Đặc sản hồng không hạt được nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ảnh: Tinhhoa.
Theo lời kể của những vị già làng trong vùng, lịch sử của những cây hồng không hạt đã có trên 100 năm. Ngay các vị già làng đã trên 80 – 90 tuổi cũng không biết, khi lớn lên họ đã thấy cây hồng hiện diện trong vườn, trên đồi nhà từ khi nào rồi. Từ đó cây hồng không hạt đã gắn bó với biết bao thế hệ con người, gắn bó với đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên vùng đất đồi núi biên giới, nằm ở phía Bắc của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Thường vào rằm tháng Tám âm lịch, quả hồng không hạt Bảo Lâm được dùng làm quà biếu cho bạn bè và người thân, được bày trên mâm ngũ quả trong dịp Tết Trung thu truyền thống. Nét văn hóa đặc thù này đã làm cho giá trị và danh tiếng của hồng được lưu truyền qua hàng trăm năm cho đến ngày nay.
Hồng đặc sản Bảo Lâm là giống hồng ngâm, quả cứng, thuận tiện cho việc vận chuyển nên không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn có thể xuất khẩu đi các nước khác. Hiện nay, việc tiêu thụ hồng chủ yếu qua các tư thương vào tận vườn nhà mua theo cây hoặc ra chợ mua hồng do nông dân hái mang bán, đôi khi qua các trung tâm dịch vụ thương mại của huyện và tỉnh. Hồng được thu gom mang bán tại các thành phố lớn có sức tiêu thụ hồng cao như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh...
Hồng không hạt đã thực sự trở thành cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình
Khu vực Bảo Lâm, đồng thời là một xã giáp biên nổi tiếng với cây hồng đặc sản. Hiện nay xã có gần 100 ha với hàng nghìn gốc hồng, trong đó có 75 ha cho thu hoạch, hầu như nhà nào cũng trồng cây đặc sản này, đã có nhiều vườn hồng cho thu từ 2 – 3,6 tấn quả, tương đương với 7 - 12 tấn thóc, ước tính giá trị đạt khoảng 20 - 40 triệu.
Hồng không hạt đã thực sự trở thành cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình ở đây. Hồng không hạt Bảo Lâm đã được tỉnh Lạng Sơn xác định là cây ăn quả đặc sản cần được ưu tiên nghiên cứu và phát triển ở các địa bàn có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp.
Chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa kinh tế quan trọng, việc phát triển chỉ dẫn địa lý là cần thiết để tạo ra giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tác động tích cực đến nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các nước Châu Âu đã có kinh nghiệm hàng trăm năm về phát triển chỉ dẫn địa lý, ở đó các nhà sản xuất nhận thức rõ và đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động tập hợp thành tổ chức và đầu tư trí tuệ, công sức và kinh phí để phát triển chỉ dẫn địa lý của mình./.
Phương Thảo - Hương Trang (Khoa học và Phát triển)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.