Hội Nhà báo phải nâng cao vai trò phản biện

Thứ ba, ngày 10/08/2010 06:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước thềm Đại hội IX Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 10 đến 12-8 tại Hà Nội, NTNN đã phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - ông Lê Quốc Trung.
Bình luận 0
img
Ông Lê Quốc Trung

Đại hội đặt ra yêu cầu đổi mới, xin ông cho biết những hướng đổi mới chủ yếu của Hội nhiệm kỳ này là gì?

- Qua một nhiệm kỳ, có một số vấn đề cần quan tâm đổi mới. Đó là bám sát hoạt động các địa phương, các chi hội, tổ chức Hội trực thuộc và hỗ trợ, hướng dẫn họ trong hoạt động. Đồng thời tìm mọi khả năng tăng cường hơn nữa các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nghiệp vụ. Trong đó tiến tới xã hội hoá cao hơn công tác này.

Việc xã hội hoá các hoạt động nghiệp vụ theo ông có khả quan không?

- Xã hội hoá là một hướng đi cần thực hiện. Nhưng muốn vậy, công tác bồi dưỡng phải đạt chất lượng cao mới có thể thu hút được sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội và sự tham gia của báo giới.

Ngoài ra, Hội còn phải hướng đến những đổi mới khác, như việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo. Làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi nhà báo cũng là một trong những lý do thu hút hội viên và nâng cao uy tín của Hội.

img
Các nhà báo phỏng vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Điều này cũng liên quan đến vai trò phản biện của Hội với các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Hội sẽ phải chú trọng điều gì?

- Để nâng cao năng lực trong việc này, trước hết bản thân lãnh đạo Hội phải hiểu sâu các vấn đề mà báo chí quan tâm, cùng những nhu cầu, yêu cầu của báo giới, nhu cầu phát triển báo chí nước nhà. Như vậy mới có được những ý kiến phản biện kịp thời, xác đáng. Hội sẽ phải theo dõi sâu sát hơn các hoạt động của báo chí, cũng như trong những sự việc, vấn đề cụ thể; kịp thời nghiên cứu, tìm hiểu về các ngành nghề, vấn đề được báo chí, dư luận quan tâm.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đỗ Quý Doãn- Thứ trưởng Bộ TT&TT : Bộ và Hội cần phối hợp ở tầm cao mới

Công tác phối hợp giữa Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam cần phát triển lên tầm cao mới, toàn diện và sâu sắc hơn, như nâng cao sự tham gia của Hội trong quản lý nhà nước về báo chí, tập trung vào chiến lược xây dựng quy hoạch, phát triển báo chí, công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác khen thưởng và trách nhiệm bảo vệ nhà báo hành nghề đúng pháp luật.

TS. Vũ Văn Hiền - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam: Phải có chiến lược cho từng loại hình báo chí

Việc phát triển tổ chức Hội giúp cho báo chí có nơi gặp gỡ, tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp. Sự quan tâm của Hội sẽ là môi trường cho báo chí rèn luyện nghiệp vụ, tư tưởng, đạo đức. Mong rằng sự phát triển của Hội sẽ tác động tốt hơn cho sự phát triển của tất cả các loại hình báo chí và Hội sẽ có chiến lược phát triển, cổ vũ, động viên cho từng loại hình nói riêng, trong đó có báo nói. Hội sẽ thực sự là ngôi nhà chung lớn mạnh, tăng cường sức phản biện và sự đóng góp cho xã hội.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái – Khoa Báo chí (ĐH KHXH&NV Hà Nội): Hội cần có bộ phận thực nghiệm

Công tác báo chí luôn có hai mặt lý thuyết và thực hành nghiệp vụ báo chí. Hội cần phối hợp chặt chẽ hơn với các Khoa, Trường ĐH đào tạo về báo chí để có sự trao đổi giữa hai bên, tăng cường những bài giảng tốt cho sinh viên và giúp trang bị, bồi dưỡng về mặt lý thuyết cho các nhà báo. Tôi hy vọng Hội sẽ có một bộ phận thực nghiệm, có ý thức cao trong việc nghiên cứu, trao đổi và đẩy mạnh công tác bồi dưỡng các nhà báo theo hướng chuyên sâu vào các lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem