Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã làm nóng dư luận khi “xới xáo” đề xuất: Có nên công nhận mại dâm là một nghề hay không? TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội rất đồng tình khi cho rằng, công khai mại dâm sẽ giảm bớt thiệt hại.
Bà nhận định thế nào về khá nhiều các ý kiến cởi mở hơn về vấn đề “hợp pháp hóa mại dâm”, trong đó có ý kiến của nhiều chính khách?
- Đây là một quan điểm hết sức tiến bộ. Bởi vì cho dù chúng ta lên án hay khoan dung thì ngàn đời nay, mại dâm vẫn tồn tại. Xới xáo quan điểm như vậy có nghĩa là đang dần chấp nhận mại dâm như một bộ phận xã hội, đồng thời tìm cách giải quyết để “chung sống” cùng với nhau nhưng có thể hạn chế thấp nhất hậu quả cho cả hai bên. Giống như việc biến đổi khí hậu, ai cũng biết nó gây ra nhiều hậu quả xấu, nhưng không thể ngăn chặn và nó vẫn cứ diễn ra. Tốt hơn hết là ngồi lại, thừa nhận và tìm cách giải quyết cho ổn thỏa.
|
Tình trạng mại dâm đang ngày càng tăng. |
10 năm trước bà đã khuyến cáo nên coi mại dâm là nghề. Vậy, hiện tại bà có thấy “nghề” mại dâm có nhiều thay đổi?
- Mại dâm đã có sự lũy tiến rất lớn so với 10 năm trước. Mại dâm không giảm mà đã tăng lên, biến đổi đa dạng, mạng lưới rộng khắp từ đô thị đến nông thôn, miền núi, thậm chí còn “xuất khẩu” ra nước ngoài. Người mua dâm ngày trước cũng chỉ là những người quá “bí bách” không thể kiếm được bạn tình, còn ngày nay, việc mua dâm lại giống như khẳng định “đẳng cấp”.
Vậy hậu quả của việc mại dâm giấu giếm là gì?
- Việc mua dâm tràn lan gây lãng phí lớn, từ túi tiền cá nhân đến tiền công. Khi mại dâm lén lút thì “tảng băng chìm” sẽ rất lớn, dẫn đến tình trạng tội phạm như buôn bán phụ nữ, cưỡng ép phụ nữ hành nghề mại dâm, trong đó có cả trẻ em. Ngoài ra, bệnh tật không được kiểm soát thì chi phí điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV sẽ rất lớn, thậm chí theo cấp số nhân khi người nọ “bắc cầu” qua người kia.
“Khi giá mua dâm khẳng định đẳng cấp thì sự xói mòn đạo đức trở nên nghiêm trọng hơn. Kinh tế sa sút thì 10 năm có thể phục hồi, đạo đức xói mòn 100 năm cũng khó gây dựng lại”.
TS Khuất Thu Hồng
Vậy tại sao bưng bít thì lại dễ hành nghề còn công khai lại khó khăn?
- Đơn giản khi nghề còn bị ngăn cấm, người ta hoạt động giấu giếm nên nghĩ rằng sẽ che mắt được thiện hạ, tặc lưỡi bán vài lần rồi sau đó lại “trở về tinh khôi”. Nhưng nếu mại dâm trở thành nghề, phải đăng ký công khai, có chỗ hoạt động cụ thể thì người ta phải cân nhắc thiệt hơn. Giống như bất cứ việc chọn nghề nào, ai cũng phải cân nhắc, chứ không thể tặc lưỡi làm liều được.
Nhưng nhiều người vẫn cho rằng, việc hợp pháp hóa mại dâm là vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa xói mòn, gia đình bại hoại?
- Thực ra, nhìn nhận vấn đề mại dâm cần phải nhìn rất sâu xa. Ở các nước hợp pháp hóa mại dâm, mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng, ranh giới rõ ràng giữa người mua dâm và người không mua dâm, giữa bán dâm và các nghề khác. Mại dâm chỉ dành cho một số đối tượng nhất định thôi. Ai bước vào khu vực đèn đỏ sẽ phải cân nhắc. Người bán dâm phải đăng ký, được khám bệnh và có quyền từ chối quan hệ tình dục không an toàn, được pháp luật bảo vệ nếu bị bạo lực…
Còn mại dâm ở Việt Nam đang “nhập nhằng” và có lẽ đang dành cho “mọi đối tượng” và đang ngày càng “phình to” hơn theo chiều hướng xấu đi như mại dâm nhiều hơn, “đa dạng” đối tượng bán dâm hơn, bệnh tật nhiều hơn, tiền mua dâm lớn hơn, giả dối nhiều hơn…
Xin cảm ơn bà!
Tuấn Kiệt (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.