Hội thảo nông nghiệp CNC: “Cởi trói” gói tín dụng 100.000 tỷ đồng

Trương Hồng - Ngọc Phông Chủ nhật, ngày 24/06/2018 12:50 PM (GMT+7)
Trong hai ngày 25 và 26.6, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ NNPTNT và UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Báo NTNN/ Dân Việt tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp công nghệ cao”. Dự kiến tham dự Hội thảo sẽ có khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương cùng lãnh đạo, nông dân tiêu biểu đến từ các tỉnh thành trên khu vực miền Trung - Tây Nguyên cùng hàng chục phóng viên các báo, đài Trung ương và địa phương tham dự đưa tin.
Bình luận 0

Theo Vụ Khoa học- Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT): Nhằm huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư, nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNC nói riêng và KHCN vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai “gói” tín dụng 100.000 tỷ đồng để phục vụ phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch.

Thu hàng tỷ đô la từ nông nghiệp cao

Theo đánh giá của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (thuộc Bộ NNPTNT): Trong thời gian vừa qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Nhờ vào đó, sau 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 36,37 tỷ USD, năm 2018 nông nghiệp Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ đô. Hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia trên thế giới với 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Việc ứng dụng CNC và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định CPTPP, FTA…”.

img

Nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào trong sản xuất mà nông dân ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thu hàng tỷ đô la

Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tại QĐ 66 của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC thâm canh tôm, hoa, lúa được địa phương công nhận Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, An Giang. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập thêm 3 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC ở Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Riêng đối với Bộ NNPTNT đã tổ chức thẩm định hồ sơ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng, nhưng hiện tỉnh này đang hoàn thiện hồ sơ sau thẩm định để có đầy đủ căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Ngoài các khu CNC, NNCNC ra, đến nay có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực, gồm 12 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt; 19 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực thủy sản; 9 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi.

img

Nông dân phấn khởi khi gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng được "mở trói"

“Nhờ ứng dụng tốt CNC, công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP.

Theo đó, rau trồng trong nhà kính, doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha; đối với cây hoa doanh thu đạt từ 0,5 tỷ đồng đến 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha; nuôi tôm thẻ chân trắng đã nâng cao đạt 40 tấn/ha gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ...” - đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết.

“Bơm” vốn kịp thời cho nông dân.

Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để ứng dụng CNC vào trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn dã được “bơm” kịp thời để phục vụ các mô hình của các doanh nghiệp và nông dân trên mọi miền đất nước.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay Bộ NNPTNT đã và đang triển khai 15 nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 là 86,19 tỷ đồng. Vốn huy động để triển khai dự án từ phía doanh nghiệp lên đến 150 tỷ đồng tập trung vào ứng dụng các công nghệ mới. Dự án đã mang lại những tác động lớn và hiệu quả nhân rộng trong sản xuất.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về gói tín dụng thương mại 100 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại triển khai thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch.

img

Nhiều ngân hàng đã bắt đầu triển khai "gói" 100 nghìn tỷ đồng giúp nông dân yên tâm sản xuất

“Đây là nguồn vốn để “bơm” kịp thời nhằm huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư, nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNC nói riêng và KHCN vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao bền vững…” -  Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chia sẻ.

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết thêm, riêng gói 100 nghìn tỷ đồng từ thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 5.2018, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch ước đạt khoảng 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng đang có dư nợ và 14 ngân hàng thương mại tham gia chương trình.

Ngoài ra, theo báo cáo đến tháng 4.2018 trên phạm vi toàn quốc đã có 63/63 tỉnh/thành phố xây dựng thành công 818 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó 416 chuỗi đã được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát ATTP theo chuỗi; nhiều doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với HTX, hộ nông dân tổ chức chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đảm bảo ATTP trên quy mô lớn. Giai đoạn 2018 - 2020, theo báo cáo tổng hợp từ 33 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, có 363 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp với tổng số vốn dự kiến là 46.251,1 tỷ đồng.

Thời gian tới, ngoài ứng dụng NNCNC vào sản xuất trong nông nghiệp, ngành tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và mở rộng Chương trình sang một số đô thị lớn khác. Tổ chức kiểm tra chặt chẽ an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật và thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam…
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem