Hội Phủ Dầy ngập tràn vàng mã

Thứ năm, ngày 18/04/2013 06:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hội Phủ Dầy khai mạc vào ngày 3.3 và kéo dài đến hết 10.3 (âm lịch) tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định. Mặc dù năm nay an ninh trật tự đã được đảm bảo, nhưng tình trạng đốt quá nhiều vàng mã thì vẫn chưa cải thiện...
Bình luận 0

 Sân đền sạch hàng quán

Như mọi năm, mùa lễ hội Phủ Dầy năm nay được khai mở vào ngày 3.3 âm lịch (tức 12.4) và sẽ kết thúc vào ngày 10.3 âm lịch (19.4). Ngay từ ngày 1.3 âm lịch, du khách thập phương đã nô nức trẩy hội về lễ Mẫu, cầu bình an, cầu lộc tài, cầu tự...

Lễ hội năm nay, trong phần lễ có các hoạt động tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc vào ngày 5.3; phần hội có hoa trượng hội, thả rồng bay, múa sư tử, thi đấu các môn thể thao cổ truyền như đấu vật, đánh cờ người, thi xếp chữ; hội thi hát Văn tại phủ Vân Cát, phủ Tiên Hương vào ngày 6.3...

img
Vàng mã bày kín sân phủ Vân Cát chiều 16.4.

Ban tổ chức lễ hội của huyện đã thành lập các tiểu ban bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Ban cũng xác định quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ và các nguồn thu nhằm tăng thu ngân sách cho địa phương; đẩy lùi các hiện tượng mê tín, tệ nạn xã hội...

Theo ông Trần Văn Tám - Công an xã Kim Thái, người phụ trách an ninh, trật tự tại phủ Vân Cát, lễ hội năm nay đang diễn ra tương đối an toàn, trật tự. Tại 10 khu vực đền phủ đều có công an xã trực 24/24 giờ, ngoài ra còn được công an tỉnh, huyện hỗ trợ từ ngày 3 đến 10.3 âm lịch.

“Tại lễ hội năm nay, hàng quán không được phép bày bán trong các sân đền, không có cảnh chèo kéo, “chặt chém” khách, đặc biệt là không còn diễn ra cảnh ăn xin nằm vạ vật. Du khách từ tỉnh xa về ở trọ tại các nhà nghỉ, nhà trọ bên ngoài khu vực đền nên an ninh trật tự được đảm bảo. Dù lượng khách trong những ngày rước hội rất đông, lên đến hàng chục ngàn người ở khắp nơi đổ về, nhưng vẫn được bố trí chỗ để xe ô tô cẩn thận, an toàn”- ông Tám cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Cảnh - người có gần 20 năm bán quán nước tại phủ Vân Cát cho biết, vẫn còn có nhiều khách bị giật dây chuyền, mất điện thoại do kẻ xấu lợi dụng đông người xô đẩy và ra tay.

Chật cứng vàng mã

Theo quan niệm dân gian cũng như truyền thống từ xưa tới nay, trong lễ hội Phủ Dầy khách thập phương thường dâng lên đức Thánh Mẫu cùng các quan thánh khác nhiều loại lễ vật khác nhau, thường là các đặc sản địa phương, bánh trái, hoa quả và một thứ không thể thiếu theo phong tục người Việt là vàng mã. Hầu hết tại các phủ, đền tại đây đều chật cứng voi, ngựa, mũ mão, hình nhân...

Chiều 16.4 (7.3 âm lịch) tại sân phủ Vân Cát, anh Nguyễn Văn Hải, quê Nam Trực (Nam Định), một người chuyên cung cấp hàng mã cho các chủ lễ tại Phủ Dầy đang tất bật chỉnh trang lại số voi ngựa, cho biết: “Tục lệ thờ Mẫu hàng trăm năm nay đều có hầu đồng, dâng voi ngựa, vàng mã. Những ngày này tại hội, số vàng mã đốt là vô kể. Chúng tôi cũng tất bật làm hàng bất kể ngày đêm, mang vào đây còn phải chỉnh trang lại cho tươm tất để bày lên giá cho chủ lễ”.

Vàng mã là do du khách đi lễ mang đến. Chúng tôi cũng nhắc nhở du khách sắp xếp vàng mã cẩn thận, hạn chế thắp hương trong các đền phủ phòng hỏa hoạn, lễ xong phải mang vàng mã ra ngoài bãi trước đền để đốt. Số vàng mã đốt trong một ngày thì không tính xuể.

Mỗi canh hầu đồng thường khoảng 4- 6 giờ, hầu ở đền, phủ nào thì chủ lễ phải đăng ký trước hàng tháng với nhà đền vì vào dịp lễ hội, lượng khách có nhu cầu lễ Mẫu rất đông, lịch lễ tại các đền phủ chật kín 24/24 giờ, đám lễ này vừa xong thì đám lễ khác vào thay thế ngay.

Chủ lễ ở đây là những người “có căn quả”, là “con nhang đệ tử” của các thánh cô, thánh cậu. Một canh hầu bao gồm chủ lễ, bà đồng, thầy cúng, cung Văn hát dâng và những người sắp xếp hàng mã, áo quần dâng Mẫu cho bà đồng hành lễ.

Tùy tấm lòng của chủ lễ mà lễ vật, vàng mã nhiều hay ít. Vàng mã ở đây cũng đa dạng, đủ các thể loại, kiểu dáng do khách thập phương đi lễ mang tới, được bày kín các sân phủ, đền chờ làm lễ. Nguồn vàng mã chủ yếu được các chủ lễ đặt ở Bắc Ninh, Thường Tín (Hà Nội), Nam Định, Thanh Hóa... nên mỗi thứ một vẻ.

“Hàng mã phục vụ một giá hầu bao gồm sơn trang, hình nhân, mũ, voi, ngựa... to nhỏ tùy theo điều kiện kinh tế của chủ lễ, nhưng một giá hầu thấp nhất cũng tốn khoảng 5 triệu đồng tiền mã, còn lại thì vô kể, đấy là chưa kể đến tiền lễ. Tính sơ sơ mỗi canh hầu, chủ lễ phải đầu tư từ 30-40 triệu đồng cho đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng”- anh Hải cho biết. Như vậy, ước tính riêng chi phí vàng mã, mỗi ngày tại lễ hội này đã “hóa vàng” vài trăm triệu đồng.

Như vậy mặc dù Bộ VHTTDL đã có nhiều chỉ thị nhắc nhở, nghiêm cấm và xử phạt đốt vàng mã tại các di tích đền chùa, nhưng tại hội Phủ Dầy năm nay, tình trạng đốt quá nhiều vàng mã vẫn tiếp tục tái diễn. Nên chăng Bộ cần phải đẩy nhanh việc xây dựng chế tài theo hướng tăng mức xử phạt hành vi này, bởi hiện nay, mức phạt từ 1-3 triệu đồng/trường hợp hầu như không có tính răn đe. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem