Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Thảo luận 10 vấn đề quan trọng
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Thảo luận 10 vấn đề quan trọng
Đức Thịnh
Thứ năm, ngày 18/07/2024 15:55 PM (GMT+7)
Ngày 18/7, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội; các đồng chí đại diện Ban Dân vận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương...
Dưới sự điều hành, chủ trì của Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội đã thảo luận và cho ý kiến về 10 nội dung quan trọng.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Đức Quảng
10 vấn đề được thảo luận, đó là: (1) Công tác cán bộ; (2) Dự thảo Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028; (3) Dự thảo Quy định về công tác thi hành kỷ luật của Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028; (4) Dự thảo Báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; (5) Dự thảo Kế hoạch tổng kết thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/HNDTW ngày 04/7/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt nam (khóa VI);
(6) Dự thảo Kế hoạch xây dựng "Bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp"; (7) Dự thảo Hướng dẫn thành lập Hợp tác xã nông nghiệp; (8) Dự thảo Hướng dẫn tổ chức và hoạt động Câu lạc bộ nông dân với pháp luật; (9) Dự thảo Hướng dẫn thành lập mô hình Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; (10) Dự thảo Hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông".
Thành lập các mô hình câu lạc bộ của nông dân
Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến thảo luận sôi nổi đó là dự thảo Huớng dẫn thành lập các mô hình Câu lạc bộ của nông dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu được Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Đến nay, phong trào đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành phong trào trọng tâm, cốt lõi của Hội.
Bình quân hàng năm, qua bình xét, cả nước có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào, đã xuất hiện những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập, tư duy và năng lực vượt trội. Qua tổng kết phong trào, đã có những hộ nông dân giỏi có thu nhập hàng trăm tỷ đồng/năm.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cho biết: Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh việc phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân với pháp luật", "Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông"; phát động phong trào "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể"; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"…
Chính vì vậy, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh việc thành lập các câu lạc bộ vừa là tạo sân chơi để tập hợp những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; đồng thời thúc đẩy hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân ngày càng hiệu quả.
Vừa qua, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã trực tiếp đi khảo sát, xuống tận cơ sở, lắng nghe các thành viên Câu lạc bộ nông dân.
"Hội Nông dân tỉnh Bến Tre có Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú nuôi tôm hoạt động rất hiệu quả. Hay ở như ở Cà Mau có Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú ở nhiều lĩnh vực. Mỗi thành viên câu lạc bộ nông dân có khả năng riêng, có thành viên là tỷ phú nuôi cá, hay là tỷ phú nuôi cua… Nhìn chung các câu lạc bộ có nội dung hoạt động đa dạng, phong phú và sáng tạo; được lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao. Bản thân các thành viên câu lạc bộ này cũng rất phấn khởi khi được Hội Nông dân tập hợp tham gia các mô hình câu lạc bộ" - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: "Thực tế các câu lạc bộ của Hội Nông dân đã có từ lâu nhưng chưa được quy mô, bài bản. Vì thế cần có Hướng dẫn cụ thể của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc thành lập các mô hình câu lạc bộ nông dân".
Xây dựng "Bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp"
Một nội dung quan trọng nữa cũng được tập trung thảo luận tại Hội nghị, đó là về Dự thảo Kế hoạch xây dựng "Bộ chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp".
Trình bày dự thảo này, ông Nguyễn Tiến Cường – Quyền Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Thực hiện Chương trình công tác trọng tâm của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam năm 2024; Ban Kinh tế đã tham mưu dự thảo Kế hoạch xây dựng Chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; tiếp thu ý kiến của Thường trực Trung ương Hội tại cuộc họp ngày 15/7/2024 để hoàn thiện dự thảo Kế hoạch.
Về nội dung công việc và tiến độ triển khai, ông Nguyễn Tiến Cường đề xuất Thường trực Trung ương Hội xem xét thành lập Tổ biên tập xây dựng Chỉ số, tổ chức thu thập các thông tin, tài liệu; dự thảo sơ bộ một số Chỉ số cơ bản và mẫu phiếu điều tra khảo sát; tổ chức lấy ý kiến góp ý các dự thảo. Thời gian thực hiện: Tháng 7-8/2024.
Tổ chức điều tra, khảo sát thực tế tại một số địa phương; tổng hợp kết quả khảo sát; xây dựng Chỉ số và báo cáo thuyết minh (Dự thảo lần 1). Thời gian thực hiện: Tháng 9/2024. Tổ chức hội thảo/tọa đàm lấy ý kiến, hoàn thiện Chi số, hướng dẫn đánh giả (Dự thảo lần 2). Thời gian thực hiện: Tháng 10/2024
Tổ chức làm việc với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam để xây dựng phần mềm ứng dụng trên App Nông dân Việt Nam; thử nghiệm đánh giá gia định, phân tích kết quả đánh giá giả định, chỉnh sửa hoàn thiện Chỉ số và phần mềm (Dự thảo lần 3). Thời gian thực hiện: Tháng 11/2024.
Tổ chức thử nghiệm cho hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở một số địa phương thử nghiệm đánh giá đối với 01 loại sản phẩm; tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thử nghiệm. Thời gian thực hiện: Tháng 12/2024 - 3/2025.
Tổ chức lấy ý kiến về kết quả thử nghiệm; hoàn thiện Chỉ số, hướng dẫn đánh giá, phần mềm ứng dụng (Dự thảo lần 4). Thời gian thực hiện: Tháng 4/2025.
Trình xin ý kiến Thường trực Trung ương Hội; hoàn thiện trình Ban Thường vụ Trung ương Hội (Dự thảo lần 5). Thời gian thực hiện: Tháng 5/2025. Ban hành tài liệu Chỉ số đánh giá và tổ chức triển khai đánh giá trên diện rộng. Thời gian thực hiện: Tháng 6/2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Viêc xây dựng chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp là để tạo cơ sở để hội viên, nông dân tham gia đánh giá, phản ánh chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; giúp nông dân lựa chọn, sử dụng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt. Qua đó, góp phần kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; phát huy vai trò tham gia giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân các cấp.
Chính vì vậy cần đề ra lộ trình thực hiện phù hợp, thực hiện hết sức chặt chẽ và khả thi. "Các cấp Hội sẽ thực hiện thí điểm đến triển khai diện rộng; xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu, lộ trình thực hiện và kết quả đạt được. Chỉ số phải khách quan, dễ hiểu để hội viên, nông dân dễ dàng tham gia đánh giá; được ứng dụng trên App Nông dân Việt Nam" - đồng chí Lương Quốc Đoàn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.