Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ cách làm hay để tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân

Nguyễn Phương - Phạm Hưng Thứ sáu, ngày 19/07/2024 14:40 PM (GMT+7)
Tại phiên thảo luận tại Hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 3 khoá VIII diễn ra ngày 19/7, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong việc tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân, khẳng định vị thế, uy tín của tổ chức Hội với chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Đời sống và sản xuất, nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Văn Trượng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định phát biểu: Đời sống của đa số nông dân hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Nông dân sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm về số lượng và già hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, phong trào nông dân; nhiều nông dân trình độ hạn chế, chỉ làm theo thời vụ, với mức thu nhập thấp. 

Trong khi đó, tình trạng giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng cao còn giá bán nông sản thấp, không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sinh kế, việc làm, thu nhập của người nông dân.

Chính vì thế, việc có một Trung tâm hỗ trợ nông dân là rất quan trọng. Trung tâm này có nhiệm vụ chính là tuyên truyền, hỗ trợ vốn, chính sách cho nông dân và phải được Nhà nước đảm bảo hỗ trợ phát triển, thúc đẩy kinh tế ở nông thôn. 

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ cách làm hay để tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trượng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Định phát biểu tại tổ thảo luận.

Ông Trượng kiến nghị, trong bối cảnh nhiều chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã ban hành, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan địa phương cần sớm chỉ đạo, hướng dẫn để các cấp Hội xây dựng đề án Trung tâm hỗ trợ nông dân. Bởi văn bản hướng dẫn rất quan trọng, để Hội Nông dân địa phương gắn được với quỹ của địa phương, giúp hỗ trợ toàn diện cho nông dân, qua đó gắn được trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện, kiểm tra quỹ này.

Ông Dương Đình Đức - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu kiến nghị: Quỹ HTND là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách thuộc Hội Nông dân các cấp, hoạt động của Quỹ HTND gắn liền với hoạt động của Hội Nông dân các cấp. Đây là nguồn lực to lớn, phương tiện để các cấp Hội tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tham gia vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, là phương tiện để thúc đẩy các phong trào nông dân, góp phần tích cực xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Từ nguồn Quỹ HTND đã góp phần đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ông Dương Đình Đức mong rằng, vấn đề pháp lý trong thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ HTND cần được hoàn thiện, theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND để nâng tầm Quỹ HTND trong giai đoạn tiếp theo.

Hội Nông dân các tỉnh không thể "tự bơi"

Đánh giá rất cao vai trò của Quỹ HTND thời gian qua, ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An nêu thực tế: Chúng ta thành lập Trung tâm hỗ trợ nông dân theo Nghị định mới là rất đúng, nhưng vấn đề là phải làm sao tạo cơ chế cho trung tâm này vận hành. Hội Nông dân các tỉnh không thể "tự bơi" khi lập trung tâm hỗ trợ nông dân mà lương phải tự lo theo lộ trình. 

"Không phải Hội nông dân tỉnh nào cũng có thể tìm nguồn tự lo lương, tự trang trải chi phí hoạt động nên chúng tôi chỉ mong Trung ương tạo điều kiện thế nào để các địa phương quan tâm tới vấn đề này. Rồi biên chế cho Trung tâm này hiện đến cấp huyện gần như là trống. Không đủ người thì không thể thành lập trung tâm hỗ trợ nông dân được"-ông Hùng nêu.

"Thế mạnh của Hội Nông dân các địa phương chính là tập hợp nông dân. Chúng tôi cũng vận động nông dân sản xuất, xúc tiến, quảng bá hỗ trợ tiếp thị sản phẩm cho bà con nhưng không có quỹ, không có tiền và không có cơ chế thuận lợi thì không thể làm gì được", ông Hùng cho biết.

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ cách làm hay để tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 2.

Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An phát biểu.

Trong bối cảnh nhiều địa phương còn lúng túng, khó khăn về việc thành lập Trung tâm hỗ trợ nông dân hay loay hoay với việc tìm cơ chế hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân thì Bắc Giang được cho làm một "điểm sáng" về thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn nói: "Hai việc mà Bắc Giang đang làm rất tốt hiện nay là việc tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân hàng năm và ngày càng nhiều số nông dân cài đặt nền tảng công nghệ số".

Theo ông Đoàn, Bắc Giang đã ban hành đề án thực hiện Nghị định số 37. Trước đó, Quỹ hỗ trợ nông dân của Bắc Giang phải cấp từ "nguồn kinh phí khác". Sau khi có Nghị định số 37 thì tiền hỗ trợ nông dân được chi từ nguồn ngân sách. "Nếu có đề án thì chi tiền này rất thuận, vốn hỗ trợ nông dân có thể coi là nguồn vốn dồi dào nhất vì mang lại hiệu quả kinh tế nhanh và ngay lập tức. Chúng tôi không có nợ xấu từ nguồn quỹ này", ông Đoàn khẳng định.

Tháng 4, Hội Nông dân Bắc Giang xin chủ trương, tháng 5 có đề án, quỹ thực hiện rất nhanh, rất hiệu quả. Chúng tôi cho vay xây dựng mô hình, hiện không có dư nợ quá hạn, cho nông dân vay đầu tư cây con giống mới rất hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thấy Hội Nông dân thực hiện tốt, rất đồng thuận. Từ đề án, hội thảo xin ý kiến, đến 16/7 được tỉnh thông qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt đề án với kinh phí hỗ trợ nông dân trên 50 tỷ đồng, các năm sau sẽ tăng dần quỹ lên thêm từ 5-6 tỷ đồng/năm. Cán bộ thực hiện của Bắc Giang cũng hầu hết là kiêm nhiệm.

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ cách làm hay để tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn quỹ hỗ trợ nông dân.

Ông Đoàn nêu kinh nghiệm, với Nghị định 37 nhất định phải có đề án, quan trọng là cách làm. Việc của Hội Nông dân địa phương là phải chỉ ra được những việc làm thiết thực, để lãnh đạo các tỉnh đồng thuận, triển khai. Như Bắc Giang chỉ mất 10 ngày làm đề án, 2 ngày để phê duyệt.

Kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đánh giá cao việc Hội nông dân các địa phương đã rất trăn trở về cách thức hỗ trợ nông dân, vì mong muốn các phong trào hỗ trợ nông dân được phát triển theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Về công tác tổ chức (cán bộ, thi đua, giao chỉ tiêu...) hay công tác kiểm tra (thời hiệu, thời hạn kiểm tra...), bà Thơm nêu, những gì bắt buộc, là quy định thì chúng ta phải thực hiện, còn lại rất cần sự vận dụng một cách khoa học mà vẫn tuân thủ đúng chính sách của các địa phương.

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ cách làm hay để tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 4.

Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì điều hành Tổ thảo luận số 3.

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ cách làm hay để tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân- Ảnh 5.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm phát biểu kết luận thảo luận.

Bà Thơm cũng nhìn nhận, hai câu chuyện về Trung tâm hỗ trợ nông dân hoạt động như thế nào, tổ chức bộ máy ra sao, Hôi Nông dân Trung ương còn phải bàn sâu, có đề án, có định mức kinh tế kỹ thuật thì mới có thể làm được một cách thuận lợi, đúng với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Trung ương sẽ tiếp thu để thực hiện một cách sớm nhất, để địa phương có thể sớm vận dụng hỗ trợ bà con nông dân, phát triển kinh tế địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem