Hóng-ninh dưới mái nhà sàn

Thứ hai, ngày 11/07/2011 12:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Mình đen như quạ, dạ trắng tựa bông/Thân thắt cổ bồng, mông đeo niêu nước" - đó là những lời đố vui về một vật dụng rất thân thuộc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong gian bếp của đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ, Yên Bái.
Bình luận 0

Ấy là cái hóng (cái chõ) bằng gỗ để chế biến những món ăn Thái truyền thống như cơm xôi, rau xôi, măng xôi, thịt xôi, cá xôi, cỏ dầy xôi, lá bắp cải xôi, khoai lang xôi, sắn xôi...

Hóng không chỉ là dụng cụ nấu ăn hàng ngày, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong cả đời sống tâm linh bản Thái. Không thể dùng hóng một cách bừa bãi, bởi theo người già, nó ẩn chứa nhiều điều cấm kỵ. Từ xa xưa, đồng bào đã tin rằng, chiếc áo thường mặc trên người sẽ mang hồn của chủ nên nếu ai xấu bụng muốn hại người khác thì chỉ cần tìm cách lấy trộm áo bỏ vào hóng mà xôi thì trước sau gì chủ nhân của chiếc áo cũng gặp điều xui xẻo.

img
 

Cái hóng đi kèm cái ninh (cái niêu). Hóng và ninh kết hợp với nhau tạo nên một bộ dụng cụ hoàn chỉnh để xôi thực phẩm trong gian bếp Thái. Hóng làm bằng gỗ vông, phải là khối gỗ liền được khoét, đục, đẽo dưới bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa. Để có được chiếc hóng ưng ý, người ta phải kỳ công vào tận rừng sâu chọn cây vông thật già, thân thẳng, đốn về phơi chừng nửa tháng rồi mới mời thợ đến làm. Chọn gỗ vông làm hóng vì gỗ vông nhẹ, dẻo, khi để trên bếp trong nhiệt độ cao và lâu ngày cũng không bị hỏng.

Nếu hóng được làm từ gỗ thì ninh lại bằng chất liệu đồng. Ninh có đáy to bằng chiếc nồi nấu bình thường nhưng cao, thuôn nhỏ dần ở trên miệng. Miệng ninh có bộ phận loe ra, uốn cong lên để chứa nước. Nhờ có nước ở trên miệng ninh mà khi xôi đồ ăn thức uống phần nối giữa hóng và ninh rất khít, kín, hơi nóng từ dưới lúc đun củi sẽ tập trung toàn bộ vào trong hóng...

Trong gian bếp của đồng bào Thái, trên chiếc kiềng đã phủ than đen quánh, cách thức đặt hóng và ninh cũng có một ý nghĩa rất quan trọng được trao truyền lại qua nhiều thế hệ. Hai quai của chiếc ninh khi đặt lên bếp luôn nằm dọc theo hướng nhà.

Già Điêu Văn Hà ở Nghĩa An, Mường Lò giải thích: "Nhà sàn là kiểu nhà truyền thống của người Thái được nối từ dưới đất lên bằng chiếc cầu thang 9 bậc ở phía đầu hồi và đó cũng chính là cửa chính ra vào. Bất cứ ai vào nhà sàn cũng phải đi qua gian bếp rồi mới vào gian khách, gian thờ, buồng ngủ. Đặt chiếc ninh theo hướng quai dọc thân nhà có ý nghĩa hướng dẫn mọi người đi lại đúng theo đường lối, thuận lẽ, thuận phép. Nếu chẳng may hai quai ninh quay ngang sẽ là điềm báo sự đảo lộn trong gia đình...

Hóng và ninh không thể thiếu được với người Thái và cách đặt hóng - ninh như thế nào cũng là điều mà bất cứ người con nào của bản khi lớn lên phải biết...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem