Hội viên, nông dân huyện Cam Lâm của Khánh Hòa năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh

Công Tâm Thứ năm, ngày 05/01/2023 06:57 AM (GMT+7)
Trong thời gian qua, Hội Nông dân huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo, đồng thời không ngừng đổi mới các phong trào thi đua, từ đó đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình kinh tế có sức lan tỏa lớn.
Bình luận 0

Ông Phạm Hồng Thịnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lâm cho biết, trong năm 2022, đơn vị đã đạt được những kết quả nổi bật như: Kết nạp hội viên mới đạt 138%, trong đó vận động kết nạp 8 hội viên là chủ doanh nghiệp, chủ trang trại; xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự đạt 133%; xây dựng mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt 133%; xây dựng tổ Hội nghề nghiệp đạt 100%,...

Nhiều hội viên nông dân Cam Lâm có cách làm sáng tạo cho thu nhập ổn định - Ảnh 1.

Hội Nông dân huyện Cam Lâm được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tặng cờ thi đua. Ảnh: C.T

Theo ông Thịnh, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn; giá thu mua một số mặt hàng nông sản chủ lực của huyện như: xoài các loại, nhất là xoài Úc và các mặt hàng nông sản như khoai sáp, mãng cầu, mía, mỳ giảm mạnh; một số sản phẩm tiêu thụ chậm,..

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát kịp thời của Huyện ủy, Hội Nông dân tỉnh, các cấp ủy Đảng, cùng với sự nỗ lực quyết tâm phấn đấu của các cấp Hội, sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã góp phần tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện tốt nhiệm vụ và giúp cho người dân vượt qua khó khăn. 

Nhiều hội viên nông dân Cam Lâm có cách làm sáng tạo cho thu nhập ổn định - Ảnh 2.

Mô hình trồng xoài Úc của nông dân huyện Cam Lâm. Ảnh: T.T

Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Cam Lâm, đầu năm có 9.178/8.900 hộ nông dân đăng ký, cuối năm xét duyệt có 8.318/8.900 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. 

Đặc biệt, qua phong trào năm 2022 xuất hiện nhiều gương nông dân, nhiều mô hình tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác trong sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao được cán bộ, hội viên nông dân học tập, làm theo như: Mô hình kinh doanh vườn xoài kết hợp với kinh doanh khách sạn của hội viên Nguyễn Sơn (xã Cam Hải Tây) tổng thu nhập đạt 1,5 tỷ đồng/năm; mô hình phát triển kinh tế từ 12 ha xoài kết hợp với trồng, chăm 15 ha rừng và kinh doanh vật liệu xây dựng của hội viên Võ Thị Thu (xã Suối Cát) tổng thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm; mô hình kinh doanh xoài trái kết hợp với kinh doanh khách sạn, dịch vụ vận tải của hội viên Bùi Sơn Hồng (xã Cam Hải Tây) tổng thu nhập 1 tỷ đồng/năm, hàng năm giải quyết việc làm cho 20 hội viên nghèo.

Ngoài ra, mô hình chuyên canh cây xoài, bưởi da xanh đạt hiệu quả kinh tế cao của hội viên Trần Xuân Hoàng (xã Cam Tân) tổng thu nhập 500 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi vịt của hội viên Võ Văn Được (xã Cam Hải Đông) tổng thu nhập 400 triệu đồng/năm...

Nhiều hội viên nông dân Cam Lâm có cách làm sáng tạo cho thu nhập ổn định - Ảnh 3.

Sản phẩm xoài của Cam Lâm không những cung cấp trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh phía nam. Ảnh: T.T

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam lâm cho 5.055 hộ hội viên nông dân vay vốn ở 118 tổ vay vốn với tổng dư nợ hơn 201,309  tỷ đồng. 

Trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội vận động các hộ nông dân SXKDG, nhận giúp các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, chú trọng hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất; phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem