Hội NDVN sơ kết Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam: Hơn 8.000 mô hình hiệu quả

Thu Hà Thứ tư, ngày 24/04/2024 18:46 PM (GMT+7)
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo sơ kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
Bình luận 0

Tham dự Hội thảo có ông Mai Bắc Mỹ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án; bà Trần Thị Vân Hồng – Chuyên gia của Tổ chức Earthcare Foundation (nhà tài trợ triển khai dự án); các đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch của 15 Hội Nông dân tỉnh, thành phố; các nông dân tiêu biểu tham gia dự án.

Hội NDVN sơ kết Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam: Hơn 8.000 mô hình hiệu quả- Ảnh 1.

Hội thảo sơ kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

Hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ - Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết: Theo Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ ba của Việt Nam gửi Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và công bố năm 2020, kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính lần gần nhất năm 2016 cho thấy tổng phát thải ròng trong lĩnh vực nông nghiệp là 44 triệu tấn CO2, tương đương với 13,9% tổng lượng phát thải nhà kính của toàn quốc gia. Trong đó, việc xử lý không đúng cách chất thải trong chăn nuôi và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những tác nhân lớn gây phát thải khí nhà kính.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%). Những chất thải, phụ phẩm này có rất nhiều công dụng trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn nhưng hiện nay phần lớn đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, việc quản lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có thể giúp gia tăng thu nhập của người nông dân.

Hội NDVN sơ kết Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam: Hơn 8.000 mô hình hiệu quả- Ảnh 2.

Ông Mai Bắc Mỹ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Quảng.

Để góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo hướng sinh thái, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE) xây dựng Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế". 

Dự án có thời gian thực hiện 4 năm từ năm 2021 đến năm 2024 và được triển khai tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, sau 3 năm triển khai Dự án đã đạt được những kết quả tích cực.

Hội Nông dân xây dựng hơn 8.000 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường

Báo cáo kết quả hoạt động của Dự án gia đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2024, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết: Dự án được thực hiện ở 15 tỉnh, thành phố với tổng số 135 phường, xã. 

Dự án có 5 mục tiêu chính, đó là: Biến rác thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý, tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên tác hữu cơ; Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nôn nghiệp và do thức ăn thừa; Bảo vệ môi trường; Cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; Nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Hội NDVN sơ kết Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam: Hơn 8.000 mô hình hiệu quả- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án báo cáo kết quả dự án.

Thực hiện Dự án, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 30 khóa tập huấn giảng viên nguồn (TOT) về xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 470 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại 15 tỉnh, thành phố; tổ chức 530 lớp tập huấn cho hơn 14.500 lượt hội viên nông dân về xử lý rác thải thân thiện với môi trường. 100% nông dân tự nguyện cam kết áp dụng các kỹ thuật đã được học.

Đặc biệt, thực hiện Dự án, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng được hơn 8.000 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Trong đó, gần 2.000 mô hình lên men phụ phẩm làm cây trồng thức ăn chăn nuôi; hơn 2.000 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng Trichoderma; gần 1.400 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; hơn 1.300 mô hình nuôi sâu canxi; hơn 1.300 mô hình nuôi sâu trùn quế.

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, giảng viên nguồn, đặc biệt là bà con nông dân - những người được hưởng lợi và trực tiếp tham gia thực hiện Dự án đã tích cực thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thống nhất các nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục thực hiện tốt Dự án trong thời gian tới.

Hội NDVN sơ kết Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam: Hơn 8.000 mô hình hiệu quả- Ảnh 4.

Tham gia Hội thảo có các đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch của 15 Hội Nông dân tỉnh, thành phố; các nông dân tiêu biểu tham gia dự án. Ảnh: Đức Quảng

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ - Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ghi nhận đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Dự án, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo và Ban Quản lý Dự án Trung ương, ông Mai Bắc Mỹ đề nghị Hội Nông dân các tỉnh, thành thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Ông Mai Bắc Mỹ nhấn mạnh: "Dự án đã bước sang giai đoạn tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình xử lý rác thải của Dự án. Ban Quản lý Dự án các tỉnh, thành phố bám sát hướng dẫn tổ chức các sự kiện truyền thông và hướng dẫn tổ chức các chuyến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, cần xây dựng kịch bản cụ thể và phân công kỹ càng nhiệm vụ của từng thành viên trước mỗi hoạt động. Đặc biệt, việc lựa chọn đúng các mô hình thực sự hiệu quả và đảm bảo kỹ thuật để tuyên truyền, lựa chọn các đối tượng phù hợp tham gia từng hoạt động là rất quan trọng".

Hội NDVN sơ kết Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam: Hơn 8.000 mô hình hiệu quả- Ảnh 5.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo sơ kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Ảnh: Đức Quảng

"Nỗ lực của mỗi cá nhân đóng góp một phần quan trọng quyết định thành công và hiệu quả của Dự án này. Tôi hi vọng với sự hợp tác của mạng lưới chuyên gia và Hội Nông dân 15 tỉnh, thành phố, Dự án sẽ đạt và vượt những mục tiêu đề ra, hơn hết, tạo tiền đề để kêu gọi thêm nguồn lực quốc tế nhằm mở rộng và nhân rộng Dự án, thúc đẩy cộng đồng cùng nhau xử lý rác hiệu quả hôm nay vì phồn vinh của cộng đồng ngày mai" – ông Mai Bắc Mỹ nói.

Kết quả hoạt động của Dự án giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2024

-Tổ chức 30 khóa tập huấn giảng viên nguồn (TOT) về xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 470 cán bộ Hội

-Tổ chức 530 lớp tập huấn cho hơn 14.500 lượt hội viên nông dân về xử lý rác thải thân thiện với môi trường.

-Xây dựng hơn 8.000 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem