Hôm nay, Thủ tướng chủ trì hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL

Anh Thơ Thứ ba, ngày 18/06/2019 06:30 AM (GMT+7)
Hôm nay, ngày 18/6/2019 tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Bình luận 0

Sản xuất theo nhu cầu thị trường

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ NNPTNT đã chủ động vào cuộc quyết liệt, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: Xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; Phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; Phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Bộ cũng đã ban hành và tham gia xây dựng một loạt chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có ĐBSCL. Hiện nay, bộ cũng đang tham gia và triển khai các chính sách, chương trình/dự án lớn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL nhằm cơ cấu lại sản xuất theo hướng thị trường, thích ứng hơn với BĐKH, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh: tăng thủy sản, trái cây; giảm lúa…

img

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có điều chỉnh linh hoạt trong diện tích sản xuất lúa. Ảnh: I.T

Nhờ đó, nông nghiệp ĐBSCL đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với BĐKH được đẩy mạnh; các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC được đẩy mạnh áp dụng…

Theo đánh giá, giai đoạn 2016-2018, nông nghiệp ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm); đóng góp 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung vùng ĐBSCL. Năm 2018, ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực này của cả nước.

Diện mạo nông thôn vùng ĐBSCL được khởi sắc, có nhiều đổi mới. Tính đến tháng 6 năm 2019, toàn vùng ĐBSCL có 528 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 40,6%), gấp hơn 2,7 lần so với thời điểm năm 2015, bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã; có 9 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 08 đơn vị so với cuối năm 2015).

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu chuyển đổi đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng BĐKH. Hiện nay, hệ thống thủy lợi đã giúp đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích lúa vụ đông xuân - hè thu, đồng thời phát triển phục vụ thủy sản và cây trồng cạn. Hình thành hệ thống đê kiểm soát mặn, triều cường, sóng cao. Các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển được triển khai, trong đó đã hướng dẫn các tỉnh thực hiện các giải pháp kỹ thuật, xử lý khẩn cấp những đoạn lụt, sạt lở trọng điểm; chỉ đạo cắm biển cảnh báo, xây dựng bản đồ sạt lở vùng ĐBSCL, bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách với tổng kinh phí  2.500 tỷ đồng.

Xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo

img

ĐBSCL sẽ xoay trục chiến lược theo hướng thủy sản - trái cây - lúa gạo. Ảnh: I.T

Mặc dù vẫn duy trì và phát huy được các kết quả tốt; tuy nhiên, theo các chuyên gia thời gian tới, ĐBSCL sẽ đối mặt với các thách thức lớn từ biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển thượng nguồn. Các thách thức lớn nhất là sụt lún đất; mực nước ngầm suy giảm; xói lở bờ biển; ngập do nước biển dâng và úng ngập cục bộ do không tiêu thoát được khi cùng lúc triều cường dâng cao và nước lũ lên nhanh; xâm nhập mặn gia tăng. Thị trường tiếp tục biến động khó lường với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, đặc biệt khi nông nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng với các FTAs thế hệ mới.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT đang nhanh chóng hoàn chỉnh Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL với mục tiêu: Phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững, an toàn trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, chất lượng cao, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản.

Cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng BĐKH, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được quản lý, sử dụng hợp lý; đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người cao hơn trung bình cả nước.

Theo đó, định hướng phát triển tổng thể bao gồm: Cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường vùng ĐBSCL.

Chủ động thích ứng với thay đổi của điều kiện tự nhiên và thị trường, tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ.

img

ĐBSCL đang hướng đến phát triển thành vùng du lịch nông nghiệp. Ảnh: I.T

Phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững theo 3 vùng (vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển). Dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi về đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân hành vùng an toàn, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt . (Vùng an toàn là vùng có độ an toàn đạt từ 70% trở lên trước tác động của lũ, ngập và xâm nhập mặn và có thị trường; vùng chuyển đổi là vùng sản xuất nguy cơ cao, chỉ có độ an toàn 30% trước tác động của lũ, ngập và xâm nhập mặn và nhu cầu thị trường; vùng linh hoạt là vùng chưa có đủ thông tin về tác động của hạn mặn, tình trạng úng ngập và khả năng cấp ngọt).

Xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Phát huy ưu thế của các sản phẩm đặc thù địa phương có giá trị. Phát triển ĐBSCL thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù.

Ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và nghiên cứu,ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết ba khâu là giống, thức ăn cho thủy sản, chăn nuôi và chế biến NLTS. Đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản, trái cây, lúa); đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế. 

Quy hoạch tích hợp, đa ngành, lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp “không hối tiếc”có điều phối liên vùng, liên kết ngành với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn vùng. Huy động nguồn lực tổng thể của nhà nước, các thành phần kinh tế, toàn dân, hợp tác quốc tế.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các vùng (vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển) và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực của vùng ĐBSCL theo hướng thị trường, hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế so sánh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển bền vững vùng ĐBSCL, sáng ngày 18/6, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì và phối hợp chủ trì hai hội thảo với chủ đề: Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Quản lý nguồn nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem