Honda cho rằng thuế VAT ở Việt Nam đang cao hơn trung bình Châu Á (Ảnh minh họa)
Thuế VAT ở Việt Nam cao hơn trung bình Châu Á
Trong văn bản góp ý Dự thảo đề cương Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế tài nguyên gửi tới Bộ Tài chính ông Vũ Quang Tâm, Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam cho rằng, việc tăng mức thuế GTGT từ 10% lên 12% đối với mọi mặt hàng nói chung và ô tô, xe máy nói riêng là không hợp lý.
Theo đại hiện Honda Việt Nam, hiện tại, mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam vẫn còn thấp so với đa số các nước trong khu vực. Nhưng trong khi mức thuế suất GTGT trung bình ở khu vực Châu Á là 8% thì mức thuế GTGT hiện tại của Việt Nam là 10% đã thuộc mức cao.
Honda Việt Nam bày tỏ lo ngại: “Việc tăng thuế tại thời điểm này sẽ tạo thêm nhiều áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, gánh nặng thuế GTGT sẽ tác động làm giảm nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân và gây ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và phát triển sản xuất.
Riêng đối với mặt hàng ô tô, hiện đang phải đóng rất nhiều loại thuế với mức cao như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế trước bạ, việc đóng nhiều loại thuế như vậy sẽ khiến cho giá thành của xe ô tô rất cao và là trở ngại đối với việc mở rộng thị trường và phát triển sản xuất. Do vậy, nếu nhà nước tiếp tục tăng thuế từ 10% lên 12% sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên quy định thuế GTGT 10% nhằm ổn định chính sách và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”.
Chưa xác định rõ phần linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước?
Về thuế TTĐB, Honda Việt Nam trích dẫn quy định tại Khoản 3 Điều 2 Dự thảo Dự án Luật - Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: “Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Đối với mặt hàng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi chở xuống, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được trừ đi phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước” với mục đích để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Việc linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước dùng để lắp ráp ô tô chưa được giải thích rõ có thể khiến nhiều DN sản xuất, kinh doanh ô tô ở Việt Nam gặp khó khăn (Ảnh minh họa)
Theo phân tích của công ty này, Dự thảo Dự án Luật vẫn chưa đưa ra giải thích rõ ràng cho khái niệm “phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”. Do vậy, có thể sẽ dẫn tới các cách hiểu khác nhau và khó khăn trong việc áp dụng quy định này trên thực tế.
Honda Việt Nam trích dẫn ví dụ: “Trong trường hợp nhà cung cấp Việt Nam thực hiện việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng sau đó bán cho Honda Việt Nam, hoặc trường hợp nhà cung cấp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm… tiếp tục sản xuất tạo nên phụ tùng hoàn chỉnh. Sau đó, bán những phụ tùng, linh kiện này cho công ty Honda Việt Nam hay trường hợp công ty Honda Việt Nam chủ động nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm… tiếp tục sản xuất tạo nên phụ tùng hoàn chỉnh thì chúng tôi chưa rõ phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước được xác định như thế nào.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo đưa ra giải thích rõ ràng cho khái niệm phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc áp dụng, tuân thủ quy định pháp luật”.
Trả lời kiến nghị của Honda Việt Nam, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, kiến nghị của Honda liên quan tới nội dung sửa đổi Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB, Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN và Luật thuế tài nguyên liên quan tới nội dung mà Bộ Tài chính đang gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương.
Do vậy, Bộ Tài chính ghi nhận để nghiên cứu và tổng hợp tiếp thu, giải trình các cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.