"Hôi vàng" trong vụ nổ súng cướp tiệm vàng ở Huế, nếu không trả lại sẽ bị xử lý ra sao?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 31/07/2022 20:23 PM (GMT+7)
Công an TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) cho hay, những người đã "hôi vàng" do đối tượng cướp vứt ra đường nếu không trả lại sẽ bị xử lý. Theo quy định pháp luật, hành vi "hôi vàng" có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Đề nghị những người "hôi vàng" trả lại tài sản

Liên quan đến vụ nổ súng cướp tiệm vàng ở Huế, chiều 31/7, Công an TP.Huế đã ban hành thông báo đề nghị người dân trả lại vàng nhặt được sau khi đối tượng nổ súng cướp tiệm vàng rồi ném vàng ra đường đoạn trước chợ Đông Ba.

"Hôi vàng" trong vụ nổ súng cướp tiệm vàng ở Huế nếu không trả lại sẽ bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Tiệm vàng ở chợ Đông Ba, nơi xảy ra vụ cướp. Ảnh: T.N.

Công an TP.Huế yêu cầu người dân trả lại vàng để phục vụ quá trình điều tra, trả cho chủ sở hữu. Những người đã nhặt vàng nếu không trả lại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi "Chiếm giữ tài sản trái phép".

Trước đó, sau khi cướp vàng từ tiệm vàng, đối tượng gây ra vụ cướp đã ném vàng ra đường để người dân đến nhặt. Nhiều người dân khi phải hiện vàng rơi vãi đã chạy ra đường nhặt vàng.

"Hôi vàng" có thể bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tình huống này người "hôi vàng" có thể xem là chiếm giữ tài sản trái phép của người khác.

Đây không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà ở góc độ pháp lý, hành vi "hôi vàng" có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Cụ thể, Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 tội "Chiếm giữ trái phép tài sản" quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 đến dưới 200 triệu đồng, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Còn nếu chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Theo bà Thơ, chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó.

Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi chuyển dịch tài sản của người khác đang có một cách hợp pháp thành tài sản của mình một cách trái phép.

Biểu hiện của sự chuyển dịch này là hành vi tiếp tục chiếm hữu, là hành vì sử dụng hoặc là hành vi định đoạt tài sản.

Xét về tính chất, hành vi chiếm giữ trái phép tài sản cũng giống như hành vi chiếm đoạt tài sản. Giữa hai hành vi này chỉ có sự khác nhau ở đặc điểm của tài sản là đối tượng của hành vi phạm tội.

Đối tượng của hành vi chiếm giữ là tài sản đang trong tình trạng không có người quản lí như tài sản bị giao nhầm, bị bỏ quên, bị đánh rơi... còn đối tượng của hành vi chiếm đoạt là tài sản đang có người quản lí...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem