Cảnh báo cho cư dân vùng ven sông, suối
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng của bão ở các tỉnh Bắc Bộ từ đêm nay có mưa to đến rất to trong 2-3 ngày với lượng mưa cả đợt khoảng 200-300mm.
Trong ngày hôm qua (18.7), các tỉnh ven biển Bắc Bộ đã tiến hành rà soát và di dời 1.500 người ra khỏi các khu vực nguy hiểm như vùng trũng, thấp, ven sông suối để đề phòng nguy hiểm.
Cũng theo nhận định của Trung tâm, mưa lớn do ảnh hưởng của bão nên trên hệ thống sông Hồng- Thái Bình sẽ có một đợt lũ vừa và lớn với biên độ từ 4 đến 6m ở thượng lưu, còn ở hạ lưu là 2-4m.
Lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Lô tại Tuyên Quang cũng có khả năng đạt đến mức báo động 3. Đặc biệt, các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi đều có khả năng vượt báo động 3. Đây là những khu vực đặc biệt nguy hiểm, có khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống gây thiệt hại nhiều về người và tài sản sau bão.
Đánh giá về những ảnh hưởng sau bão, Bộ trưởng Bộ NNPTNT- Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư Cao Đức Phát cho biết: “Những ngày qua trên miền núi đã xảy ra mưa lớn, đất bị ngấm nước mực nước trên các sông cũng dâng cao nếu xảy ra mưa cục bộ rất dễ gây ra sạt lở, nên các địa phương phải kiểm tra lại những nơi có dấu hiệu và có nguy cơ sạt lở núi là phải sơ tán dân. Do đó, cần chuẩn bị mọi phương án có thể xảy ra, nhất là lũ quét, lũ ống để sơ tán dân nhanh nhất”.
Không chủ quan sau bão
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, từ chiều qua 18.7, tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định công tác phòng chống bão cũng được chuẩn bị rất kỹ càng. Tại Nam Định, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định gần 2.000 tàu cá với 5.000 ngư dân đã vào bờ an toàn. Ngoài ra, 100% chủ tàu của 732 lều/881 người canh coi ngoài bãi cũng đã được kêu gọi vào bờ an toàn.
Rút kinh nghiệm từ các cơn bão trước đây, tỉnh Nam Định đặc biệt chú ý đến công tác gia cố các điểm đê kè xung yếu và đã cơ bản được thực hiện xong như các tuyến đê biển Nghĩa Phúc - Đông Nam Điền và Nam Điền - Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng)… Một số điểm xung yếu trên các tuyến đê sông cũng đã được xử lý khẩn cấp.
Tỉnh Thái Bình cũng đã tổ chức di dời được 1.153/10.638 hộ dân, và 2.066/23.404 người nuôi trồng thủy, sản ven biển, trong các khu nhà xung yếu vào nơi định cư an toàn.
Ông Nguyễn Văn Giang – Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho hay: “Khó khăn nhất trong công tác phòng chống bão lần này là việc ngư dân còn tư tưởng chủ quan, cho rằng bão sẽ không vào nên nhiều ngư dân còn bám trụ lại trên các lều canh ngao và đặc biệt là có ngư dân vẫn muốn đưa tàu ra khơi. Huyện đã chỉ đạo các địa phương, bộ đội biên phòng túc trực 24/24 để giám sát, tuyên truyền cho ngư dân, ngăn cấm không cho tàu, thuyền ra khơi”..
Sáng 18.7, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có Công điện khẩn gửi các tỉnh phía Bắc yêu cầu tổ chức sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn; tổ chức kiểm tra đê điều, hồ, đập, các công trình đang thi công trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố đảm bảo an toàn công trình...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.