Hơn 1.500 tỷ và gần 20 năm chờ đợi nhà hát trên giấy

Đức Quỳnh Thứ sáu, ngày 28/09/2018 20:30 PM (GMT+7)
UBND TP.HCM vừa trình HĐND TP.HCM chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những tưởng câu chuyện này mới nhưng thật ra đây là câu chuyện của gần 20 năm qua...
Bình luận 0

Vừa qua, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo kế hoạch, trong đầu tháng 10, HĐND TP sẽ có phiên họp, và một trong những nội dung đó là thẩm định để duyệt chủ trương đầu tư dự án này.

img

Bản đồ vị trí dự kiến xây dựng nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM được đề xuất. Ảnh: Đ.Q

1.508 tỷ và 10.000m2 ở Thủ Thiêm

Khi thông tin dự án HBSO được đưa ra trình lại, hầu hết nghệ sĩ của nhà hát đều không khỏi mừng lẫn lo. Mừng bởi dù sao câu chuyện xây dựng nhà hát cũng được đem ra bàn lại sau gần 20 năm trên giấy và lo bởi không biết có tiếp tục trên giấy nữa hay không.

Từ năm 1999, HBSO đã được TP.HCM cho phép xây dựng nhà hát ở vị trí Công ty Xổ số kiến thiết (23 Lê Duẩn, quận 1). Đến tháng 7.2004, các bên liên quan mới thống nhất hoán đổi nhiều vị trí và nhà hát đã triển khai làm thiết kế ở 23 Lê Duẩn.

Tuy nhiên, tháng 5.2009, UBND TP lại quyết định chuyển dự án nhà hát về Công viên 23.9. Nhà hát lại làm bản vẽ mới với ê kíp kiến trúc sư từ Đức sang. Thế rồi từ năm 2010 đến 2012, khi dự án nhà hát ở công viên 23.9 vẫn còn dang dở thì TP lại quyết định thêm một dự án nhà hát ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, chính thức từ năm 2012, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM gửi UBND TP báo cáo về chủ trương phê duyệt xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch tại địa điểm Công viên 23.9, trong không gian rộng 1,2 ha, với 1.700 chỗ ngồi cho hai khán phòng.

Thế nhưng, dù đã có bản vẽ thiết kế, dự án nhà hát vẫn trên giấy và tiếp tục được dời về Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 2017.

20 năm và những lần đổi dời

NSƯT Trần Vương Thạch - Giám đốc HBSO, cho biết: “Cả nhà hát mấy hôm nay rần rần phấn khởi vì câu chuyện xây nhà hát lại được nhắc tới, nhưng tôi hiểu còn rất nhiều việc để làm. Ví dụ như ở công viên 23.9 thì chúng tôi biết rằng mình đã tiến hành được một số bước, còn giờ về Thủ Thiêm thì xem như làm lại từ đầu. Cái lợi nhất của lần này là TP đã có cơ chế đặc thù nên HĐND duyệt không chờ đến ý kiến Thủ tướng như trước. Tôi tin chủ trương TP sẽ duyệt nhanh và dễ dàng hơn”.

img

Một chương trình biểu diễn của dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng TP.HCM

Ông Thạch cũng bộc bạch, TP.HCM hiện không có một nhà hát đàng hoàng nào cả, người dân không có nơi để thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Nhà hát mới không chỉ phục vụ cho hoạt động của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa khác, đón tiếp các đoàn quốc tế đến giao lưu.

Chia sẻ về việc cần thiết xây dựng nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình, Sở Văn hoá và thể thao TP.HCM, cho rằng: “Vị trí nhà hát tương lai nằm ngay bên phải chân cầu Thủ Thiêm 2 (Q.2) là rất đẹp. Hiện sau khi trình HĐND, chúng tôi sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế cho nhà hát để có thiết kế kiến trúc độc đáo tạo điểm nhấn cho TP. Theo kế hoạch công trình này có thể khởi công vào năm 2020 và hoàn thành 2022. Việc xây dựng nhà hát không chỉ hướng đến người dân TP mà còn là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước”.

Hiện tại, trừ khối văn phòng trụ ở tầng hầm Nhà hát TP.HCM, các nghệ sĩ đoàn vũ kịch của HBSO đang tập tạm bợ ở Hội trường Thư viện Khoa học tổng hợp; dàn nhạc và hợp xướng của nhà hát tập ở rạp Thanh Vân cải tạo lại. Mỗi khi có vở diễn lớn cần cả dàn nhạc, hợp xướng, vũ kịch tập cùng thì hàng trăm nghệ sĩ lại chen chúc về rạp Thanh Vân.

Việc cần một nhà hát cho loại hình nghệ thuật đang ngày càng gần gũi công chúng này là điều rất cần thiết; chỉ mong sao một lần cuối cùng, dự án này không mãi mãi nằm trên giấy như gần 20 năm qua.

UBND TP.HCM vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thành phố đánh giá công trình này thật sự cần thiết và cấp bách, là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của địa phương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem