Hơn 250.000 tỷ đồng ngân sách cho chấn hưng văn hóa: Số tiền này vẫn còn thấp?
Hơn 250.000 tỷ đồng ngân sách cho chấn hưng văn hóa: Số tiền này vẫn còn thấp?
Định Nguyễn - Khánh Yến
Thứ sáu, ngày 01/11/2024 19:24 PM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, số tiền 256.250 tỷ đồng cho văn hóa là không nhiều, nếu không nói là "vẫn còn thấp".
Sáng 1/11, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Theo đó, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là 256.250 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, chia làm 3 giai đoạn.
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí và TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, Nhà văn - nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến về đề xuất đang trở thành "điểm nóng" này:
Chấn hưng văn hóa là nhiệm vụ quan trọng
Trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) cho rằng: Việc Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tổng các nguồn lực huy động 256.250 tỷ đồng là hợp lý.
Theo ông Trí, sự nghiệp phát triển văn hoá Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, trong đó chấn hưng văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ông Trí cho hay, con số 256.250 tỷ đồng với một chương trình mục tiêu quốc gia lớn như thế này trong vòng 11 năm sẽ "giải quyết 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể cực lớn".
Cụ thể, trong năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ. Giai đoạn 2026-2030, các cơ quan tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra. Thời gian còn lại từ 2031-2035, tập trung xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
"Đây được xem như đợt chấn hưng nền văn hoá, cũng bởi vậy tôi cho rằng con số này là hợp lý. Thứ nhất, trong kế hoạch trình Quốc hội, Chính phủ định hướng đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ trung tâm văn hóa thể thao, bảo tàng, thư viện. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước. Mỗi năm, ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam. Đến năm 2035, ngành công nghiệp văn hóa phấn đấu đóng góp 8% vào GDP của cả nước. 100% văn nghệ sĩ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Việc đóng góp GDP như vậy lớn lắm", ông Trí nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trí, việc quảng bá văn hoá có ý nghĩa rất lớn, không thể đo đếm được bằng tiền: "Đầu tư 11 năm tính ra với con số như vậy không phải lớn, tôi khẳng định mục tiêu đề ra nếu làm được như vậy thì con số hoàn toàn hợp lý, tôi ủng hộ việc này", ông Trí một lần nữa khẳng định.
"Số tiền 250.000 tỷ cho 11 năm là không lớn"
Trước việc Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình Quốc hội chương trình phát triển văn hóa hơn 250.000 tỷ đồng trong 11 năm, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cũng cho rằng số tiền này nghe có vẻ lớn nhưng không lớn: "Văn hóa thực chất là xây dựng con người, do vậy số tiền đó là cần thiết và thậm chí vẫn còn thấp. Quan trọng là chúng ta sẽ đầu tư như thế nào, làm gì trong chương trình này, đâu là những yếu tố ưu tiên và thiết thực? Cấu trúc, danh mục đầu tư nên cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng".
Theo ông Trần Hữu Sơn, văn hóa đang xuống cấp với nhiều biểu hiện đáng báo động: "Nhận thức về văn hóa tại nhiều nơi còn cũ kỹ, cho rằng đó đơn thuần là "cờ - đèn – kèn – trống", là "múa hát văn nghệ". Thế nhưng, thực chất văn hóa chính là bồi đắp, hình thành tính cách con người. Những năm gần đây, nhiều câu chuyện đáng buồn xảy ra cho thấy cần chấn hưng văn hóa như tham nhũng, lừa đảo, giết người cướp của… Những nếp sống như trồng cây, gây rừng để hạn chế thiên tai, lũ lụt, nhặt rác bảo vệ môi trường, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, hàng xóm láng giềng sinh hoạt văn nghệ thường kỳ – tất cả các thứ đó đều là văn hóa. Hãy hiểu rộng ra, rằng văn hóa là động lực, là mục tiêu phát triển, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế - như cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ".
