưới 50 triệu của bố mẹ trong chuyến lên thành phố thi đại học, D.A, con một gia đình giàu có trong ngành tôm ở Cà Mau cũng hoàn thành trách nhiệm khi “tặng” bố mẹ 5,5 của ba môn thi vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Thật ra số điểm này bố D.A tự lên mạng dò chứ cô con gái cũng chẳng bận tâm vì đang vi vu với bạn bè ở Hội An. Biết điểm của mình cô gái còn thản nhiên: “Sao cao dữ vậy ta?”.

Nhớ mấy ngày đi thi, D.A được tài xế của gia đình chở bằng xế hộp lên thành phố, ở khách sạn bốn sao, thi xong cô còn “quét” đống đồ đạc tại một trung tâm thương mại đắt đỏ làm rất nhiều người choáng váng. Hơn nữa bạn bè đều biết lực học của D.A không trượt tốt nghiệp là lạ, sao còn thi vào trường “top” thì cô bạn cười: “Thi trường nào thì cũng trượt , cớ sao không chọn trường “xịn” mà trượt cho...oách”.

Bố mẹ gọi điện than phiền, D.A còn lý lẽ: “Bố mẹ có học hành gì đâu mà còn hơn khối người đấy! Sang năm con đi du học về bằng quản trị về tiếp quản công ty bố là được rồi!”.

Chuyện những con đại gia khi đi thi cực kỳ rầm rộ bằng những chiếc xe siêu sang nhưng điểm thi… nằm ở hàng cuối chẳng phải là hiếm. Như mới đây “quý tử” ở Hải Dương thi đại học bằng xe Bentley hay quý tử khác ở Lạng Sơn, con Lexus đưa đón tận cổng trường nhưng kết quả thi “quý tử” nào cũng chỉ tà tà 3 đến 5 điểm.

Hầu hết gia đình các quý tử đều đã có phương án đổ tiền để con tiếp tục theo con đường học hành ở nước ngoài. Thế nên dễ hiểu là chẳng có lý do gì mà họ phải phiền lòng với những số điểm mà họ cho rằng chẳng có giá trị gì hết.

Áp lực của con nhà giàu

Thế nhưng không phải tất cả những “quý tử” đều nhận tin trượt đại học một cách ráo hoảnh như vậy. Không ít bạn trẻ sinh ra trong những gia đình có điều kiện nhưng họ không hề thờ ơ với việc học mà còn rất được bố mẹ kỳ vọng. Nên khi đó việc thi đậu trở thành một áp lực với họ.

Sau kỳ thi, những tưởng với Thu Phương, con một đại gia về sản xuất bao bì tại TP.HCM sẽ chẳng gì phải lo lắng vì trượt cũng sẽ có bố mẹ “rải thảm” nhiều phương án khác.

Nhưng thật ra, 3 tuần chờ đợi điểm thi là thời gian đang sợ nhất của Phương vì cô không biết nếu điểm thấp lè tè thì sẽ phải đối mặt với bố mẹ thế nào. Dành được 17 điểm thi, chưa biết điểm chuẩn của trường nhưng với số điểm đó cơ hội vào đại học với Phương không khó nhưng cô bạn vẫn tỏ ra tiếc nuối.

Theo Phương, nói con nhà giàu không sợ trượt đại học là không đúng. Điều đó chỉ đúng với những bạn được bố mẹ quá nuông chiều rồi ỉ lại còn thật ra với nhiều bạn giàu có, áp lực với nhiều người còn nặng nề hơn vì họ vốn có điều kiện học hành hơn.

“Theo mình con nhà giàu trượt có hai thái cực, một là chả lo gì, hai là cực kỳ lo lắng . Gia đình khó khăn mà thi trượt có thể vì hoàn cảnh, còn “quý tử” mà thi trượt là do bản thân thôi, không đổ lỗi cho điều kiện được”, Phương chia sẻ về suy nghĩ của mình.

Phương cũng lấy dẫn chứng người bạn của mình là con đại gia “cỡ bự” ở Bình Dương nhưng vừa rồi thi chỉ được 13 điểm, đang vô cùng buồn bã. Thậm chí, cô bạn còn tắt điện thoại, không online tạm ngưng liên lạc với mọi người vì thấy xấu hổ. “Bạn ấy nói thi trong nước mà không đỗ thì có đi du học cũng chẳng vẻ vang gì!”

Không phải nhìn đâu xa, là “đại gia” của chính mình từ lúc lên 10 tuổi, kiếm được rất nhiều tiền từ khả năng chơi cờ thế nhưng kỳ thủ Lê Quang Liêm chia sẻ không vì thế mà cậu bỏ bê việc học. Hơn nữa, Quang Liêm còn luôn tự nhắc nhở mình, có điều kiện thì càng phải cố gắng học tốt.

Kỳ thủ này luôn đặt ra mục tiêu học tập cho mình và cậu cũng đã từng rất lo lắng nếu thi trượt đại học thì sẽ thế nào. Quang Liêm làm mọi người bất ngờ khi vừa là một kỳ thủ tầm cỡ quốc tế nhưng cậu vẫn không để đam mê chơi cờ ảnh hưởng đến việc chính là học. Hiện, Liêm là sinh viên khoa Tài chính Ngân hàng (ĐH Sài Gòn).

Theo Dân trí
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem