|
Ông Thái Văn Dễ kể hồi ức về Hội ND giải phóng Châu Bình. |
Nông hội ngày ấy...
Năm nay bước sang tuổi 80, nhưng ông Thái Văn Dễ, ngụ ấp Bình Lợi còn rất minh mẫn. Ông kể: “Ngay sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng ra đời, Hội ND giải phóng (Hội NDGP) được thành lập, tôi cùng với ông Năm Đen, Tám Hửng, Tám Di được Bí thư chi bộ Nguyễn Công Trữ kết nạp vào Hội đợt đầu. Sau khi vào Hội tôi được cử đi học một tháng về công tác vận động quần chúng. Đi học về, chi bộ phân công tôi làm Phó thư ký Nông hội. Thời kỳ này ND xin gia nhập Hội rất đông, toàn xã có 8 ấp đều có tổ chức Nông hội, và chi hội ấp Bình Long trên 50% nông dân là hội viên. Ông cùng ông Ba Cần - Chánh thư ký Nông hội rà soát quỹ đất còn hoang hóa và đất địa chủ hiến rồi trực tiếp cấp cho những ND nghèo không đất để sản xuất".
Nhận ra vai trò Nông hội, năm 1966, bà Mười Ngà địa chủ giàu có tìm ông Dễ giao 3,2ha nhờ Nông hội cấp cho ND, trong lúc bà còn người con tên Tám Thi có ít đất cày cấy. "Thấy vậy, tôi hỏi lại Mười Ngà, con trai bà cũng đang thiếu đất bà tính sao? Bà nói, cấp cho ND bao nhiêu thì Nông hội cấp cho con tôi bấy nhiêu" - ông Dễ kể.
Không chỉ tận dụng quỹ đất hoang, đất của địa chủ hiến cấp cho ND, Nông hội Châu Bình còn vận động những hộ có nhiều đất thổ cư nhường hoặc cho ND nghèo thiếu nơi ở để cất nhà. Nhờ đó, ông Thái Văn Chẩn nhường cho Nguyễn Văn Thu 5.000m2; Thái Văn Trình nhường Nguyễn Thị Đê 1.800m2; bà Mười Ngự nhường Lê Văn Thu trên 1.000m2…". Sau ngày giải phóng đến nay những người hiến, nhường đất để Nông hội cấp cho ND nghèo không ai đòi lại"- ông Dễ nói.
Nông hội không chỉ lo đất sản xuất, đất ở cho ND nghèo mà còn tham gia vận động thanh niên lên đường nhập ngũ; làm nòng cốt phát động ND trồng cây gây rừng, cải tạo địa hình tránh địch bắn pháo.
Và hôm nay
Năm 2010, ngoài tuyến lộ từ huyện vào Châu Bình dài 13km được nâng cấp trải nhựa cho hai làn xe cơ giới và phần dành cho xe gắn máy, xe thô sơ; các tuyến đường đến 8 ấp đều được tráng nhựa hoặc bê-tông hóa với số tiền hàng chục tỷ đồng, trong đó năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 nhân dân trong xã đã góp 880 triệu đồng nâng cấp hoặc mở mới 13km đường giao thông nông thôn.
Tiêu biểu như cha con ông Thái Văn Dễ ủng hộ 45 triệu đồng xây mới cây cầu bê tông thay cầu khỉ nối ấp Bình Lợi vào ấp Bình Long; ông Tô Văn Ni ở ấp Bình Đông ủng hộ 150 triệu đồng bắc cây cầu treo dài 30m giúp 150 hộ dân đi lại thuận tiện. Năm 2010, Châu Bình có 2 nhà máy nước phục vụ sinh hoạt; 100% gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia.
Đặc biệt, phong trào thi đua chuyển dịch cây trồng, vật nuôi đã lôi cuốn hàng ngàn hộ ND, như mô hình trồng ca cao xen trong vườn dừa thu nhập 130 triệu dồng/ha/năm của hộ anh Nguyễn Văn Lem ấp Bình Đông A; mô hình ca cao xen dừa kết hợp nuôi ba ba, trồng mía thu lợi hàng trăm triệu đồng/năm của chị Trần Thị Nên ấp 7; xóa nghèo từ đồng vốn Ngân hàng CSXH nhờ chăn nuôi heo kết hợp dịch vụ sửa xe gắn máy của vợ chồng anh Lê Văn Vĩnh ấp Bình Đông B…
Ông Đặng Minh Hoàng - Chủ tịch Hội ND xã Châu Bình cho biết, năm 2009, toàn xã có 519 hộ được công nhận SXKD giỏi. Khẳng định về sự đổi thay ở một xã hai lần được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, ông Võ Lâm Sơn Chủ tịch UBND xã Châu Bình nói: "Thành quả này bắt nguồn từ bề dày truyền thống mà Đảng bộ của nhân dân Châu Bình tạo dựng suốt 80 năm qua".
Năm 1995: Xã Châu Bình được tặng danh hiệu Anh hùng
Lực lượng vũ trang.
- Năm 2005: Xã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
- Năm 2006, xã được cấp bằng
Xã văn hoá cấp tỉnh.
- Xã có 487 liệt sĩ và 1 anh hùng lực lượng vũ trang.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.