Giải chọi trâu
báo NTNN diễn ra tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chứng kiến nhiều màn đọ sức cân
não đến từ 32 ông trâu từ khắp mọi miền tổ quốc. Sau mỗi màn đối đầu căng thẳng,
việc bắt lại những ông trâu chọi có thể coi là “một nghệ thuật” của người bắt
trâu.
Để dắt được mũi một ông trâu ra dễ dàng như này, đòi hỏi kinh nghiệm rất nhiều của những người bắt trâu.
Khi trận đấu kết
thúc, ông trâu chọi giành chiến thắng sẽ trở nên hăng máu, tìm mọi cách đuổi
theo và húc ông trâu thua cuộc đang bỏ chạy. Công việc của những người bắt trâu
đó là phải kìm hãm lại sự hăng tiết của những ông trâu dành chiến thắng. Đôi
khi, công việc khó khăn ấy đánh đổi lại rất nhiều nguy hiểm đối với bản thân.
Gia đình ông
Nguyễn Văn Thiệu (Thanh Hà, Hải Dương) vốn có hơn 6 năm kinh nghiệm làm bắt
trâu ở nhiều giải chọi trâu lớn trên cả nước. Ông Thiệu cho rằng: “Khi những
khán giả vẫn đang sung sướng, hò reo cổ vũ những ông trâu giành chiến thắng thì
chúng tôi bắt tay vào việc kìm hãm sự sung mãn và sung sướng ấy của những ông
trâu.”
“Công việc bắt lại
những ông trâu hăng tiết đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là kinh nghiệm
“cầm và nuôi” trâu. Người bắt trâu phải hiểu đặc điểm của từng ông trâu một, hiểu
rõ sức mạnh, độ lỳ hay cả tinh thần của ông trâu đấy thì mới có thể dễ dàng bắt
lại nó. Giả dụ như những ông trâu he mũi, để bắt lại được phải cần đến cả dây
thừng trói lại. Bởi nếu không rất dễ bị chúng tấn công khi còn đang say máu.” –
Ông Thiệu cho biết.
Có hai điều quan
trọng mà những người bắt trâu cần phải nhớ, đó là không lạm dụng “sức mạnh và số
đông”. Càng đông người tham gia bắt trâu khi chúng đang hăng tiết thì trâu càng
hoảng, càng chạy thục mạng hơn. Bình thường khi tham gia bắt trâu chỉ 2 người
là đủ, 3 người thì là hợp lý nhất.
Ông Thiệu cũng chia sẻ: “Việc tham gia bắt
trâu cũng không cần khỏe, đương nhiên khỏe là tốt song quan trọng nhất là phải
biết lựa và khéo. Lựa là lựa lúc tinh thần trâu xuống, khi trâu đang hăng,
không nên đuổi, càng đuổi chúng càng chạy hăng hơn. Khéo là lúc dắt mũi thắt
dây, lựa hàm và mũi trâu mà móc, không cẩn thận mà để trâu húc thì chuyện gãy
chân gãy tay là điều đương nhiên.”
Hơn 6 năm làm
nghề nuôi trâu và bắt trâu ở các giải chọi trâu tại nhiều nơi, ông Thiệu cũng từng
chứng kiến một số tai nạn không đáng có xảy ra.
Ông nhớ lại có một lần tham gia
bắt trâu trên Tuyên Quang, có hai bố con trong đội bắt trâu. Người con khi đã bịt
được mắt ông trâu, trâu có dấu hiệu chững lại. Người bố thấy thế tưởng nó dừng
rồi vào dắt mũi. “Ai dè khăn bịt tụt, trâu nhìn thấy đối phương vẫn còn phía
trước thế là lao thẳng lên, húc thẳng vào người bố. Cũng may mà không tử vong,
chỉ phải khâu hơn chục mũi ở mạng sườn.”
Một vật thiết yếu
của người bắt trâu đó là chiếc cờ dùng để bịt mắt trâu khi trâu đang hăng tiết.
Nếu không có những chiếc cờ hay khăn này, có khi trâu đuổi đối phương mãi đến
khi nào hết sức thì thôi.
Bắt trâu là một
nghề nguy hiểm, người bắt trâu vì thế cũng đòi hỏi phải có bản lĩnh và kinh
nghiệm dày dạn. Đến với hội chọi trâu lần này, ông Thiệu cũng mang theo hai người
con trai lớn. Ông cho rằng nghề bắt trâu là truyền thống vốn có từ nhiều đời
trong nhà, nên muốn hai người con cùng tham gia với bố để gìn giữ truyền thống
này.
Nguyễn Dũng (Nguyễn Dũng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.