TS Trần Hữu Sơn cũng bày tỏ sự lo ngại về việc phân bổ nguồn vốn: "Chúng ta rất cần đầu tư để có các công trình nhằm định hướng văn hóa cho thế hệ trẻ như: Thư viện, bảo tàng, công trình nghệ thuật, tuyên truyền và giáo dục nếp sống, nhưng đa phần các nơi đều đang thiếu thốn. Ngược lại, nhiều tượng đài tiêu tốn rất nhiều chi phí, nhưng hầu như không đem lại lợi ích gì cho cộng đồng. Không ít lễ hội, sự kiện nhân danh văn hóa được tổ chức khắp nơi nhưng không hề mang yếu tố văn hóa, đơn giản chỉ là những đêm văn nghệ được truyền hình trực tiếp, tiêu tốn tới hàng ngàn tỷ đồng, rất lãng phí của dân" - ông nhận định.
Cần có giải trình hết sức cụ thể về khoản tiền cho văn hóa
Nhà văn, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến nhận định: “Việc đề cao văn hóa, coi văn hóa là nguồn gốc là cần thiết, tuy nhiên cần xem xét rằng chúng ta sẽ đầu tư như thế nào, đầu tư vào cái gì, đâu là mũi nhọn của công nghiệp văn hóa trong tương lai. Lĩnh vực này rất mênh mông, bao gồm cả văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc…
Bên cạnh đó, một số vấn đề nổi cộm cần đưa ra bàn luận, trao đổi nghiêm túc, điển hình như việc xây dựng nhà văn hóa cấp xã, huyện… Dù phát triển văn hóa cộng đồng là điều cần thiết, nhưng hoạt động của những địa điểm này như thế nào, những năm qua có đóng góp như thế nào cho văn hóa? Tôi cho rằng đây là một câu chuyện lớn cần lời giải đáp. Khi đưa ra số kinh phí dự trù như vậy, Bộ VHTTDL chắc hẳn đã có phương hướng, kế hoạch. Tuy vậy, từng điểm trong đó cần phải giải trình cụ thể, có sự bàn luận, tham gia của những chuyên gia về kinh tế văn hóa, không thể cứ nói chung chung, trừu tượng”.
Trước đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng gây xôn xao dư luận khi lên tiếng ủng hộ việc đầu tư ngân sách lớn cho văn hóa. Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Văn hóa là thứ vô tận, không chỉ là xây một vài công trình, đầu tư cho vài phong trào, lễ hội. Văn hóa là dạy cho con người ta biết yêu một cái cây, nâng niu một loài vật, nhắc nhở con người ta cách đi đứng, ứng xử ở nơi công cộng, cách thưa gửi hay bước chân vào một không gian nghệ thuật. Tất cả những hành vi, suy nghĩ, thái độ sống mang tính nhân văn... ghép hàng ngàn yếu tố khác nhau lại mới tạo thành văn hóa. Cũng bởi vậy, để xây dựng nền văn hóa của một quốc gia cần một nguồn vốn vô hạn, không thể đong đếm được. Số tiền hàng trăm tỷ đồng nghe rất ghê gớm đấy, nhưng với văn hóa thì không có gì nhiều.
Chấn hưng văn hóa không phải việc trồng khoai, trồng tháng 1 thì tháng 4 có thể thu hoạch được. Văn hóa là những vẻ đẹp, phong tục tập quán được cấu thành từ hàng trăm, hàng ngàn năm. Trên đường phố, chúng ta vẫn thường nhìn thấy những người ngồi trong chiếc ô tô rất đẹp, họ mở cửa ra và thản nhiên ném bọc rác xuống đường, hành động ấy chỉ mất vỏn vẹn 10 giây. Thế nhưng, để một người đi qua nhìn thấy rác ở nơi công cộng, họ cúi xuống nhặt lên và tìm thùng rác để bỏ vào - chúng ta phải mất ít nhất 100 năm".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.